Khẩu chiến bùng phát giữa quan chức Mỹ - Trung trong lần gặp đầu tiên

Khẩu chiến xuất hiện ngay trong cuộc gặp mặt đối mặt để đối thoại lần đầu tiên giữa quan chức cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska hôm 18/3.

Mở đầu cuộc họp tại thành phố Anchorage của tiểu bang Alaska, Mỹ, Ngoại trưởng Tony Blinken đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đe dọa trật tự toàn cầu. Về phần mình, Bắc Kinh cũng đã đưa ra những lời phản bác mạnh mẽ.

Theo RT, hôm 18/3, Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra hàng loạt lời cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh. Theo ông Blinken, Mỹ “đặc biệt quan ngại” trước những hành động “cưỡng bức kinh tế” từ phía Trung Quốc nhằm vào các đồng minh của Mỹ, vấn đề nhân quyền trong lãnh thổ Trung Quốc, cũng như mối đe dọa mà Trung Quốc tạo ra đối với “trật tự dựa trên các quy định nhằm duy trì sự ổn định của toàn cầu”.

Khẩu chiến bùng phát giữa quan chức Mỹ - Trung ngay trong lần gặp đầu tiên tại bang Alaska, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã có những lời chỉ trích gay gắt đáp lại.

Do đó, cuộc họp mặt đối mặt đầu tiên giữa các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden với những người đồng cấp Trung Quốc được nhận định là mở màn với tư tưởng hiếu chiến.

“Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và ưu thế tài chính của mình để gây áp lực với các nước khác”, ông Dương nói trong bài phát biểu kéo dài 15 phút sau những lời bình luận của Ngoại trưởng Blinken.

Cũng theo ông Dương, Washington “lợi dụng cái gọi là khái niệm an ninh quốc gia để ngăn cản hoạt động thương mại thông thường và xúi giục các nước khác tấn công Trung Quốc”.

Phản bác những cáo buộc của Mỹ về vấn đề nhân quyền, ông Dương cho rằng Mỹ cũng đang có “những vấn đề sâu sắc” về quyền công dân khi mà nhiều báo cáo cho thấy, lực lượng cảnh sát Mỹ tấn công tàn bạo hoặc sát hại những nghi phạm không có vũ trang trong quá trình hành pháp.

Thậm chí, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên còn lên tiếng phản đối bài phát biểu dài của ông Dương khi xem đây là hành động vi phạm nghi thức ngoại giao đã được hai bên thống nhất trước khi gặp mặt trực tiếp. Cụ thể, mỗi bên có 2 phút để phát biểu khai mạc cuộc họp.

Quan chức Mỹ nhận định phái đoàn Trung Quốc dường như tới cuộc gặp chỉ để thể hiện quyền lực và tập trung vào nghệ thuật sân khấu thay vì thực chất.

Trong khi đó, chia sẻ với truyền thông, một thành viên trong phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh phía Trung Quốc đã “phản ứng gay gắt” sau khi Mỹ “làm mất thời gian trước và đưa ra những lời cáo buộc vô lý”. Người này khẳng định phái đoàn Trung Quốc tới Alaska “với suy nghĩ đây là một cuộc đối thoại chiến lược”.

Trước đó, Ngoại trưởng Blinken và những người đồng cấp Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung sau chuyến thăm của nhà ngoại giao Mỹ tới Tokyo hồi đầu tuần này.

Tuyên bố chung của Mỹ - Nhật cáo buộc Trung Quốc có “hành vi gây bất ổn và vi phạm trật tự quốc tế”. Ngoài ra, Mỹ cam kết ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông có dấu hiệu gia tăng, do Nhật Bản đang cân nhắc điều động các lực lượng vũ trang đối phó trước sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của quân đội Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Hải cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ ngày 1/2, sau khi Bắc Kinh thông qua bộ luật mới cho phép lực lượng hải cảnh nước này “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” bao gồm vũ khí để chống lại các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm cái mà Trung Quốc gọi là chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.

Trong năm 2020, các tàu của hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư khoảng 2 lần/tháng. Nhưng sau khi Trung Quốc thông qua bộ luật mới vào tháng Hai năm nay, tần suất tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt gần Senkaku/Điếu Ngư đã tăng lên thành 2 lần/tuần, theo số liệu được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản công bố.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/quan-chuc-my-trung-khau-chien-du-doi-ngay-lan-gap-dau-tien-279564.html