Khảo sát đánh giá tình hình tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp
Sáng 2/8, Đoàn khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa để khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam; tình hình tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ, ngày 24/6/2014 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”; báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của CĐCS DN có đông đoàn viên và CĐCS DN có dưới 25 đoàn viên.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ, hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác kiện toàn, sắp xếp và củng cố tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở luôn được thực hiện kịp thời, thường xuyên dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp nên hoạt động công đoàn cơ bản ổn định, từng bước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý điều hành.
Các phong trào, hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở dần đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động là đối tượng vận động, tập trung vào hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Việc bố trí cán bộ đảm bảo đúng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, căn cứ nguồn quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ đúng quy định, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, văn phòng, công sở phục vụ công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Việc thực hiện phân cấp quản lý tài chính công đoàn đã tạo sự chủ động về tài chính đối với công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, tạo điều kiện phát huy tính năng động, sáng tạo, đi sâu, đi sát cơ sở của cán bộ công đoàn...
Tại buổi làm việc, đoàn đã được nghe đại diện lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS DN chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động công đoàn tại đơn vị.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị các nội dung: Nghiên cứu lại mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong hệ thống công đoàn, nâng mức phụ cấp lãnh đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch các công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục sửa đổi, bổ sung mức chi phụ cấp đối với cán bộ CĐCS; xây dựng hướng dẫn về cách thức tổ chức sinh hoạt CĐCS, tổ công đoàn; xây dựng các thiết chế văn hóa để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động; quy định tăng thêm số lượng ban chấp hành đối với các CĐCS có đông công nhân lao động...
Các đại biểu cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương thực hiện thống nhất việc giao chỉ tiêu biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách theo tỷ lệ thuận với số lượng đoàn viên, CĐCS tăng lên hằng năm, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Hội nghị đã nhận được nhiều phát biểu cụ thể, thẳng thắn, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất phù hợp. Tổng LĐLĐ Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.