Khi biến đổi khí hậu 'xâm nhập' báo cáo tài chính
Tích hợp thông tin về biến đổi khí hậu vào báo cáo tài chính là bước chuyển về tư duy trong quản trị rủi ro và chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Triều cường ở Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Anh
Biến đổi khí hậu đang tác động đến nhiều khía cạnh cốt lõi trong hoạt động của các doanh nghiệp, từ mô hình kinh doanh, chiến lược, dòng tiền cho tới khả năng phục hồi trong dài hạn.
Trước nguy cơ Đồng bằng Sông Cửu Long có thể sẽ nằm dưới mực nước vào cuối thế kỷ này nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông, một công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống đóng chai có hoạt động xuất khẩu lớn tại khu vực này đã chủ động tìm cách ứng phó.
Trước thực tế tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, doanh nghiệp này bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào mô hình trồng cây trên vùng đất phèn để vừa thích nghi, vừa bảo toàn vùng nguyên liệu chiến lược.
Trong tầm nhìn phát triển dài hạn, công ty này đã xây dựng chiến lược gắn kết với hộ nông dân địa phương. Họ đào tạo bà con kỹ thuật canh tác, hướng dẫn xen canh hợp lý và đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, qua đó vừa ổn định chuỗi cung ứng nguyên liệu, vừa tạo tác động tích cực cho cộng đồng nông thôn và góp phần hình thành các vùng kinh tế mới. Họ cũng đã thiết lập một hệ thống để đảm bảo khả năng phục hồi chiến lược và kinh doanh trong dài hạn.
Một ví dụ khác đến từ một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Trước yêu cầu chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, công ty này đã xác định phân bón hữu cơ là hướng đi chiến lược.
Họ đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung nghiên cứu hình thái đất, độ màu mỡ và đặc tính thổ nhưỡng ở từng vùng, từ đó phát triển các dòng sản phẩm phân bón phù hợp. Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng mà còn góp phần cải thiện chất lượng đất về lâu dài, nâng cao khả năng chống chịu của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu.
Báo cáo tài chính không chỉ là con số

Chuẩn mực IFRS S1 và S2 thúc đẩy một hệ thống báo tài chính toàn diện hơn
Điều đáng chú ý là trong bối cảnh các rủi ro khí hậu ngày càng rõ nét và lan rộng trong mọi lĩnh vực, từ chuỗi cung ứng đến thị trường tài chính, việc tích hợp thông tin khí hậu vào báo cáo tài chính đã trở thành một yêu cầu tất yếu.
Những yếu tố như tác động của biến đổi khí hậu đến mô hình kinh doanh, chiến lược, dòng tiền cho tới khả năng phục hồi trong dài hạn…đòi hỏi doanh nghiệp phải nhận diện, đo lường và phản ánh trung thực trong báo cáo tài chính mặc dù trước đây báo cáo này thường chỉ phản ánh dữ liệu tài chính thuần túy.
Chia sẻ trong hội thảo chuyên đề: “Quản trị công ty và quản trị biến đổi khí hậu: góc nhìn từ minh bạch và hiệu quả” do VIOD tổ chức, bà Phạm Minh Hương, Giám đốc Dịch vụ phát triển bền vững của Deloitte Việt Nam nhận định, việc tích hợp thông tin khí hậu vào báo cáo tài chính không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là một bước chuyển về tư duy trong quản trị rủi ro và chiến lược phát triển bền vững.
Một động lực lớn đang thúc đẩy doanh nghiệp hành động là sự ra đời của bộ chuẩn mực báo cáo mới từ Hội đồng Chuẩn mực báo cáo bền vững quốc tế (ISSB), cụ thể là IFRS S1 và IFRS S2. Hai chuẩn mực này yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin liên quan đến các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG), trong đó biến đổi khí hậu là chủ đề đầu tiên được nhấn mạnh.
Bộ chuẩn mực nhấn mạnh bốn trụ cột: quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro, số liệu và mục tiêu. Các chuẩn mực này đồng thời yêu cầu thuyết minh cụ thể theo ngành nghề, giúp tăng tính minh bạch và khả năng so sánh giữa các doanh nghiệp.
Với các thông tin liên quan đến phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đảm bảo sự cân đối trong công bố. Không chỉ nêu bật những thành tựu đạt được hay các cơ hội từ chuyển đổi xanh, mà còn phải minh bạch về rủi ro, những việc chưa làm được, cũng như các tác động chưa tích cực tới môi trường và xã hội.
Trong bối cảnh này, kiểm toán viên không chỉ còn là người “soi” con số, mà cần có hiểu biết về các yếu tố phi tài chính, đặc biệt là các rủi ro khí hậu, để đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đúng hiện trạng và triển vọng doanh nghiệp. Kiểm toán viên chính là người chốt chặn, đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy của thông tin mà doanh nghiệp công bố với nhà đầu tư và công chúng.
Bà Hương lưu ý, các rủi ro khí hậu không chỉ là những hiện tượng cực đoan như lốc xoáy hay hạn hán, mà còn bao gồm các rủi ro chuyển đổi như thay đổi chính sách, áp lực thị trường, xu hướng tiêu dùng xanh hay yêu cầu minh bạch từ nhà đầu tư và đối tác toàn cầu.
Các yếu tố như chi phí phát sinh từ quy định tái chế bao bì, rủi ro tài sản do thiên tai khí hậu như lũ lụt, hay việc suy giảm giá trị của những tài sản có mức phát thải cao theo các tiêu chuẩn mới đều là thông tin cần được phản ánh trong báo cáo. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính mà còn liên quan trực tiếp đến chiến lược và định giá doanh nghiệp trong tương lai.
“Báo cáo không chỉ là công cụ công bố thông tin với nhà đầu tư, mà còn giúp doanh nghiệp định hình ngôn ngữ chung, tổng hợp dữ liệu nội bộ, nhận diện các khoảng trống và xây dựng định hướng chiến lược cho những năm tới”, bà Hương nói.
Đây cũng là một bước tiến giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn rủi ro dài hạn mà doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/khi-bien-doi-khi-hau-xam-nhap-bao-cao-tai-chinh-d40329.html