Khi khoa học kỹ thuật làm 'bệ phóng' cho sản phẩm nông nghiệp

Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết; củng cố, kiện toàn các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao.

Nâng tầm giá trị nông sản từ khoa học kỹ thuật

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp tổ chức hơn 400 buổi tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, KHKT công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến cho hơn 41 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân.

Cùng với đó, vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP; thực hiện hàng nghìn sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X

Để hội viên nông dân có đầu ra cho sản phẩm, Hội đã hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, như phối hợp truyền thông về các mô hình phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn; mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng phóng sự về vai trò của người nông dân trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham gia nhiều gian hàng tại hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện, tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP do Hội Nông dân Thành phố tổ chức. Phối hợp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho nông dân với 33 lớp dạy nghề về chăn nuôi, thú y, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn, chế biến thực phẩm, nghề may cho 934 lượt hội viên nông dân, 100% người có việc làm. Thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề đã giúp nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần phát triển và mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.

Khoa học kỹ thuật được nông dân ứng dụng tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng

Tại huyện Quốc Oai, hàng năm, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật và Phòng Kinh tế huyện triển khai hội nghị tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng vụ xuân, vụ mùa, rau màu; chuyển giao KHKT, nâng cao trình độ sản xuất cho cán bộ, hội viên nông dân trong toàn huyện;

Phối hợp với Phòng Kinh tế khảo sát, lắp đặt 967 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý hơn 11 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật/năm. Tổ chức tập huấn IPM cho hội viên nông dân thực hiện 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn cho người nông dân và sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn được triển khai hiệu quả như: Chăn nuôi thịt lợn sinh học tại xã Cấn Hữu, mô hình chăn nuôi gà thả vườn quy mô hợp tác xã (HTX) nhóm hộ theo hướng sinh học xã Đông Yên; mô hình ứng dụng VietGap trong sản xuất Nhãn chín muộn Đại Thành, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn, chè Long Phú...

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai cho hay: “Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương mỗi xã một sản phẩm, Hội Nông dân đã phối hợp phòng Kinh tế hướng dẫn hội viên lập hồ sơ, xét công nhận được 33 sản phẩm OCOP. Triển khai tổ chức giới thiệu và quảng bá sản phẩm gắn với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển đời sống kinh tế. Điển hình như mô hình trồng nho tại xã Cộng Hòa; mô hình du lịch trải nghiệm tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Sài Sơn... thời gian gần đây đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến với địa phương”.

Hiệu quả của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh ngày càng thu hẹp, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong rất nhiều giải pháp, phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa như: nâng cao hiệu quả sản xuất; giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập người lao động; gắn phát triển nông nghiệp với các loại hình dịch vụ khác; hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 30 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ KHKT vào sản xuất rau an toàn, cây ăn quả và hoa lan; có 90 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim cút có ứng dụng công nghệ cao; 20 mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Từ các mô hình đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn hội viên với thu nhập cao gấp 4-5 lần so với khi sản xuất thông thường (bình quân thu nhập người lao động 10-15 triệu đồng/người/tháng)

Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp

Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại trang trại gần 2 ha của gia đình hội viên nông dân Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà; mô hình trồng hoa sen, hoa súng kết hợp với du lịch sinh thái của hộ gia đình hội viên Hoàng Đình Hồng ở thôn Dõng, xã Cổ Loa với diện tích 6,5 ha với hơn 80 giống hoa súng, hơn 40 giống sen các loại; mô hình hoa cây cảnh nghệ thuật của Hợp tác xã (HTX) hoa cây cảnh nghệ thuật Thăng Long ở xã Hải Bối; mô hình trồng nho, dâu tây hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở xã Vĩnh Ngọc của HTX Nho và Dâu tây … với diện tích 5 ha.

Tăng cường phối hợp trong ứng dụng khoa học kỹ thuật

Có thể nói, bằng công tác phối hợp, hội nông dân các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hàng nghìn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình số 02 của Thành ủy khóa XVI và Chương trình số 04 của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, những năm qua, Sở NN&PTNT và Hội Nông dân Thành phố đã xây dựng Chương trình phối hợp công tác hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống trồng rau thủy canh tiến bộ khoa học kỹ thuật

Cụ thể như Chương trình phối hợp số 03/CTrHND-SNN về phối hợp thực hiện chương trình hoạt động nông nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình phối hợp số 32-CTr/HND-SNN&PTNT giữa Hội Nông dân Thành phố và Sở NN&PTNT về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở các Chương trình phối hợp, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội đã giao một số đơn vị trực thuộc như: Chi cục phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố, Trung tâm Khuyến Nông, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản,... phối hợp thực hiện các nội dung liên quan. Trong đó có nội dung “Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; phối hợp xây dựng các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế; các chi, tổ Hội nghề nghiệp” đã đạt được hiệu quả cao.

Từ năm 2018 đến nay, Sở NN&PTNT và Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về phương pháp vận động nông dân tham gia phát triển mô hinh kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX; xây dựng mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; xây dựng các sản phẩm OCOP bằng hình thức tổ chức các cuộc hội thảo về “Phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn”.

Người nông dân đã tạo ra đu đủ trái mùa mang lại thu nhập cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh

Cùng với đó là phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, duy trì và phát triển các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường; hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp.

Toàn thành phố Hà Nội đã có 166 HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ và tiêu chuẩn tương đương; 134 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; 80 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; 68 HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (55 HTX Trồng trọt; 9 HTX chăn nuôi; 4 HTX nuôi trồng thủy sản); 6 HTX phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; 4 HTX phát du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Tường, bên cạnh kết quả đạt được; việc chuyển giao tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ củng cố, kiện toàn các HTX nông nghiệp cũng gặp các hạn chế, khó khăn như: Việc hỗ trợ xây dựng liên kết mới chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, mô hình và chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, chưa có sự hỗ trợ bài bản của quản lý nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư kinh phí cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi nên tính bền vững chưa cao, dễ bị đổ gãy.

Một số địa phương còn chưa tập trung, quan tâm đến nhu cầu của người dân trong việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, việc tham gia các chương trình chuyển giao tiến bộ KHKT và các mô hình HTX nông nghiệp còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ củng cố, kiện toàn các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục công tác phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ địa phương, nông dân hiểu đúng và đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KHKT; chuyển giao tiến bộ KHKT. Vận động nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa. Đẩy mạnh thông tin về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, chuyển đổi số, công nghệ cao, liên kết chuỗi và kinh tế tuần hoàn để người dân tham quan, học tập và tham gia phát triển, nhân rộng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-khoa-hoc-ky-thuat-lam-be-phong-cho-san-pham-nong-nghiep-160696.html