Khai hội chùa Sùng Phúc

Ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng giêng), tại thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) diễn ra Lễ hội chùa Sùng Phúc.

Lãnh đạo huyện Hạ Lang đánh trống khai hội.

Chùa Sùng Phúc (nguyên là chùa Sùng Khánh), được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (thế kỷ XIII), trên đỉnh núi Pò Kiền, thuộc xã Lệnh Cấm, châu Hạ Lang. Vì nằm trên núi cao, hàng năm đến mùa lễ hội, người dân đi lại gặp khó khăn. Nên đến triều vua Lê, chùa được dời xuống cánh đồng Huyền Ru, nay là thị trấn Thanh Nhật và đổi tên thành Sùng Phúc. Chùa thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát. Bên trái thờ vị Thành Hoàng Nguyễn Đình Bá, người có công bảo vệ bờ cõi, được nhân dân mến mộ. Chùa Sùng Phúc còn thờ vi đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh (Hải Dương). Bà theo cha lên Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang là nam thi đỗ tiến sĩ đầu bảng ở Trường Quốc học Bản Thảnh. Khi thi đỗ, bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Ngày 29/1/1993, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Các đại biểu dâng hương chùa Sùng Phúc.

Lễ hội chùa Sùng Phúc diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14 - 16 âm lịch), với các hoạt động: Dâng hương, cúng thổ công, tế lễ, rước kiệu Thành Hoàng, Phật Bà Quan Âm, múa rồng, múa lân; các môn thể thao, văn nghệ, trò chơi dân gian (bóng chuyền hơi, tung còn, kéo co, tranh đầu pháo, đi cầu kiều trên sông, chọi chim, bịt mắt bắt vịt, bắt lợn), cờ tướng; thi tung còn, trình diễn trang phục dân tộc, ẩm thực và chương trình hát giao duyên...

Múa rồng tại lễ hội chùa Sùng Phúc.

Lễ hội chùa Sùng Phúc là một trong những lễ hội truyền thống và lâu đời nhất của huyện Hạ Lang. Lễ hội không chỉ mang tính văn hóa mà còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân trong mỗi dịp đầu xuân.

K.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khai-hoi-chua-sung-phuc-3167716.html