Khi bóng đá kết hợp cùng võ thuật
Theo Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), nguồn gốc 'môn thể thao vua' có xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 2 hoặc 3 TCN, gọi là trò 'Cuju' hay còn được gọi là xúc cúc, tháp cúc, đạp cúc hoặc túc cúc.
Dấu giày trên sân cỏ
Dàn diễn viên trong phim “Đội bóng Thiếu Lâm”.
Cũng tại Trung Quốc, trong lịch sử phát triển khoảng 1.500 năm, Thiếu Lâm tự đã trở thành tổ đình của thiền tông Trung Hoa và cái nôi của võ công thiên hạ - “Quyền thuật công phu tại Thiếu Lâm”.
Thế nhưng nền bóng đá của đất nước tỷ dân này, với đội tuyển quốc gia được thành lập từ năm 1913, chưa từng để lại thành tích ấn tượng nào ở đấu trường châu lục và thế giới, kể cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.
Còn môn võ Thiếu Lâm, dù nổi tiếng và được phổ biến trên toàn thế giới, nhưng luôn được khoác trên mình tấm áo choàng mang sắc màu có phần huyền bí, nguyên tắc.
Giữa bóng đá và môn võ thuật này vốn chẳng có gì liên quan đến nhau ngoại trừ có chung “quê hương”. Song, một cái tên đã kết hợp 2 môn thể thao này với nhau một cách nhuần nhị, duyên dáng, vượt xa mọi trí tưởng tượng song lại trở thành món ăn tinh thần đặc sắc trong gần 2 thập kỷ qua của hàng triệu người. Đó là “Vua hài nhảm” của châu Á Châu Tinh Trì với kiệt tác mà gần như tất cả chúng ta đều đã thưởng thức: “Đội bóng Thiếu Lâm”.
Sau 2 năm từ khi lên ý tưởng đến tổ chức thực hiện, “Đội bóng Thiếu Lâm” do Châu Tinh Trì viết kịch bản, đóng vai chính và đạo diễn đã ra đời vào đúng ngày này cách đây 19 năm (ngày 12-7-2001).
Trong phim, nhân vật Tinh (do Châu Tinh Trì thủ vai) và các sư huynh đệ vốn là những đệ tử Thiếu Lâm, phải đi lưu lạc khắp nơi để kiếm sống. Sau cái chết của sư phụ, Tinh luôn mơ ước phổ cập và ứng dụng môn võ thuật này trong đời sống. Quá trình theo đuổi ước mơ, Tinh gặp Minh Phong (Ngô Mạnh Đạt thủ vai) – vốn là một danh thủ Hồng Kông nhưng sự nghiệp bị hủy hoại sau một vụ bán độ. Tinh quyết định đi tìm và tập hợp lại 5 huynh đệ năm xưa của mình để thành lập “đội bóng Thiếu lâm” với Minh Phong làm huấn luyện viên, nhằm tranh chức vô địch của giải bóng đá Hồng Kông - giải đấu mà “đội Ma Quỷ” đã “thống trị” nhiều năm liên tiếp.
“Đội bóng Thiếu Lâm” sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh đã tiến vào Chung kết gặp “đội Ma Quỷ” do Cường Hùng làm ông bầu. Ông bầu của “đội Ma Quỷ” chơi xấu khi cho tất cả các cầu thủ sử dụng doping tăng lực, khiến các huynh đệ “đội bóng Thiếu Lâm” lần lượt bị chấn thương và khó có thể thi đấu tiếp vì thiếu người. Trong lúc đội bóng lâm nguy, Tinh phải nhờ cậy tới A Mai (Triệu Vi thủ vai), cô gái gầy gò, mỏng manh như chiếc lá vốn sinh nhai bằng nghề bán bánh bao dạo, nhưng có tuyệt kỹ Thái cực quyền và rất yêu quý Tinh, để làm thủ môn...
Trận Chung kết diễn ra với những kịch tính không tưởng, một trận thư hùng với những màn thi thố “kung fu” siêu thực, được cường điệu hóa biến đường đi của trái bóng thành tên lửa, thành cầu lửa, thành dã thú, lốc xoáy;... Từ chỗ bị “đội Ma Quỷ” vùi dập tơi bời, các “cầu thủ” trong “Đội bóng Thiếu Lâm” - hầu hết là những gã “tay ngang”, đã lần lượt phát huy các tuyệt kỹ của mình để chống lại và cuối cùng là chiến thắng đối thủ. Từ “Thiết đầu công” của đại sư huynh, “Toàn phong địa đường thối” của nhị sư huynh, “Thiết bố sam” của Tam sư huynh, “Cầm nã thủ” của Tứ sư huynh, “Khinh công thủy thượng phiêu” của Lục sư huynh... Đặc biệt là màn bắt bóng bằng tuyệt kỹ Thái cực quyền của thủ môn A Mai, biến trái bóng đang lao tới khung thành trong trạng thái của một thiên thạch rực lửa trở về hình dáng ban đầu và ngoan ngoãn xoay tròn trên ngón tay... Qua đó tạo bước ngoặt quyết định trận đấu.
“Đội bóng Thiếu Lâm” cuối cùng giành chức vô địch nhờ tài năng, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết. “Đội Ma Quỷ” thua một cách tất yếu khi những liều doping hết hiệu lực và bị khuất phục bởi tinh thần chiến đấu ngoan cường của đội bóng áo vàng.
Tinh và 5 huynh đệ của anh thỏa nguyện, bởi điều ý nghĩa mà họ đã chiến đấu sống còn để giành được không phải là chức vô địch mà đưa quyền pháp Thiếu Lâm trở về với chân giá trị - giá trị của danh dự và quy tắc ứng xử đã từng bị lãng quên bởi áp lực của cơm áo gạo tiền, từng khiến mọi người lạc lối.
Có lẽ khó có một bộ phim thứ 2 nào kết hợp bóng đá và võ thuật lại đưa khán giả đi từ những giây phút trầm ngâm đến những trận cười thỏa thuê như “Đội bóng Thiếu Lâm”. Đưa môn thể thao vua đầy kịch tính, môn võ thuật đậm chất triết học trở nên gần gũi, tếu táo nhưng thấm đẫm nhân văn đến thế.
Được sản xuất với kinh phí 10 triệu USD, “Đội bóng Thiếu Lâm” đã thành công rực rỡ với doanh thu toàn cầu hơn 60,7 triệu đô-la Hồng Kông. Đây cũng là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hong Kong đến thời điểm đó – trước khi phải nhường lại vị trí số một cho “siêu phẩm hài nhảm” được Châu Tinh Trì ra mắt sau đó: Tuyệt đỉnh Kung fu. Tại lễ trao Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong lần thứ 21, “Đội bóng Thiếu Lâm” đã đoạt 6 giải, trong đó hầu hết giải quan trọng như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Vai nam chính và Vai nam phụ xuất sắc nhất.
Hãy cùng thưởng thức lại những màn kung fu tuyệt đỉnh trong bóng đá vào ngày bộ phim ra đời và cảm nhận những triết lý sống giản dị mà đẹp đẽ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/khi-bong-da-ket-hop-cung-vo-thuat/121456.htm