Khi cha mẹ cùng con trẻ hành thiền

Làm thế nào để con trẻ có thể tham gia hành thiền cùng cha mẹ? Thật không dễ dàng, nhưng đây lại là điều tốt đẹp nhất cha mẹ nên làm, như hành trang cho sự phát triển tinh thần, tâm linh tốt đẹp của con em mình ngay trong hiện tại và mai sau.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một buổi hướng dẫn chánh niệm cho trẻ em tại Làng Mai - Ảnh: plumvillage.org

Đối với hầu hết chúng ta, ý tưởng dạy con trẻ hành thiền thoáng nghe qua có vẻ buồn cười và không khả quan, bởi trẻ nhỏ thậm chí còn không thể tự thân cởi chiếc áo khoác đang mặc hay xả nước bồn cầu sau khi vệ sinh xong. Thực ra, mọi thành viên trong gia đình có thể bình yên ngồi cùng nhau trong buổi chiều vừa tắt nắng, hít vào và thở ra cùng nhau…

Theo chuyên gia Gail Silver (Hoa Kỳ), người sáng lập Công ty Yoga Child và Chương trình Chánh niệm học đường, tác giả nhiều sách về chánh niệm cho thiếu nhi trên tờ Lion’s Roar qua bài viết “Khi gia đình cùng nhau thực hành thiền” (tạm dịch từ “The Family That Meditates Together”), thiền tập trong môi trường gia đình với sự tham gia của các thành viên nhỏ tuổi hoàn toàn có thể được xây dựng và phát triển từ 3 nền tảng quan trọng. Đó là đánh thức sự tò mò về thiền tập ở trẻ, biến sự hiếu kỳ ấy trở thành sự thực hành ổn định và cùng tích hợp thiền tập vào sinh hoạt đời sống gia đình.

Đánh thức sự hiếu kỳ về thiền tập ở trẻ

Trẻ nhỏ sẽ đến với thiền một cách tự nhiên nhất nếu thường xuyên trông thấy cha mẹ thực hành thiền. Vì vậy, bạn hãy chọn ghế sofa trong phòng khách gia đình làm nơi tọa thiền thay vì đóng kín cửa và thiền tập ở một góc nào đó trong nhà. Để thu hút sự chú ý của trẻ, bạn có thể chọn chỗ ngồi đối mặt với cửa sổ, ngồi tĩnh tại và hít thở đều đặn.

Việc hành thiền sẽ phức tạp hơn đối với các trẻ lớn hơn một chút - khi trẻ không muốn mô phỏng theo những gì cha mẹ thực hiện. Tuy vậy, hãy để cho trẻ trải nghiệm những tác động tốt đẹp của thiền tập nơi bạn; đặc biệt là những khía cạnh liên quan đến cuộc sống của trẻ để khơi gợi sự yêu thích và tạo động lực khám phá sự thực hành tinh thần này ở trẻ.

Một khi trẻ cảm nhận tác dụng chuyển hóa của thiền diễn ra nơi bạn cũng như trải nghiệm được rằng, thiền tập khiến bạn tương tác một cách yêu thương với trẻ, bạn có thể dẫn dắt con mình vào những cuộc đối thoại, chia sẻ về cách thiền làm thay đổi cách nhìn của bạn về bất ổn nào đó trong cuộc sống, giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp với một đồng nghiệp khó tính hay thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Ngoài sự dễ hiểu và dễ làm trong hướng dẫn, bạn cần mang đến niềm vui và sự thú vị khi giới thiệu thiền và chánh niệm đến trẻ. Nếu bạn muốn trẻ chú tâm vào hơi thở, đừng yêu cầu trẻ tập trung vào hơi thở, bởi điều này tương tự như khuyên một thai phụ đang chuyển dạ hãy thư giãn. Thay vào đó, bạn nên gợi ý cách thức để trẻ hiểu và tiến hành. Chẳng hạn, bạn thảo luận với trẻ về một số đặc tính của hơi thở khi đi vào mũi: “Con có cảm thấy hơi thở mát mẻ khi đi vào mũi không; hơi thở có ấm nóng hơn khi đi ra ngoài?”. Hoặc trẻ sẽ muốn khám phá xem hơi thở yên tĩnh hay có tạo ra âm thanh gì không. Bằng sự quan sát và dõi theo hơi thở đi vào phổi, “Con có biết rằng cơ hoành làm dịch chuyển phần bụng, phập phồng lên xuống như sóng biển?”,… Ngoài ra, bạn có thể hướng dẫn trẻ thực hành sự chú tâm bằng cách đếm hơi thở. Thiền hành cũng là phương pháp thực tập thú vị đối với trẻ. Bạn có thể cùng trẻ đi bộ thật chậm, kết hợp quan sát hơi thở và bước chân, đếm số bước chân hay nhẩm đọc một nội dung tốt đẹp nào đó.

Trẻ em "hành thiền" - Ảnh: Lion's Roar

Đặc biệt, bạn có thể làm cho thiền tập trở nên dễ tiếp cận, thâm nhập hơn đối với trẻ qua việc quán tưởng và sử dụng các giác quan trong thiền thực (thực hành chánh niệm trong ăn uống). Khi cùng trẻ ăn món gì đó, hãy nhai chậm rãi, tập trung vào mùi vị, cấu trúc hoặc đếm số lượng miếng cắn đối với một món ăn cụ thể. Đồng thời, cùng trẻ “nhìn sâu” vào thực phẩm đang ăn để hiểu biết tường tận về sự hiện hữu của thực phẩm đó trước mặt trẻ. Cụ thể, bạn có thể khích lệ trẻ tư duy về những bàn tay đã hợp lực đưa quả chuối trên cây từ một nơi xa xôi (có thể ở tận nước ngoài) đến trước mặt trẻ. Hiểu rõ nguồn gốc của thức ăn giúp trẻ biết trân trọng và tiêu thụ một cách tiết kiệm, hợp lý và lành mạnh hơn.
Thêm nữa, khi hướng dẫn và cùng thực hành, cần thiết cho trẻ cảm nhận rằng bạn quan tâm đến trải nghiệm của trẻ, giúp trẻ nắm bắt và trân trọng những thay đổi có được từ sự thực hành này đối với chính bản thân trẻ và các thành viên trong gia đình.

Từ hiếu kỳ trở thành sự thực hành ổn định

Trẻ con có xu hướng thích “đảm đương, gánh vác trách nhiệm”; do vậy bạn hãy giúp trẻ trải nghiệm “cảm giác thành tựu”.

Khi lên kế hoạch thực hành cho gia đình, bạn có thể phân công nhiệm vụ cho các thành viên; theo đó, trẻ sẽ mong muốn tham gia vì sự quan tâm và tín nhiệm được cha mẹ trao cho, trong sự thực hành này. Tiếp đến, hãy cho trẻ thấy rằng bạn trân trọng những đóng góp quan trọng của trẻ, đưa trẻ vào quá trình ra quyết định của gia đình như cả nhà sẽ cùng hành thiền ở địa điểm nào, vào thời gian nào và bằng phương thức nào,… Với các trẻ còn khá nhỏ, phụ huynh có thể đưa ra gợi ý để trẻ tự lựa chọn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên rằng, mỗi gia đình nên thiết kế một không gian chung cho các thành viên thực hành quan sát hơi thở, quán tưởng trong im lặng. Nơi này cần được bố trí gọn gàng, thoáng đãng có tọa cụ, chuông. Và trẻ có thể tham gia sắp xếp không gian, chuẩn bị tọa cụ ngồi và thu dọn sau khi thực hành xong. Bạn có thể phân công trẻ đảm trách việc tưới nước cho một chậu cây cảnh trong phòng này.

Phụ huynh có thể chuẩn bị một quyển sổ (hoặc do trẻ tự chọn), khuyến khích trẻ ghi chép lại những trải nghiệm, cảm xúc của mình sau khi thực hành. Với sự thực hành chú tâm thông qua đếm bước chân, hơi thở hay ngồi trong im lặng, bạn có thể quan sát thấy sự tiến triển của các thành viên, qua những ghi chép này. Nếu cùng chia sẻ một quyển nhật ký, bạn có thể phân công một thành viên nhí làm “thư ký”, ghi chép lại sự tiến bộ của cả gia đình và đừng quên ghi lại hình ảnh thực tập chung của cả gia đình.

Thông thường, sau vài tháng thực hành, bạn sẽ quan sát thấy những thay đổi tích cực trong hành vi của mỗi thành viên. Bạn có thể thiết kế phần thưởng cho thành viên có sự thực hành chăm chỉ; tuy nhiên giá trị phần thưởng phải nhỏ hơn so với giá trị và lợi ích của sự thực hành. Hãy tận dụng cơ hội chia sẻ, thảo luận lợi ích của thiền tập trong sự kết nối các thành viên gia đình hoặc góc độ cá nhân khi phù hợp, trong sự thoải mái của các thành viên.

Khi bắt đầu nhận thấy lợi ích cụ thể của thiền và chánh niệm, trẻ sẽ có động lực tự thân để tiếp tục thực hành. Điều này giữ vai trò quan trọng vì không thành viên nào trong gia đình có thể làm gia giảm nhu cầu thiền tập và chánh niệm của người khác, ngoài sự sẵn sàng xuất phát từ mỗi thành viên.

Cùng tích hợp thiền tập vào cuộc sống thường nhật

Trong nhà, bạn nên trang bị một tấm bảng nhỏ - nơi các thành viên có thể viết lên đó thời gian thực hành thiền mong muốn trong tuần. Bên dưới chỗ ghi tên, dành thêm khoảng trống để các thành viên khác “tự ghi danh” cùng thực hành. Người đầu tiên ghi tên trên bảng sẽ là người hỗ trợ buổi thực hành. Phương cách này giúp tạo cảm hứng thực hành cho các thành viên còn lại trong gia đình.

Phụ huynh nên khuyến khích trẻ ghi chép lại những trải nghiệm, cảm xúc của mình sau khi thực hành - Ảnh: Lion's Roar

Hàng ngày, các cuộc đối thoại cũng là cơ hội để thực hành thiền và chánh niệm. Lắng nghe trong sự chánh niệm, chúng ta nghe bằng tất cả các giác quan của mình: mắt hướng về người nói, tai lắng nghe, miệng giữ im lặng, tâm trí chuyên chú đến lời của người nói, thân và con tim ở trong sự đồng cảm với người nói. Khi mỗi thành viên cùng thực hành lắng nghe sâu, bạn sẽ không bao giờ muốn nói chuyện với đối tượng không có sự chú tâm hoàn toàn - giúp sự giao tiếp và tương tác xã hội trở nên chánh niệm hơn.

Mỗi người có thể thực tập thiền và chánh niệm khi đi bộ đến trạm xe buýt (thiền hành) hay thậm chí ngay ở cửa hàng bán kem - nơi bạn có thể thưởng thức cây kem trong sự chánh niệm (thiền thực). Bạn cũng có thể thực hành thiền trong thời gian ngồi xe đến nơi làm việc bằng sự chánh niệm trong việc hít thở; trong khi chờ tín hiệu đèn giao thông,…

Điều quan trọng quyết định thành công của sự thiền tập cùng con trẻ chính là cách thức bạn chia sẻ cũng quý giá như nội dung được chia sẻ. Do vậy, bạn hãy tự xem mình là một người tiêu thụ. Nếu ai đó gõ lên vai bạn và nói: “Bạn nên mua sản phẩm này”; có thể bạn sẽ chẳng mua. Tiền là tài sản có giá trị và chúng ta cần lý do chính đáng cho mọi sự chi tiêu. Và với con trẻ, thời gian rảnh là tài sản của trẻ và nếu bạn muốn chúng làm gì đó hay thậm chí yêu cầu chúng làm gì, có thể bạn sẽ gặp phải sự phản kháng của trẻ. Tuy nhiên, bằng sự thiết lập một cách kỹ lưỡng và có chiến lược thông qua các bước trên, ở cương vị là cha mẹ, bạn sẽ có thể giúp đỡ các thành viên gia đình hình thành thói quen thiền tập và chánh niệm một cách bền vững, làm lợi lạc cho tất cả mọi người.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/09/04/1ac2da/