Khó tiếp cận nguồn vốn Quỹ Phát triển khoa học công nghệ

Những năm qua, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua Quỹ Phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, quá trình triển khai còn vướng mắc, DNNVV khó tiếp cận với nguồn vốn do nhiều thủ tục và quy định.

Sau nhiều lần bổ sung hồ sơ để vay vốn từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh, Công ty cổ phần đầu tư OSUM Vĩnh Phúc vẫn chưa đủ điều kiện được vay vốn. Ảnh: Trà Hương

Rào cản thủ tục pháp lý

Ông Ngô Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần đầu tư OSUM Vĩnh Phúc, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc cho biết: "Công ty chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng thủy tinh pha lê như ly, cốc, bình hoa… bằng nguồn nguyên liệu và phôi nhập ngoại, dây chuyền sản xuất hiện đại, thường xuyên phải đổi mới công nghệ.

3 năm qua, sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, công ty vẫn chưa đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ phát triển KHCN tỉnh. Để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho công nhân, công ty đã phải chuyển sang vay vốn ngân hàng".

Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho DNNVV, tổ chức, cá nhân vay vốn đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận với chính sách này do nhiều thủ tục và quy định.

Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN tỉnh Hà Huy Bắc cho biết: "Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010, quỹ đang quản lý nguồn vốn 150 tỷ đồng. Với một dự án ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ trung bình cần 7-8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, quỹ đã phê duyệt vốn vay được 35 dự án ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực làng nghề truyền thống; nuôi trồng giống cây, con đặc sản của từng vùng, miền; chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng các dịch vụ thể dục-thể thao... với số vốn giải ngân gần 90 tỷ đồng.

Như vậy, sau 11 năm hoạt động, Quỹ Phát triển KHCN tỉnh chỉ có 35 dự án được thẩm định và giải ngân, trung bình 3 dự án/năm, mỗi dự án được vay khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng - con số rất nhỏ so với nhu cầu đổi mới công nghệ của các DNNVV.

Nguyên nhân là do các dự án vay vốn của quỹ đều phải có hình thức đảm bảo khoản vay là tài sản cố định (chủ yếu là đất), vướng nhiều thủ tục pháp lý do chưa có cơ chế của Nhà nước, trong khi phía ngân hàng thẩm định chặt chẽ (thông thường bằng 60-70% giá trị thực) nên giá trị thế chấp thấp, số tiền được vay không cao; thời gian được vay ngắn (trung bình là 3 năm) nên khó trích khấu hao tài sản cố định, trong khi tại các ngân hàng thương mại, vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị có thời gian trung bình 5-7 năm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hà Huy Bắc cho biết: "Có một số khó khăn trong triển khai cho vay đối với các DNNVV vì Quỹ Phát triển KHCN tỉnh là đơn vị sự nghiệp, không phải là một tổ chức tín dụng, nên không có đủ các điều kiện để thực hiện các hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay; quỹ chưa hình thành được bộ phận/nhóm tín dụng, mà thông qua ủy thác với 2 ngân hàng là TMCP Công thương, TMCP Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc.

Đối tượng vay vốn của quỹ phần lớn là DNNVV, khả năng rủi ro cao (thường không đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay mặc dù quỹ cho phép doanh nghiệp (DN) dùng tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ làm tài sản thế chấp; quá trình xây dựng các dự án xin vay vốn thường kéo dài do quy trình phê duyệt)...".

Gỡ khó về chính sách

Thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển KHCN, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập Quỹ Phát triển KHCN tỉnh; phát triển thị trường KHCN…

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Công Võ cho biết: "Quỹ Phát triển KHCN là đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc UBND tỉnh. Quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ vốn không tính lãi cho DNNVV, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việc giải ngân nguồn vốn đòi hỏi DNNVV, các tổ chức, cá nhân phải có đề án cụ thể, có tính khả thi cao; sau khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ sẽ thông qua hội đồng khoa học để đánh giá, từ đó quỹ có cơ sở để ký hợp đồng và giải ngân vốn.

Một trong những điều kiện để được vay vốn là DN phải thành lập quỹ chuyển giao KHCN của đơn vị. Về điều này, đại diện nhiều DN cũng cho rằng, khi DN trích lập, sử dụng quỹ gặp khó khăn vì có nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn. Cùng với đó là quy định DN khi muốn sử dụng quỹ thì phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của dự án…

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận gần hơn với chính sách hỗ trợ vốn từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh, UBND tỉnh có văn bản đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ hình thành một đơn vị chuyên trách theo dõi quản lý hoạt động của Quỹ Phát triển KHCN địa phương để có thể hỗ trợ kịp thời về chuyên môn; chủ trì các hội thảo, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ địa phương về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các quỹ của Trung ương và địa phương nhằm mục tiêu chung đóng góp vào sự phát triển KHCN của cả nước.

Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động của quỹ theo hướng dẫn từ Bộ Khoa học và Công nghệ sao cho hợp lý, đảm bảo không vi phạm các văn bản QPPL và phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quỹ.

Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng ủy thác đổi mới trong hướng dẫn xây dựng hồ sơ vay vốn; đặc biệt là phần xây dựng dự án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho DN.

Giảm thời gian thẩm định, thẩm tra dự án; đề xuất các phương án thế chấp (bảo lãnh tín dụng, tín chấp, bảo lãnh bằng dòng tiền doanh thu sản xuất...) để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất.

Hoàng Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71414/kho-tiep-can-nguon-von-quy-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe.html