Khen chê về 'Tật xấu người Việt'

Khi đánh giá về nét tính cách không đơn thuần của riêng một cá nhân mà của một đất nước, một dân tộc, rất khó để phân định về hai thái cực rạch ròi tốt - xấu.

Cuốn sách Tật xấu người Việt ra mắt vào cuối năm 2023 đã nhận được những lời khen ngợi khi đưa tiếng nói cảnh tỉnh về nét tính cách chưa tốt của một bộ phận người Việt. Sau hơn một tháng ra mắt, sách đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và có những ý kiến trái chiều.

Tiêu biểu trong số đó, các diễn ra tại tọa đàm "Tật xấu và Tính tốt người Việt" (diễn ra chiều 12/1 tại TP.HCM) đã đưa ra những cảm nhận, quan điểm khác nhau sau khi đọc xong cuốn sách.

Tốt - xấu còn tùy vào cách nhìn nhận

Tham gia chương trình, tác giả Di Li, nhà báo Đỗ Hương, nhà văn Nguyễn Một và đạo diễn Aaron Toronto trò chuyện, đàm luận về những thói quen, những lối hành xử cách thường được gọi chung thành tính cách của người Việt.

Các diễn giả đã bày tỏ cảm nhận về tác phẩm của nhà văn Di Li, đồng thời từ đó đàm luận về tật xấu - tính tốt trong văn hóa người Việt.

Nhà văn Nguyễn Một - tác giả của nhiều truyện ngắn, bút ký và gần đây đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn với tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín - chia sẻ nhận định về tác phẩm của nhà văn Di Li: "Đây là cuốn sách được viết rất hay, nhưng thực tình thì tôi không thích". Ông lý giải rằng lối hành văn cuốn hút trong tác phẩm dễ khiến ta xuôi theo và tin rằng ấy là những tật xấu của người Việt mình. Nhưng nếu khách quan nhìn lại, không chỉ người Việt mới có những tật xấu này.

Từ trái qua: đạo diễn Aaron Toronto, nhà báo Đỗ Hương, nhà văn Di Li và nhà văn Nguyễn Một tại buổi tạm đàm.

Đề cập đến phần nhắc đến tính cả tin của người Việt trong cuốn sách, nhà văn Nguyễn Một cho rằng ấy không phải là tật xấu. Ông hy vọng ta sẽ không đánh mất niềm tin của mình vào cuộc đời và vào lòng nhân ái của những người khác. Ông cũng chia sẻ rằng bản thân có cái nhìn tương đối lạc quan, và các nhân vật trong sách của ông, đặc biệt là phụ nữ, hầu như không có phản diện.

Nhà báo Đỗ Hương, trái lại, đặc biệt yêu thích văn phong đậm chất "thông tấn" của Di Li. Theo bà Đỗ Hương, việc sử dụng những số liệu minh chứng cụ thể và đưa thông tin nhưng không kèm theo các bình luận hay quan điểm cá nhân sẽ khiến nhiều độc giả phải gật gù đồng tình và tìm thấy chính mình trong những trang viết. Nhiều độc giả cũng chia sẻ rằng cảm giác khi đọc sách tưởng như "đang viết về mình đấy mà".

Khách quan nhìn nhận tốt - xấu và chấp nhận sự khác biệt

Đạo diễn Aaron Toronto - người đã sống ở Việt Nam gần 20 năm qua và làm một số phim về đời sống người Việt - chia sẻ nhận định rằng Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phát triển sâu dày. Đặc biệt, ông kể lại trải nghiệm chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của diện mạo người lái xe máy trên đường phố sau khi luật đội mũ bảo hiểm ra đời. Ông nhận thấy rằng xã hội Việt Nam cũng có thể biển chuyển rất nhanh cho phù hợp với thời cuộc và các quy định mới.

Từ đây, các diễn giả và khán giả tham dự tọa đàm cũng bày tỏ ý kiến cho rằng có những nét tính cách rất khó phán xét theo đúng - sai, tốt - xấu rạch ròi. Tuy nhiên, việc "bình thường hóa" khi bàn luận về những thực tế và chấp nhận những cái "xấu" này sẽ tạo dựng bầu không khí cởi mở, thấu hiểu và từ đó, có thể dẫn đến những điều chỉnh phù hợp.

Trước câu hỏi của độc giả rằng liệu khi xuất bản nhà văn Di Li có trù dự cho những tranh cãi có thể xảy ra hay không, bà trả lời rằng mình chọn lối viết hài hước để người đọc dù thấy mình trong câu chuyện cũng không khó chịu hay tự ái. Đặc biệt, tác giả không đưa ra kết luận của mình mà để độc giả tự mình chiêm nghiệm. Điều này thống nhất với cả văn phong viết sách hư cấu của Di Li, khi tác giả thường để những cái kết mở và trao quyền cho độc giả có suy ngẫm riêng.

Di Li cũng tiết lộ rằng phần 2 Tính tốt người Việt của bộ sách viết về văn hóa thị dân này của bà sẽ ra mắt, hứa hẹn là một ấn phẩm nhẹ nhàng, lan tỏa những điều tích cực đến độc giả sau phần 1 có phần cắc cớ và chừng như phê phán.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/khen-che-ve-tat-xau-nguoi-viet-post1454601.html