Khi nào cần cho trẻ đi khám tai mũi họng?

Thời tiết giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm tai, viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng và hội chứng ngưng thở ở trẻ. Tuy nhiên, việc cha mẹ không theo dõi kỹ các diễn biến của bệnh, tự ý điều trị tại nhà sẽ khiến cho trẻ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Nội soi tai mũi họng cho trẻ.

Nội soi tai mũi họng cho trẻ.

Thời tiết miền bắc những ngày gần đây mưa nắng thất thường. Đây là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở trẻ em tăng cao.

Tại Đa khoa quốc tế Việt Nga, số trẻ đến khám tai mũi họng gần đây có xu hướng tăng lên. Ngoài yếu tố thời tiết, trong sinh hoạt, nhiều thói quen khiến trẻ dễ mắc bệnh về tai mũi họng như trẻ nằm điều hòa nhiều hoặc quá lạnh, để điều hòa, quạt phả thẳng vào người…

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Thanh Bình, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Đa khoa Quốc tế Việt Nga cho hay, đôi khi, cha mẹ chỉ nghĩ con bị cảm mạo thông thường nên bỏ qua những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt nặng lên hoặc có đau nhức ở vùng tai, nghẹt mũi nhiều thì mới cho con đi khám. Lúc đó, bệnh đã chuyển từ cảm mạo thông thường sang biến chứng.

Theo bác sĩ Bình, các bệnh hô hấp trẻ dễ mắc khi giao mùa như viêm họng, viêm tai, viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng và hội chứng ngưng thở ở trẻ. Để phát hiện và điều trị những căn bệnh này, trẻ phải được thăm khám và nội soi tai mũi họng.

Tuy nhiên, khi trẻ nội soi tai mũi họng, thường chống đối, quấy khóc vì sợ hãi. Trong khi đó, các bệnh về hô hấp, bệnh do virus dễ tái phát. Do đó, các cha mẹ thường có lo ngại việc nội soi tai mũi họng sẽ làm tổn thương các vùng nội soi của trẻ. Sự lo ngại này dẫn đến việc cha mẹ chậm trễ đưa con đi khám bệnh, khiến bệnh của trẻ trở nặng khi có biến chứng.

Nội soi tai mũi họng là phương pháp y tế hiện đại giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong tai, mũi và họng của trẻ bằng ống soi nhỏ có gắn camera. Nhờ vậy, các bệnh lý tai mũi họng được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Để giải quyết lo lắng này, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ tới khám tại các cơ sở có máy nội soi ống mềm để trẻ hợp tác hơn trong quá trình khám bệnh. Nội soi bằng máy nội soi tai mũi họng ống mềm có khả năng kiểm tra và phát hiện những tổn thương dù là nhỏ nhất, sâu nhất, khó quan sát bằng mắt thường mà không gây cảm giác đau đớn, khó chịu cho bé.

Các dấu hiệu cần nội soi cho trẻ bao gồm: Hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện sốt, đau rát họng, ho khan, đau tai, ù tai, khó nghe. Ngoài ra, trẻ thay đổi giọng nói như giọng ồm hoặc giọng khàn cũng là một dấu hiệu quan trọng không nên bỏ qua.

Bác sĩ Bình cũng khuyến cáo việc phòng ngừa các bệnh nói chung, bệnh về tai mũi họng, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa và dịch bệnh diễn biến phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Cha mẹ lưu ý vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, đối với vùng mũi họng có thể vệ sinh cho bé bằng nước muối sinh lý mỗi ngày; vệ sinh tai cho bé bằng tăm bông mềm, không ngoáy sâu vào trong tai; tắm rửa cho bé thường xuyên, giữ ấm cơ thể cho bé, đặc biệt là vùng cổ và ngực.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khi-nao-can-cho-tre-di-kham-tai-mui-hong-post812071.html