Khó khăn trong phát triển công nghiệp chế biến

Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị nông - lâm - thủy sản, tăng thu nhập và ổn định đầu ra cho sản phẩm, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản tại Lào Cai vẫn gặp không ít khó khăn.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai có bước tiến rõ rệt với việc các vùng sản xuất hàng hóa quy mô được hình thành. Kéo theo đó, các mặt hàng nông sản được đưa ra thị trường với sản lượng lớn, trở thành vùng nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành hàng. Ngành chế biến nông - lâm - thủy sản đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân và thị trường. Một số sản phẩm chế biến đặc thù của tỉnh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng, vươn ra xuất khẩu như chè, gạo đặc sản, tương ớt, quế… Ngành chế biến nông - lâm sản cũng góp phần tiêu thụ nguyên liệu của các địa phương, nâng cao mức sống của người dân. Qua kết quả điều tra, lao động trong ngành chế biến nông - lâm - thủy sản có thu nhập bình quân cao hơn hộ thuần nông khoảng 1,4 - 2 lần.

Sơ chế gỗ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất (Trong ảnh: Công nhân Hợp tác xã Mỹ nghệ Hoa Mai sơ chế gỗ).

Tuy nhiên, dường như không thể bắt kịp với sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến còn gặp nhiều khó khăn khiến phần lớn nông - lâm - thủy sản xuất bán dưới dạng sản phẩm thô. Từ đó kéo theo nhiều rủi ro trong sản xuất cũng như chưa nâng cao được giá trị kinh tế, phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoài tỉnh và thị trường nước ngoài. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 90 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia lĩnh vực sơ chế, chế biến nông - lâm - thủy sản, chiếm 1,83% số cơ sở sơ chế, chế biến. Hầu hết các mặt hàng nông - lâm - thủy sản được sơ chế, chế biến bởi các hộ (khoảng 4.800 hộ), chiếm 98,17%. Lĩnh vực sơ chế, chế biến mới tiếp cận với những nguyên liệu dễ chế biến; các nhà máy, cơ sở đa phần chỉ sơ chế, chưa có sản phẩm chế biến sâu, nên hạn chế tăng chuỗi giá trị sản xuất và chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Mường Khương là vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của tỉnh với các mặt hàng có sản lượng lớn như chuối, dứa, chè… Thế nhưng, các sản phẩm tươi như chuối, dứa đều được thu hoạch và bán cho thương lái phía nước bạn, trên địa bàn huyện cũng như trong tỉnh chưa có doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thu mua, sơ chế, chế biến những mặt hàng này. Bởi vậy đã có nhiều vụ chuối, dứa chín rộ nhưng không được thu mua kịp thời, người dân đành ngậm ngùi ôm trái đắng. Anh Vương Văn Tùng (thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) cho biết: Gia đình tôi trồng dứa hơn chục năm nay, chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, thi thoảng mới có thương lái ở các tỉnh miền xuôi mua để bán cho công ty chế biến nước ép. Có nhà máy chế biến dứa hay chuối là mơ ước của người dân trong xã bởi tránh được việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do nhiều năm dứa mất giá nên tôi đã chuyển một phần đất trồng dứa sang trồng chè, trồng chè có nhà máy thu mua nên ổn định hơn.

Dây chuyền chế biến và đóng chai sản phẩm tương ớt tại Hợp tác xã Hoa Lợi.

Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản là mắt xích quan trọng trong hình thành các chuỗi sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chế biến đã tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Công nghiệp chế biến cũng là chỗ dựa cho nông dân, giúp người dân yên tâm, ổn định sản xuất các mặt hàng thế mạnh.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa có các nhà máy, doanh nghiệp quy mô lớn với công nghệ, dây chuyền hiện đại. Ngành công nghiệp chế biến của tỉnh hầu hết ở mức sơ chế. Đơn cử như các doanh nghiệp chế biến chè trong tỉnh hầu như mới dừng lại ở chế biến thô để xuất khẩu; các sản phẩm như gỗ, quế là mặt hàng thế mạnh cũng chỉ chế biến thô dạng gỗ ván bóc, gỗ ép, dăm gỗ, tinh dầu thô… Việc hình thành công nghiệp chế biến sâu các loại nông - lâm - thủy sản sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ sản xuất nông nghiệp, củng cố sự bền vững của các chuỗi liên kết sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp, nên cần được quan tâm thích đáng.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/kho-khan-trong-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-z3n20200306092101931.htm