Khó khăn trong xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung

PTĐT - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 cơ sở giết mổ gia súc, chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ, phân bố xen kẽ tại các khu dân cư, gây khó khăn trong kiểm soát và thực hiện các quy trình đảm bảo ATTP. Thực trạng này đòi hỏi việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đảm bảo chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi.

Trước khi xuất ra thị trường, cán bộ thú y sẽ kiểm tra thịt và ký xác nhận tem kiểm định chất lượng cho đơn vị giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2007/QĐ-UBND ngày 9-8-2013 về duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 theo hai giai đoạn. Từ 2013 - 2015 sẽ xây dựng 6 cơ sở giết mổ tập trung trong đó có 4 cơ sở loại II và 2 cơ sở loại III; ở giai đoạn từ 2016 - 2020, sẽ xây dựng thêm 46 cơ sở giết mổ, trong đó chủ yếu là cơ sở loại II và loại III. Kinh phí thực hiện ước tính: 296.564 triệu đồng; dự kiến nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Nhà nước 30.096 triệu đồng (chiếm 10%); vốn doanh nghiệp 266.468 triệu đồng (chiếm 90%).Tuy nhiên, thực tế tới tháng 7/2019, toàn tỉnh mới chỉ có 5 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó phần lớn là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Nếu so sánh với số lượng hơn 1.200 các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ đang hoạt động, thì 5 cơ sở giết mổ tập trung hiện có chiếm chưa bằng 1%. Thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân khách quan mà chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi dây chuyền giết mổ gia súc, những doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.Anh Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Tâm (Cụm CN & TTCN Lương Sơn, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) cho biết: Dây chuyền giết mổ tập trung của Công ty hiện chưa đạt đến 10% công suất; sản lượng thịt giết mổ bình quân chỉ đạt khoảng 800 - 1.000kg/ ngày. Công ty áp dụng quy trình giết mổ theo liên kết chuỗi từ trang trại tới giết mổ, pha lọc, đóng gói, vận chuyển đều đảm bảo đúng quy định của ngành thú y. Tuy vậy, Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong duy trì vận hành dây chuyền kể trên bởi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các tiểu thương của các cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ. Trong khi doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản chi phí, lệ phí, sản phẩm đưa vào giết mổ phải được kiểm soát chất lượng chặt chẽ thì các tiểu thương không phải trả chi phí nào, chất lượng cũng rất khó khăn trong việc kiểm soát. Doanh nghiệp thực hiện đúng theo chủ trương, quy hoạch nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khiến cuộc cạnh tranh chưa thực sự sòng phẳng.Tại Yên Lập hiện có 127 cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và duy nhất 1 cơ sở giết mổ tập trung là Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Tâm. Theo ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập: Thị trường tiêu thụ thịt tươi sống tại 17 xã, thị trấn là rất lớn nhưng hầu hết đều chịu sự chi phối của các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Người dân với tâm lý “tiện đâu mua đó”, ưa chuộng tiêu thụ sản phẩm thịt tươi sống tại chỗ; không yêu cầu tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ khiến cho những cơ sở giết mổ tập trung theo đúng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Tâm hoạt động cầm chừng.Thực tế cho thấy các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã tồn tại lâu năm, nằm rải rác tại các khu dân cư, có phương thức giết mổ thủ công, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tại địa phương (trung bình 1-2 con lợn, trâu, bò/ngày). Đây là những đầu mối cung cấp thịt tươi sống cho hơn 13.000 hộ kinh doanh của trên 180 chợ trên toàn tỉnh. Các cơ sở này thường tự phát, tự tiêu thụ; gắn với thói quen sinh hoạt của người dân nên rất khó quản lý cũng như quy hoạch lại theo đúng các quy định của ngành chăn nuôi. Một số cơ sở giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tồn tại ngay cạnh các khu dân cư sinh sống là nguồn đe dọa rất lớn lây lan các dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.Thực trạng này đòi hỏi ngành Nông nghiệp & PTNT xây dựng và quản lý cơ sở giết mổ tập trung nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Theo đó, vật nuôi sẽ được kiểm soát chất lượng đầu vào chặt chẽ từ các cơ sở giết mổ tập trung, tức là phải đảm bảo về nguồn gốc, qua kiểm dịch của thú y mới được giết mổ. Từ các cơ sở giết mổ tập trung, thực phẩm sẽ được đảm bảo các tiêu chuẩn theo đúng quy định để xuất tới các thị trường ở các chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể… Các cơ sở giết mổ tập trung sẽ đóng vai trò như một “giám sát viên”, đảm bảo nghiêm túc quy trình an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi cho tới khâu chế biến. Làm tốt công tác giết mổ tập trung là chìa khóa để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi theo hướng “tự giác từ gốc” của các hộ chăn nuôi; đồng thời đây cũng là tiền đề để xây dựng chuỗi chế biến sạch, đảm bảo và an toàn VSTP.Theo ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Cần có lộ trình cụ thể hơn nữa của các cấp bộ, ngành để phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, trong đó, cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc dứt điểm của các cấp, ngành địa phương. Với hơn 1.200 cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ; Phú Thọ đang có lợi thế để quy hoạch và tập trung xây dựng những cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn tại các địa phương. Chỉ cần bước đầu làm tốt công tác này, sẽ thấy được hiệu quả rõ ràng trong việc quy hoạch lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, tự giác. Có lẽ không thời điểm nào thích hợp hơn là lúc này, ngành chăn nuôi cần được quy hoạch rõ ràng và thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt quy trình kiểm soát giết mổ tập trung để tránh những tổn thất do bệnh dịch và biến động thị trường.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/kho-khan-trong-xay-dung-co-so-giet-mo-gia-suc-tap-trung-166090