Khám phá địa đạo Củ Chi- trải nghiệm cuộc chiến từ lòng đất

Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc huyện Củ Chi. Nơi đây được biết đến là hệ thống tầng hầm, công sự khổng lồ dưới lòng đất của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc.

Để người dân hiểu hơn về năm tháng đấu tranh quật cường của ông cha ta, hôm nay, độc giả hãy cùng PhunuNews khám phá địa đạo Củ Chi nhé.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi vừa là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định vừa là thế trận biến hóa, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước. Di tích hiện được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược và Bến Đình.

Địa đạo được xây dựng vào cuối những năm 1940, trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công Sài Gòn.

Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn.

Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi ẩn dưới các bụi cây.

Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.

Địa đạo Củ Chi được biết đến như vùng “Tam giác sắt” chỉ cách “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn 70km. Trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Củ Chi từng được gọi là “vùng đất chết” là địa điểm phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, hóa chất và cả những trận càn quy mô lớn của địch. Nhưng suốt chiều dài cuộc chiến khốc liệt, mảnh đất này vẫn hiên ngang đứng vững.

Trong chiến tranh, con người nơi đây dường như đã hóa thép, người trước ngã xuống, thế hệ sau tiếp bước đứng lên như biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí đấu tranh bất diệt.

Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Đến địa đảo Củ Chi, du khách được trải nghiệm cuộc sống trong thời chiến của ông cha ta ngày xưa, từ đó, thêm biết ơn công lao của các anh hùng dân tộc.

M.H t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/kham-pha-dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-cuoc-chien-tu-long-dat-524810.htm