Khi nhà đầu tư thích lướt sóng

Thị trường 'khó' khiến cả những nhà đầu tư kiên trì theo đuổi phong cách tích sản, đầu tư giá trị cũng phải lung lay và tăng tần suất giao dịch.

Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các cổ phiếu có khả năng tăng giá ngắn hạn, thậm chí giao dịch theo T+, kiếm từng khoản lợi nhuận nhỏ nhằm bù đắp cho khoản lỗ lớn trước đây.

Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các cổ phiếu có khả năng tăng giá ngắn hạn, thậm chí giao dịch theo T+, kiếm từng khoản lợi nhuận nhỏ nhằm bù đắp cho khoản lỗ lớn trước đây.

Nhiều tay chơi chuyển tông

Từ cuối năm 2022, khi mà tài khoản của nhiều nhà đầu tư vẫn đang nằm ở trạng thái lỗ, thị trường có sự “chia rẽ” và hình thành hai làn sóng đầu tư chính.

Nhóm nhà đầu tư thua lỗ thứ nhất dường như cam chịu, chấp nhận thất bại và tạm dừng các giao dịch, đứng ngoài thị trường. Không ít nhà đầu tư là những F0 từng được hưởng trái ngọt của mùa hoa đẹp nhất khi thị trường tăng trưởng mạnh năm 2021, sau giai đoạn được thị trường “ủy thác” cầm hộ một số lợi nhuận nhất định đã phải nhanh chóng “bàn giao" lại, cộng thêm một khoản lỗ kha khá.

Nhiều nhà đầu tư nhóm này cho biết, họ tạm thời dừng tất cả các giao dịch, giữ nguyên danh mục, đóng bảng điện và sẽ chỉ quay trở lại khi thị trường hưng phấn. “Triết lý” chung được đưa ra là chưa bán thì chưa lỗ. Họ chủ yếu là các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, chưa có nhu cầu sử dụng cho các mục đích khác.

Tuy nhiên, giữ được trạng thái “bình chân như vại” như vậy không nhiều. Một tỷ lệ lớn là các nhà đầu tư thuộc nhóm thứ hai, tích cực tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn để có thể thay đổi trạng thái danh mục, tìm lại vị thế. Theo đó, họ nỗ lực tìm kiếm các cổ phiếu có khả năng tăng giá ngắn hạn, thậm chí giao dịch

theo T+, kiếm từng khoản lợi nhuận nhỏ nhằm bù đắp cho khoản lỗ lớn trước đây. Các nhà đầu tư nhóm này có quan điểm, nếu chỉ nằm im chờ thời thì không biết năm nào, tháng nào mới có thể “về bờ”. Bởi lẽ, khi danh mục thua lỗ đến mấy chục phần trăm, để hòa vốn thôi cũng đòi hỏi thị trường bật tăng gấp mấy lần đà rơi trước đó.

Quan điểm và động thái trên không chỉ diễn ra trong khối nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư cá nhân, mà cả khối ngoại, vốn được biết đến nhiều hơn với trường phái đầu tư dài hạn. Thời gian gần đây, thị trường liên tục chứng kiến các đợt “hút” - “xả” trong thời gian ngắn của khối ngoại. Việc đảo danh mục diễn ra thường xuyên hơn, khối ngoại dường như đang dần quen tay với việc “lướt sóng”.

Nói về việc “chuyển tông” của nhiều nhà đầu tư, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, nửa cuối năm 2023 vẫn sẽ là câu chuyện tái cấu trúc danh mục, tái đầu tư. Trong đó, nhiều nhà đầu tư sẽ đi theo hướng lựa chọn kỹ lưỡng một vài cổ phiếu và nắm giữ đến Tết 2024. Ngoài ra, họ cũng lựa chọn 5 - 10 mã cổ phiếu riêng lẻ có cơ hội tăng giá trong ngắn hạn nhờ có câu chuyện riêng.

Theo ông Khánh, tỷ trọng danh mục mà nhà đầu tư có thể tham khảo là 50% cổ phiếu có triển vọng trung hạn, 10 - 20% cổ phiếu nắm giữ dài hạn, phần còn lại dùng để tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn trên thị trường.

“Thị trường chung không quan trọng bằng nhóm ngành, mà cổ phiếu riêng lẻ quan trọng hơn nhóm ngành. Đây là điều các nhà đầu tư cần quan sát, có thể nhiều thương vụ M&A lớn đang chuẩn bị diễn ra khiến giá cổ phiếu còn biến động mạnh trong năm 2023”, ông Khánh nói.

Lưu ý khi lướt sóng

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, có những nhà đầu tư đánh giá giá trị của doanh nghiệp một cách hời hợt qua lời người khác, hoặc đơn thuần đầu tư theo tâm lý ăn may, mà không tìm hiểu kỹ các yếu tố cơ bản cũng như kỹ thuật. Hiện tượng này dẫn đến sự sai lệch về giá trị thực tế của doanh nghiệp, có thể gây nên những tổn thất đáng tiếc cho nhà đầu tư.

Ông Khoa cho rằng, việc lựa chọn chiến lược đầu tư trong năm 2023 là tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng người. Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, đầu tư theo phong cách lướt sóng trong bối cảnh hiện nay sẽ chịu nhiều rủi ro từ sự rung lắc của thị trường. Việc lựa chọn cổ phiếu kỹ càng, giảm kỳ vọng lợi nhuận và quay vòng cổ phiếu nhanh hơn là giải pháp phù hợp.

Đối với nhà đầu tư dài hạn, có thể nhắm đến cổ phiếu có mức giá chiết khấu hấp dẫn. Cụ thể, mua trong những nhịp điều chỉnh thì cơ hội có lãi trong dài hạn sẽ cao. Điều quan trọng nhất là lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.

“Không phải cổ phiếu nào có giá rẻ cũng mua, mà nhà đầu tư cần chọn lọc rất kỹ. Bối cảnh khó khăn cũng là cơ hội để nhà đầu tư sàng lọc, lựa chọn được cổ phiếu của những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, qua đó có cơ hội bật tăng mạnh mẽ khi khó khăn qua đi”, ông Khoa nói.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, giai đoạn hiện tại đang ủng hộ cho việc lướt sóng theo diễn biến thị trường, nhưng nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn dựa trên phân tích yếu tố thị trường chung và nội tại doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động ổn định, hầu như không có nhiều rủi ro về kinh doanh, pháp lý.

Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam khuyến nghị, khi đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú ý đến các vấn đề như mức độ dành thời gian cho việc tìm hiểu thị trường, cổ phiếu. Nếu chỉ là tay ngang, tranh thủ thời gian để đầu tư thì hiệu quả thường không cao và ảnh hưởng đến công việc chính. Đặc biệt, nhà đầu tư phải nắm bắt được diễn biến dòng tiền và tâm lý đầu tư trên thị trường.

Đồng thời, xác định rõ mục tiêu đầu tư, nếu là xây dựng tài sản bền vững thì không nên đầu cơ ngắn hạn, còn đơn thuần là kiếm thêm lợi nhuận thì có thể tham gia. Ngoài ra, nhà đầu tư cần biết về các chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường, từ đó nhận ra ngành hưởng lợi sớm hay hưởng lợi muộn, ngành nào gặp khó khăn để có giải pháp đầu tư phù hợp. Việc tham khảo các chu kỳ trước là một kinh nghiệm tốt để “đọc vị” thị trường.

Thành Nguyễn / Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-nha-dau-tu-thich-luot-song-post327301.html