Khi Huế không được gọi tên

HNN - Tổng cục Du lịch vừa công bố thống kê 10 tỉnh, thành có doanh thu cao nhất dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, theo thứ tự gồm: TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Bình, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Mô hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành... là những hướng đi cần được nghiên cứu nghiêm túc. Ảnh: Ngọc Hòa

Mô hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành... là những hướng đi cần được nghiên cứu nghiêm túc. Ảnh: Ngọc Hòa

Bất ngờ nhất trong bản danh sách này là Thanh Hóa - địa phương vốn ít nổi bật trên bản đồ du lịch quốc gia - đã vươn lên vị trí thứ 2, vượt mặt cả Hà Nội và chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Trong khi 2 cái tên quen thuộc của miền Trung là Đà Nẵng chỉ xếp thứ 5 và Khánh Hòa xếp thứ 7.

Bất ngờ hơn nữa là lần này Huế lại không có tên trong top 10 về doanh thu.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Huế, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ (30/4 - 4/5), địa phương đã đón khoảng 351.000 lượt khách, trong đó có hơn 71.000 lượt khách quốc tế.

Doanh thu du lịch ước đạt 730 tỷ đồng - con số không hề nhỏ nếu đặt trong tương quan các năm trước, thậm chí là một cột mốc tích cực kể từ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi so sánh với những địa phương có mặt trong top 10 như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa hay Nghệ An, có thể thấy Huế vẫn còn một khoảng cách khá rõ ràng. Và khoảng cách này đang đặt ra một câu hỏi lớn: Phải chăng Huế đang có vấn đề với “năng suất du lịch”?

Không thể phủ nhận, nhiều năm trở lại đây, du lịch Huế đã có những bước chuyển biến ngoạn mục ở tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, xét một cách công tâm, du lịch Huế vẫn chưa thoát khỏi các điểm yếu cố hữu khi thiếu vắng các sản phẩm du lịch có giá trị cao, thiếu dịch vụ giải trí về đêm, thiếu hệ thống bán hàng lưu niệm bài bản, thiếu tour liên kết chuyên nghiệp... khiến du khách đến rồi đi, ít lưu trú dài ngày và chi tiêu hạn chế. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều người vẫn yêu Huế, vẫn tìm về Huế, nhưng lại không tiêu xài ở Huế.

Xu hướng du lịch nhiều năm trở lại đây đã thay đổi rõ nét: Du khách không chỉ tìm kiếm điểm đến đẹp, mà còn cần điểm đến hấp dẫn về trải nghiệm, tiện lợi về dịch vụ, và đáng tiền khi chi tiêu. Điều này đòi hỏi Huế cần phải thay đổi tư duy phát triển du lịch, từ hướng “bảo tồn tĩnh tại” sang “bảo tồn năng động”, lấy trải nghiệm du khách làm trung tâm, và coi chi tiêu của khách là chỉ số phát triển quan trọng.

Việc tổ chức mở cửa Đại Nội về đêm dịp lễ vừa qua là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu không gắn kết với các dịch vụ phụ trợ (ẩm thực đêm, chiếu sáng cảnh quan, dịch vụ vận chuyển, mua sắm lưu niệm, biểu diễn đường phố...) thì khó có thể tạo nên chuỗi trải nghiệm khép kín, đủ sức giữ chân du khách.

Một yếu tố khác khiến sức bật du lịch Huế chưa tương xứng với tiềm năng là sự thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược. Ngoại trừ một vài tên tuổi lớn như Vinpearl, Silk Path hay Laguna, phần lớn cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tại Huế vẫn là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý và truyền thông. Điều này khiến khả năng tạo đột phá bị bó hẹp trong các mô hình nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh ở tầm quốc gia.

Nếu không có đột phá trong chính sách, mô hình phát triển để nâng số ngày lưu trú, mức chi tiêu bình quân trên đầu khách, và quan trọng nhất là tỷ lệ khách quay lại…, du lịch Huế sẽ tiếp tục rơi vào vòng lặp: được khen về tiềm năng nhưng lại đứng ngoài top dẫn đầu.

Để làm được điều này, Huế cần sớm có chiến lược “chuyển trạng thái” cho du lịch, lấy phát triển kinh tế đêm làm đột phá, lấy chuyển đổi số làm công cụ quản lý, và lấy trải nghiệm du khách làm mục tiêu cốt lõi.

Đặc biệt, phát triển các khu phố đêm, hình thành các tuyến du lịch di sản - ẩm thực - mua sắm, đầu tư vào không gian văn hóa mở (open museum), khai thác hệ sinh thái di sản theo mô hình du lịch học thuật, nghỉ dưỡng, chữa lành... là những hướng đi cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Huế là một trong số ít những địa phương sở hữu di sản “5 trong 1”: có di sản vật thể, phi vật thể, thiên nhiên, ký ức lịch sử và cả thương hiệu vùng. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc “làm du lịch” bằng di sản mà không “sản xuất” ra giá trị mới từ di sản thì sẽ rất khó bứt phá.

Sự vắng mặt của Huế trong top 10 doanh thu du lịch cao nhất dịp lễ là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng: Tiềm năng chưa chắc là lợi thế, nếu không có tư duy quản trị và hành động tương xứng.

Từ Ân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/khi-hue-khong-duoc-goi-ten-153365.html