Khánh Hòa hướng đến nuôi biển xa bờ

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đề án nuôi biển đến năm 2030 với diện tích đạt 1.500 ha, sản lượng nuôi biển 30.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao với 3 mục tiêu nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản mang hiệu quả kinh tế cao.

Kỷ nguyên nuôi biển

Tại hội thảo "Kỷ nguyên nuôi biển hướng xa bờ" được tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) mới đây, PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng nước ta đã có hơn 20 năm phát triển nghề nuôi biển nhưng chủ yếu ven bờ trong các vũng, vịnh và các vùng nước kín. Việc phát triển mạnh mẽ và có phần quá mức của nuôi biển theo kiểu truyền thống đã gây ra hậu quả, thiệt hại ngay chính cho cộng đồng nuôi biển khi xảy ra các sự cố về môi trường, dịch bệnh.

Nghề nuôi biển hiện vẫn áp dụng phần lớn lồng bè gỗ truyền thống và nuôi gần bờ

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng nói nghề nuôi biển hiện nay cần phải tiến dần ra nuôi ở các vùng biển xa bờ với mô hình nuôi biển công nghiệp. Định hướng của tỉnh Khánh Hòa về phát triển nuôi biển hiện đại, quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ là phù hợp với xu hướng chung của ngành nuôi biển trên thế giới hiện nay.

Theo ông Rob Garrison, chuyên gia về nuôi trồng thủy sản của Công ty NewSeas LLC (Mỹ), để việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản bền vững bảo đảm thành công thì cần tính toán doanh thu có bảo đảm chi phí đầu tư, kinh phí hoạt động và khả năng thu hồi vốn là rất quan trọng. Doanh nghiệp muốn đầu tư phải nghĩ đến nuôi trồng thủy sản hướng đến xuất khẩu, còn để phục vụ nội địa rất khó thành công. Loài nuôi nên nghĩ đầu tiên là các loài bản địa tại chỗ. "Chúng ta nên chọn những loài nuôi đã được kiểm chứng hiệu quả, việc lựa chọn ví trí nuôi cũng cần tránh xa nguồn gây ô nhiễm, thuận lợi việc cung ứng thức ăn, con giống ổn định, chất lượng và chế biến sản phẩm sau thu hoạch" - chuyên gia này nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, điều phối viên tại Việt Nam của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), cho rằng việc nuôi biển tập trung bằng công nghệ hiện đại có điều kiện để đạt được những chứng nhận, đưa thủy sản ra quốc tế. Các tiêu chí quốc tế quan tâm, gồm: An toàn thực phẩm, bảo đảm rằng không có bất kỳ kháng sinh cấm; các hóa chất khác sử dụng được phê chuẩn phải được tiến hành theo cách thức có trách nhiệm. Tuân thủ các tiêu chuẩn hướng đến bảo tồn môi trường, chất lượng nước và quản lý dòng thải. Trách nhiệm xã hội bảo đảm rằng các đơn vị sản xuất tuân thủ các thực hành tốt về quyền con người, luật lao động, sức khỏe và an toàn của người lao động. Thứ 4 là sức khỏe và an sinh động vật trong việc nuôi dưỡng động vật, hướng đến các vấn đề như kiểm soát bệnh. Các chứng nhận này theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã có tại Việt Nam như BAP, GLOBAL G.A.P...

Khánh Hòa sẽ tiên phong

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, cho biết các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp đã chủ động sản xuất con giống thương phẩm, thức ăn và công nghệ nuôi một số loài hải sản như cá chim, cá bớp, cá hồng, cá chẽm… Việc đầu tư nuôi biển theo công nghiệp đang có tại vịnh Vân Phong với quy mô hàng chục ngàn tấn cá mỗi năm.

Phía trung tâm đã thực hiện các mô hình lồng nuôi bằng nhựa HDPE quy mô nhỏ, đầu tư vừa phải, sử dụng 2-3 lao động, không cần máy cẩu vận hành để phù hợp quy mô nông hộ. Sau 4 năm từ mô hình 1-2 lồng nuôi ban đầu, đến nay đã có hơn 10 hộ dân nuôi bằng lồng nhựa HDPE, giúp cho ngư dân tự tin dịch chuyển vùng nuôi xa bờ hơn… Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn chậm do người dân vẫn đang sử dụng lồng gỗ sẵn có, nếu chuyển sang lồng HDPE sẽ phải bỏ vốn lớn. Tuy nhiên, về lâu dài thì đây vẫn là lựa chọn tốt vì rẻ hơn lồng gỗ nếu làm mới. Do vậy cần có sự hỗ trợ về vốn vay, giãn nợ mới giúp người dân đầu tư mới lồng HDPE…

Ông Trần Hòa Nam cho biết Khánh Hòa đang triển khai xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao với 3 mục tiêu chung là: góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ 2 là bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý, vừa bảo đảm phát triển kinh tế biển vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Thứ 3 là bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển sẽ đạt 1.500 ha, thể tích lồng nuôi đạt 4,0 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỉ USD. Trong đó, phạm vi 3 hải lý có 800 ha, sản lượng đạt 12.000 tấn và nuôi biển trong phạm vi từ 3-6 hải lý đạt 700 ha, sản lượng đạt 18.000 tấn.

Tiềm năng nuôi biển rất lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng nuôi biển ở nước ta rất lớn khi có tới 500.000 km2 có thể đưa vào nuôi biển. Hiện nay, diện tích nuôi biển ước đạt 80.000 ha mặt nước, sản lượng trên 750.000 tấn. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỉ USD.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/khanh-hoa-huong-den-nuoi-bien-xa-bo-20230517214301938.htm