Khắc phục hậu quả bão, lũ: Các cấp ủy đảng kịp thời vào cuộc
Liên tiếp những ngày qua, mưa, bão đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân.
Nước lũ đã xóa sạch một ngôi làng của đồng bào Ca Dong ở khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Có 6 nhà dân đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, nhưng rất may mắn là không có thiệt hại về người. Trước khi xảy ra trận lũ quét này, huyện Sơn Tây đã kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, di dời toàn bộ 15 hộ đồng bào Ca Dong, với 149 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sau bão lũ, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Sơn Tây đã nỗ lực tiếp cận hiện trường nắm tình hình và yêu cầu xã Sơn Bua không cho người dân quay trở lại tìm kiếm đồ đạc, tài sản, đề phòng lũ quét, sạt lở đất tiếp tục diễn ra.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho hay: Huyện chỉ đạo không vội vàng đưa người dân về nơi ở cũ khi chưa đảm bảo an toàn; mặt khác, tình hình mưa, bão vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo chủ chốt chỉ đạo rà soát những vùng có nguy cơ sạt lở để tiếp tục thực hiện di dời dân.
Để kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 9, chủ động đối phó với tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết phát sinh, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 9 gắn với phòng, tránh lũ lụt.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và lãnh đạo huyện Tư Nghĩa thăm hỏi gia đình bị thiệt hại do bão số 9 ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các phương án khắc phục hậu quả. Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa Nguyễn Phúc Nhân cho biết: "Ngay sau khi bão tan, Huyện ủy thành lập 14 tổ công tác về các địa phương chỉ đạo thống kê thiệt hại ban đầu và khắc phục hậu quả bão, lũ. Đối với nhà sập, tốc mái có biện pháp hỗ trợ giúp người dân kịp thời. Huyện đã thành lập các tổ kêu gọi, tiếp nhận nguồn hỗ trợ của tỉnh, nhà hảo tâm, doanh nghiệp để phân về các địa phương đúng đối tượng.
Riêng huyện Nghĩa Hành, bão số 9 làm cho 6.000 hộ dân bị ngập lụt. Hàng loạt khu dân cư bị cô lập hoàn toàn do lũ dâng cao. Tại thôn An Hòa, xã Hành Dũng có 252 hộ dân, thì hầu như hộ nào cũng bị thiệt hại về nhà cửa, 185 hộ vùng trũng bị ngập lụt. Một số hộ ở vùng cao thì cây cối ngã đổ, có vườn ngã 300 - 400 cây cau đang cho quả.
Đảng ủy các xã, thị trấn của Nghĩa Hành đã chỉ đạo cấp ủy các thôn thành lập các tổ kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại từng hộ gia đình, làm căn cứ xem xét hỗ trợ người dân. Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ công tác vừa làm nhiệm vụ thống kê tài sản thiệt hại, vừa động viên các gia đình nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Sau bão lũ, nhiệm vụ cấp bách được huyện Nghĩa Hành tập trung triển khai là chăm lo, bảo đảm cuộc sống, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng tránh thiên tai.
Theo Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Nguyễn Tiến Dũng, bên cạnh thực hiện phương châm "4 tại chỗ" ở các xã, thị trấn, huyện tập trung lực lượng hỗ trợ cho các xã bị thiệt hại nặng như Hành tín Tây, Hành Thiện, Hành Dũng. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Huyện ủy chỉ đạo, điều phối lực lượng công an, quân đội khắc phục hậu quả bão, lũ...
Công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và ứng phó với thiên tai vẫn được các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực triển khai, nhất là thực hiện tốt vấn đề hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa bị hư hỏng. Đặc biệt, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh hỗ trợ, giúp các địa phương, cũng như kịp thời triển khai các đoàn thăm hỏi, hỗ trợ khắc phục hậu quả đã động viên, chia sẻ phần nào khó khăn cho người dân.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: "Phương châm là không để người dân có nhà bị sập, tốc mái phải chịu cảnh màng trời chiếu đất. Ưu tiên hỗ trợ khắc phục, sửa chữa nhà ở cho gia đình người già, neo đơn có nhà bị hư hỏng nặng. Yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị ở cơ sở để hỗ trợ, giúp người dân xây dựng lại nhà ở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc này, đảm bảo đúng đối tượng cần hỗ trợ, nhanh chóng khắc phục hậu quả đem lại cuộc sống ổn định cho người dân vùng ảnh hưởng".