Khám phá hang xóm Trại

Hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001. Hang xóm Trại là di tích văn hóa Hòa Bình khá tiêu biểu. Đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân văn hóa Hòa Bình.

Hang xóm Trại nằm trên độ cao 15 m so với mặt thung lũng. Cửa và đáy hang rộng bằng nhau tạo thành hình vòng cung khá đẹp. Trong hang sáng sủa, thoáng đãng, ánh sáng có thể lọt vào tận đáy hang. Cách cửa hang 5 m có một khối đá vôi chắn giữa, có thể rơi từ trên cao xuống. Thềm hang thoải dốc từ cửa vào đáy. Phần lớn thềm hang còn nguyên vẹn. Trước cửa hang là một thung lũng khá rộng và bằng phẳng, có dòng suối Lạn chảy qua. Trong lòng suối có thể tìm thấy cuội đá phun trào ma phít, cuội kết, cát kết dạng quắc dít. Đây là nguồn nguyên liệu vô tận cung cấp cho người nguyên thủy chế tác công cụ.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hang xóm Trại là nơi tìm thấy vết tích của nền Văn hóa Hòa Bình vào loại sớm nhất lưu vực sông Hồng. Hang được phát hiện năm 1975, từ đó đến nay, địa điểm này nhiều lần được các nhà khoa học nghiên cứu và khai quật. Qua những lần khai quật, diện tích lòng hang hầu như đã khai quật hết, thu được trên 5.000 hiện vật. Từ kết quả điều tra cho thấy, hang xóm Trại là một di tích Văn hóa Hòa Bình có tầng văn hóa dày (4 m). Lẫn trong tầng văn hóa phần nhiều là vỏ ốc suối, công cụ và các mảnh gốm thô, lúa, gạo cháy…, đó là minh chứng rõ rệt nhất về một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai ở thời Văn hóa Hòa Bình.

Ngoài ra còn phát hiện các dấu vết mòn trên những phiến đá trong ngách đi cổ phía Bắc có niên đại cách ngày nay tới 21 nghìn năm lại được phát hiện. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là hệ thống dấu mòn đi lại vào loại cổ nhất thế giới. Việc phát hiện các dấu đi cổ 21 nghìn năm này là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa không chỉ với riêng tỉnh Hòa Bình hay tại Việt Nam, mà đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á phát hiện ra lối đi cổ này.

Từ kết quả các đợt khai quật cho thấy, đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Cho đến nay, đây là di tích Văn hóa Hòa Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá cũng như công cụ xương với các di tích Văn hóa Hòa Bình chúng ta đã khai quật. Qua nghiên cứu, tổng thể hiện vật đá ở đây cho thấy kỹ thuật chế tác công cụ đá khá điêu luyện. Sự có mặt một số lượng khá nhiều công cụ có kích thước to lớn đã làm phong phú thêm bộ di vật Văn hóa Hòa Bình, là tư liệu tốt để tìm hiểu các loại hình công cụ cùng sinh thái sinh hoạt kinh tế của văn hóa này.

Việc phát hiện được các hạt gạo, vỏ trấu trong tầng văn hóa của hang xóm Trại có thể là một minh chứng vật chất về một nền nông nghiệp trồng lúa sơ khai ở Văn hóa Hòa Bình. Với sự có mặt của nhiều rìu mài lưỡi, có thể xếp di tích xóm Trại vào sơ kỳ thời đại đá mới. Tương đương với di tích mái đá làng Vành cùng trong huyện Lạc Sơn.

Việc phát hiện được khối lượng hiện vật phong phú, tầng văn hóa dày đặc… đã chứng minh vùng đất xóm Trại nói riêng, mảnh đất Hòa Bình nói chung rất trù phú, thuận lợi cho sự cư trú và sinh sống của người nguyên thủy. Việc phát hiện những giá trị mới trong hang xóm Trại trong thời gian qua đã chứng tỏ các di chỉ văn hóa Hòa Bình tại tỉnh còn rất nhiều bí ẩn để thu hút các nhà khoa học tìm đến nghiên cứu tiếp về Văn hóa Hòa Bình. Hiện nay, di tích hang xóm Trại còn được giữ nguyên trạng, có thể phục vụ cho việc thăm quan, nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình. Ngoài ra, hang xóm Trại nằm ở trung tâm của đất Mường Vang xưa, đến với di tích du khách có điều kiện thăm quan, tìm hiểu về văn hóa người Mường ở vùng Mường Vang Lạc Sơn, một vùng Mường cổ đặc trưng, còn bảo lưu được nhiều nét bản địa trong phong tục, tập quán, sinh hoạt. Bên cạnh đó, du khách còn có những trải nghiệm thú vị, một hình thái du lịch mới hấp dẫn, khác lạ như hóa trang thành người tiền sử, thực nghiệm chế tác công cụ đá... và được thưởng thức các món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc nơi đây.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/163262/kham-pha-hang-xom-trai.htm