Khi người lớn đọc sách

Báo chí đã nói nhiều về tầm quan trọng của việc đọc sách với trẻ nhỏ, nhưng chuyện người lớn đọc sách thì rất ít khi thấy đề cập. Phải chăng người lớn không cần đọc sách nhiều như khi còn là trẻ con nữa? Câu trả lời hẳn nhiên sẽ ngược lại.

"Nhà văn người Đức Hermann Hesse từng nói: 'Không cuốn sách nào trên thế giới có thể đem tới cho bạn vận may, nhưng chúng có thể âm thầm khiến bạn trở thành chính mình. Đây là một chia sẻ rất sâu sắc. Với tôi, sách giúp cho mình thấu hiểu mình là ai rất cụ thể, rõ ràng. Tôi nghĩ việc học là việc của cả đời. Đọc sách là một trong những cách để học” - ông Võ Ca Dao, Giám đốc Công ty Dịch thuật D-institute, Phó Tổng Giám đốc OBC (One Business Connection) Việt Nam chia sẻ.

Giảng viên Nguyễn Chí Ngàn chia sẻ tại workshop Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Giảng viên Nguyễn Chí Ngàn chia sẻ tại workshop Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Hãy bắt đầu từ bây giờ

Khác với trẻ em, người lớn thường rất bận, bận đi làm, bận việc nhà, bận lo toan cuộc sống… Nhiều người thì cảm thấy chưa tĩnh tại để có thể đọc sách. Vậy làm sao để mỗi người có thể tạo cho mình thói quen đọc sách, nên bắt đầu từ đâu, chọn sách gì để đọc và bố trí thời gian để đọc như thế nào là những câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi bắt đầu tìm đến với sách.

“Chúng ta thử suy nghĩ xem: Mong muốn của mình là gì, ví dụ là giúp con có thói quen đọc sách thì hãy làm gương đọc sách, hãy đọc những cuốn sách làm sao giúp con đọc sách. Chúng ta có thể tìm đọc tóm tắt của những cuốn sách đó, đơn giản chỉ bằng một câu lệnh, chat GPT hay Gemini (một chatbot trí tuệ nhân tạo được phát hành bởi Google)… có thể giúp chúng ta làm điều đó trong vòng một nốt nhạc. Hãy thử hình dung mong muốn sắp tới của mình là gì, mục tiêu mình sẽ đạt được là gì, và từ đó hình dung xem những cuốn sách nào sẽ giúp mình đạt được điều đó. Khi bạn chưa có nhu cầu đọc sách như một sự giải trí, hãy suy nghĩ về việc thử đọc sách để phục vụ một mục tiêu nào đó trong cuộc sống”, ông Ca Dao gợi ý.

Trong một workshop Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức, diễn giả Minh Bon, Giám đốc Hệ thống giáo dục Sao Mai, Huấn luyện viên của Quỹ giáo viên hạnh phúc, gợi ý về cách để bắt đầu đến với sách khá đơn giản. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự quyết tâm và kiên trì, đó là bạn hãy đặt ra mục tiêu sáng đọc 10 trang sách, tối 10 trang thì 1 tháng, 1 năm bạn sẽ đọc được cả ngàn trang sách. Đơn giản hơn thì đầu tiên bạn hãy chỉ bắt đầu thực hiện mục tiêu đọc 1 trang/ngày trong tháng đầu tiên, tháng thứ hai tăng lên 2 trang/ngày. Cứ đều đặn như vậy, bạn sẽ dần tạo cho mình thói quen đọc sách và yêu thích đọc sách.

Theo giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế - để xây dựng thói quen đọc sách cần 3 yếu tố: thời gian, không gian đọc sách và thể loại sách. Thời gian đọc sách tốt nhất là vào sáng sớm và trước khi đi ngủ; không gian đọc sách phải thoải mái, thơm tho, vui vẻ; và thể loại sách đọc phải lựa chọn sao cho phù hợp với độ tuổi và sở thích của người đọc.

“Trong thời đại số, không có nhiều thời gian để đọc sách thì nghe đọc truyện trên podcast cũng là một cách. Tuy nhiên, nếu đọc sách trực tiếp thì kiến thức mới vào đầu được và sẽ có sự tưởng tượng phong phú, sinh động hơn rất nhiều so với nghe”, giảng viên Nguyễn Chí Ngàn chia sẻ.

Một kinh nghiệm hay để người lớn có thể làm bạn thường xuyên với sách là: “Luôn mang sách theo bên mình để bất cứ lúc nào bạn cũng có thể đọc sách. Tiếp đó, bạn hãy chia sẻ những điều tâm đắc từ cuốn sách với mọi người trên mạng xã hội. Vào mỗi tối, bạn hãy đọc những cuốn sách nhẹ nhàng thay vì lướt điện thoại. Sách sẽ làm cho giấc ngủ của bạn sâu hơn, đó là điều đã được khoa học chứng minh và cá nhân tôi thấy điều đó đúng với mình”, ông Ca Dao nói.

Sách “tưới” tâm hồn chúng ta mỗi ngày

Có một câu nói đại ý là, bạn chính là những gì bạn ăn, những gì bạn đọc, những người bạn chơi cùng. Những cuốn sách sẽ góp phần hình thành nên con người bạn và sách sẽ “tưới” tâm hồn, trí tuệ của chúng ta mỗi ngày, để tâm hồn ta ngày càng phong phú, tươi đẹp hơn.

Nhớ lại một cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn đối với mình, ông Ca Dao cho biết: “Nhờ một cuốn sách mang tên Tạo lập mô hình kinh doanh cá nhân (Business Model You), tôi nhận ra mình là ai, sứ mệnh của mình là gì trong cuộc đời này. Nói rộng ra về sách, sách giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn bản thân mình, giúp tôi khơi nguồn tri thức cho mình. Chắc chắn, tôi như ngày hôm nay, có sự góp phần rất lớn từ việc đọc sách”.

“Không cần khi nào cũng phải rút ra bài học gì đó từ cuốn sách mình đọc mà sách là để nuôi dưỡng tâm hồn. Chỉ cần bạn đọc một cuốn sách và thấy có mình trong đó, thấy tâm hồn mình được nuôi dưỡng, trở nên đẹp hơn mỗi ngày, đó là giá trị to lớn mà sách mang lại cho chúng ta”, Ngọc Ánh, sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hào hứng.

“Tôi từng đọc một cuốn sách mà nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy bừng sáng và nhìn ra con đường đi phía trước phù hợp với cuộc đời mình. Bạn hãy đọc nhiều lần một cuốn sách hay, chiêm nghiệm nó và sẽ ngộ ra được nhiều điều. Nếu quyết tâm đọc sách, bạn sẽ thấy sách có giá trị thế nào đối với cuộc sống của chúng ta” - diễn giả Minh Bon chia sẻ.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/khi-nguoi-lon-doc-sach-150960.html