Khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1-7-2021. Đây là điểm nhấn quan trọng, bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng từ thủ công sang hiện đại, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu lớn này sẽ giảm được chi phí đầu tư mới, không trùng lặp và hiệu quả.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò rất quan trọng, vì vậy trong thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ thu thập, kiểm tra, phúc tra kết quả thu thập, nhằm đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác của từng công dân.
Phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài có dân số hơn 15.000 người. Công tác thu thập, rà soát thông tin dân cư trên địa bàn đến nay đã đạt 98%, cấp căn cước công dân đạt trên 85%. Trung tá Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng Công an phường Tân Xuân đánh giá: “Việc lưu trữ thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý dân cư khoa học, chính xác mà còn giúp người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”.
Sau khi dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay toàn bộ thông tin công dân trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã số định danh; công dân trong độ tuổi đã được cấp thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử. Thông tin công dân được thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật kịp thời hằng ngày, đảm bảo thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Thượng tá Đào Văn Thêm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có hơn l triệu thông tin công dân đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Riêng công tác thu thập dữ liệu cấp thẻ căn cước công dân, đã có 760 ngàn người trong độ tuổi được thu nhập thông tin và cấp thẻ. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất từ Trung ương đến địa phương còn cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Để thực hiện hiệu quả việc phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành công an đang tiếp tục cập nhật, đảm bảo dữ liệu chính xác, bổ sung thường xuyên, tuyệt đối an ninh, an toàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Thượng tá ĐÀO VĂN THÊM, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh
Từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin từ các phần mềm nêu trên, Bộ Công an đã tích hợp 3 ứng dụng là VN-EID, PC Covid, Sổ sức khỏe điện tử trên thẻ căn cước công dân và sử dụng chung mã QR trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đồng bộ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Muốn thực hiện được điều này thì phải có các cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông với nhau. Khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lực lượng công an mà còn phục vụ các mặt công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.