Khiếu nại quyết định công nhận sự thỏa thuận

Anh em một nhà, nhưng các bên tranh chấp tài sản đã 28 năm. Đến cuối năm 2021, tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, một bên phát sinh khiếu nại, cho rằng quyết định này chưa chính xác.

Qua tìm hiểu cho thấy, năm 1975, vợ chồng ông Tạ Phụng mua 20.000m2 đất, sau cố 780m2 đất thổ cư ở ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng (huyện Châu Thành) của ông Lê Văn Bộn, thời gian 90 năm (từ 28/2/1974 đến 28/2/2064). Trên đất này, ông Phụng, bà Ngụy Trân cất nhà sống với ông Tạ Chập Ích. Gia đình ông Tạ Tấn Quyền, bà Phạm Thu Lang cất nhà ở bên cạnh. Phía sau 2 nhà là đất trống và hầm lạng.

Năm 1995, UBND huyện Châu Thành công nhận sự phân chia của bà Ngụy Trân cho ông Tạ Chập Ích, Tạ Tấn Quyền, mỗi người 390m2 đất thổ cư. Về sau, họ phát sinh tranh chấp đất. Ông Quyền chết, bà Phạm Thu Lang đại diện, tiếp tục tranh chấp. Bản đồ đo đạc hiện trạng đất ngày 20/9/2010 xác định tổng diện tích đất của ông Tạ Chập Ích và gia đình bà Lang sử dụng 674,8m2 đất (trong đó bà Lang sử dụng 215,2m2, ông Ích sử dụng 459,6m2). Cho rằng nguồn gốc đất của cha mẹ cho, năm 2015, bà Phạm Thu Lang khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đòi đất, nhưng bị trả đơn do đương sự chưa có cơ sở, giấy tờ chứng minh là tài sản của mình.

Liên quan đến việc này, tờ xác nhận năm 2005 của ông Nguyễn Hữu Ngoạn cho thấy, vợ chồng ông Quyền, bà Lang, gia đình ông Ích sử dụng đất đã lâu nhưng chưa trả thành quả lao động cho ông; khẳng định bà Lang lấy tiền thành quả lao động từ ông Ích là sai sự thật, vi phạm pháp luật. Trường hợp bà Lang sử dụng giấy tờ liên quan đến tranh chấp đất đai thông qua phô-tô cần xem lại tính hợp pháp.

Ông Tạ Chập Ích trình bày sự việc

Ngày 14/12/2021, Hội đồng xét xử sơ thẩm dân sự Tòa án nhân dân tỉnh An Giang “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Bà Phạm Thu Lang (nguyên đơn) đồng ý giao cho ông Tạ Chập Ích được quyền sử dụng, quản lý diện tích đất tranh chấp 131,5m2, tọa lạc ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng; công nhận ông Ích được quyền quản lý, sử dụng diện tích 471,7m2 đất (trong đó có 131,5m2 đất tranh chấp) theo Bản đồ hiện trạng ngày 16/4/2020 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Châu Thành. Ông Tạ Chập Ích (bị đơn) đồng ý trả giá trị diện tích đất tranh chấp cho bà Phạm Thu Lang, số tiền 275 triệu đồng.

Tuy nhiên, phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, ông Tạ Chập Ích cho biết, nguồn gốc đất từ gia đình vợ chồng ông Lê Văn Bộn, bà Lê Thị Liễu với hộ ông Nguyễn Văn Trợm và các con (ông Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Hữu Sương, Nguyễn Hữu Linh) đến sau năm 1975 vẫn chưa ngã ngũ. Năm 1990, Thanh tra huyện Châu Thành giữ nguyên hiện trạng đất tranh chấp. Đến năm 1994, UBND huyện Châu Thành ban hành quyết định giữ nguyên hiện trạng 1.125m2 đất cho gia đình anh em ông Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Hữu Sương, Nguyễn Hữu Linh (vốn đã cho 20 hộ sử dụng từ trước năm 1975). Năm 1995, địa phương quyết định công nhận quyền sử dụng 780m2 đất thổ cư và 15.989m2 đất ruộng cho vợ chồng ông Tạ Phụng (chết năm 1993), bà Ngụy Trân (chết năm 2019); đồng thời công nhận phân chia của ông Phụng, bà Trân cho các con, trong đó có ông Tạ Tấn Quyền, Tạ Chập Ích.

Sau đó, họ tranh chấp, gửi đơn đến UBND tỉnh An Giang. Tỉnh giao vụ việc về UBND huyện Châu Thành xem xét giải quyết, nhưng họ không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện quyết định hành chính, khởi kiện vụ án dân sự đến Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, đòi đất thổ cư do phân chia không đúng...

“Sau ngày anh tôi chết, việc tranh chấp gay gắt hơn. Đã 28 năm sử dụng, khai thác nhưng tôi vẫn chưa có quyền sử dụng đất thực thụ. Đến phiên hòa giải, tôi mong có sự hợp lý để kết thúc vụ việc. Tuy nhiên, tôi thấy bà Lang đưa ra điều khoản vô cớ nên bác bỏ. Không hiểu sao, tòa quyết định công nhận sự thỏa thuận, không cung cấp biên bản ghi nhận ý kiến. Tôi làm đơn kháng cáo và được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh thông báo nhận đơn, sẽ tiến hành xem xét theo quy định của pháp luật”- ông Tạ Chập Ích cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bất cứ ở giai đoạn tố tụng nào, đương sự cũng có quyền thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận việc giải quyết.

Bởi vậy, dù trong trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã được thành lập nhưng việc xét xử là không cần thiết, thẩm phán giải quyết vụ án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định. Nếu có căn cứ cho sự thỏa thuận đó là lừa dối, không đúng quy định hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, ông Tạ Chập Ích có thể làm đơn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khieu-nai-quyet-dinh-cong-nhan-su-thoa-thuan-a338745.html