Khát vọng Hoành Sơn
Ký ức đầu tiên của tôi về dãy Hoành Sơn là những ngày thơ ấu, khi mùa xuân sắp về, cả nhà được nghỉ Tết, mẹ đưa tôi về quê ngoại. Xe xuôi hướng Bắc-Nam, lúc hình ảnh xanh mướt Hoành Sơn hiện ra trong tầm mắt, chúng tôi vượt Đèo Ngang và đặt chân lên đất quê nhà. Mấy thập kỷ trôi qua, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đất và người nơi đây, vùng đất bình lặng và nhiều gian khó năm nào giờ đã mang diện mạo mới với những khát vọng lớn. Giấc mơ trở thành khu vực động lực với sự phát triển sôi động phía Bắc tỉnh đang từng bước trở thành hiện thực!
Nắng mới Đèo Ngang
Hoành Sơn là đường biên giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Bình-Hà Tĩnh, nơi núi vươn mình ra biển chính là thắng cảnh Đèo Ngang nổi tiếng vừa phân chia ranh giới cả về địa lý và khí hậu. Tự hào là cư dân Hoành Sơn, tôi đã quen với hình ảnh những ngày giáp Tết, phía Bắc Đèo Ngang trời mưa phùn lạnh giá, nhưng chỉ cần vượt qua đỉnh đèo và xuôi Nam sẽ bắt gặp ánh nắng ấm áp. Thiên nhiên trù phú, tươi đẹp nhưng nhiều thập kỷ trước, hình ảnh Đèo Ngang vẫn gắn với đói nghèo, lạc hậu.
Trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là những băn khoăn, trăn trở của các thế hệ về sự đổi thay tươi mới cho vùng đất này, bây giờ, nắng mới đã trải rộng khắp dãy Hoành Sơn, Đèo Ngang, Vũng Chùa-Đảo Yến, Đảo La, Hòn Gió, Hòn Nồm… Khách bộ hành ngược Bắc, xuôi Nam qua đèo chỉ tốn vài ba phút bởi hầm đường bộ thênh thang rộng mở. Đường cũ, nơi có Hoành Sơn quan hiên ngang, vững chãi, vẫn còn in đậm dấu tích của các bậc tiền nhân hành phương Nam, giờ rộn ràng bước chân du khách. Từ đây, thả tầm mắt về bốn phía có thể thu trọn cảnh sắc non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình.
Trong cuốn “Ô Châu cận lục”, tác giả Dương Văn An từng miêu tả Hoành Sơn thế như “rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển”. Hình sông, thế núi bây giờ vẫn giữ nguyên dáng vẻ, chỉ là bổ khuyết thêm cảnh sắc hiện đại, đầy kỳ vọng. Đó là các tuyến giao thông huyết mạch kết nối trục Bắc-Nam, Đông-Tây, không chỉ đưa Quảng Bình gần hơn với các địa phương trong nước mà vươn ra các quốc gia trong khu vực, như: Lào, Thái Lan... Vùng biển rộng với ngư trường giàu có và tiềm năng nuôi trồng thủy sản, được che chắn, bảo vệ bởi những hòn đảo, giờ là bến cảng của những con tàu tải trọng lớn, rộn ràng giao thương với nhiều hứa hẹn.
Và giấc mơ Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung đang từng bước hiện thực hóa với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II hoàn thành chủ trương điều chỉnh sang sử dụng nhiên liệu khí LNG. Đây là những dự án chiến lược, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước. Bên cạnh đó, những lợi thế về năng lượng tái tạo, như: Điện mặt trời, điện gió đang hiện hữu, có thể khai thác hiệu quả trong tương lai. Khu Kinh tế Hòn La ngày càng sôi động và khởi sắc mạnh mẽ!
Cùng với những hình ảnh hiện đại đang từng bước mang lại sự đổi thay tươi mới cho vùng đất này, Đèo Ngang vẫn giữ gìn trọn vẹn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội. Đó là Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những huyền tích đẹp, điểm đến của du khách thập phương. Đặc biệt, con đường được xếp bằng hàng nghìn phiến đá nối từ Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên Hoành Sơn quan được phát hiện, chỉnh trang đã mở ra một trang mới cho du lịch văn hóa, tâm linh nơi đây.
Hơn một thập kỷ qua, Vũng Chùa càng yên bình và ấm áp khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, niềm tự hào của quê hương Quảng Bình và của cả dân tộc, đã chọn nơi này yên giấc thiên thu. Với tình yêu thương, kính trọng của nhân dân, sắc hoa từ mọi miền Tổ quốc về đây hội tụ, mang lại vẻ đẹp mới mẻ cho biển Vũng Chùa-Đảo Yến, thu hút bao trái tim du khách.
Quyết tâm và kỳ vọng
Xã Quảng Phương, trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, trước khi được quy hoạch là vùng đất mênh mông cát trắng. Nhưng bằng ý chí, quyết tâm và khát vọng, huyện Quảng Trạch xây dựng lộ trình đưa Quảng Phương trở thành đô thị loại V vào năm 2025, phấn đấu năm 2030 trở thành thị trấn trung tâm huyện lỵ.
Quảng Trạch, vùng đất “cửa ngõ” phía Bắc của tỉnh với dãy Hoành Sơn hùng vĩ là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ. Đèo Ngang buồn hiu hắt trong thơ Bà Huyện Thanh Quan năm xưa đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi “Pháo tàu địch đêm đêm nhằm bắn/Đèo vẫn nguyên lành nằm với biển reo”(*). Qua bao thời gian, bằng bàn tay, khối óc và khát vọng vươn lên, các thế hệ cư dân Hoành Sơn đã từng bước biến ước mơ thành hiện thực, mang lại những đổi thay vượt bậc cho quê hương Quảng Trạch anh hùng.
Trên hành trình đó, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, quân và dân Quảng Trạch đã chung sức, đồng lòng để quê hương từng ngày “thay da, đổi thịt”, khang trang, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V. Đến thời điểm này, xã Quảng Phương cơ bản đạt 5/5 tiêu chí và 54/63 tiêu chuẩn đô thị, đạt 81/100 điểm theo thang điểm của đô thị loại V. Hiện, UBND huyện đang triển khai lập đề án phân loại đô thị trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt công nhận đô thị dự kiến vào đầu năm 2025.
Không chỉ đổi thay ở khu vực trung tâm huyện lỵ, sự sâu sát cơ sở, tinh thần trách nhiệm cao với quê hương của đội ngũ cán bộ đã góp phần kiến tạo không gian mới cho nhiều miền quê ở Quảng Trạch. “Phố mới” Quảng Thanh với những ngôi nhà “tái định cư” đẹp ngỡ ngàng là một trong những hình ảnh sống động, minh chứng cho sự gặp gỡ của “ý Đảng-lòng dân-tâm cán bộ”, về những lợi ích thiết thực, rõ nét trên hành trình phát triển mới của quê hương.
Là vùng đất sơn thủy hữu tình, phát triển du lịch là một trong những định hướng quan trọng của Quảng Trạch. Cùng với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng ở phía Bắc huyện, thác Tam Cấp tại xã Quảng Kim là niềm tự hào của cư dân Hoành Sơn. Hoang sơ và ẩn chứa nhiều giá trị, nơi này đang được đánh thức bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư. Du lịch xanh, bền vững đang trở thành xu hướng chủ đạo sẽ mở ra cơ hội mới cho Quảng Bình nói chung, danh thắng thác Tam Cấp của huyện Quảng Trạch nói riêng.
“Một trong những giải pháp quan trọng để Quảng Trạch tăng tốc chính là phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện Quảng Trạch trở thành khu vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình. Để chinh phục mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện nhà quyết tâm biến khó khăn thành động lực, từng bước thay đổi diện mạo quê hương, xứng đáng với các thế hệ đi trước và bề dày lịch sử của vùng đất này!”, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Nguyễn Chí Thắng nhấn mạnh.
Ngọc Mai
(*) Thơ Phạm Tiến Duật.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202501/khat-vong-hoanh-son-2224025/