Khắc họa công cuộc đổi mới của người Chơ Ro bằng âm nhạc

Với lời ca sâu sắc, gần gũi, bài hát 'Người Chơ Ro xây dựng nông thôn mới' của nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyển chọn in trong cuốn sách 'Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Lớp 10'. Bài hát với giai điệu mang âm hưởng dân ca, tiết tấu sôi nổi, đầy tinh thần ngợi ca: 'Cách mạng về ơn Đảng Bác Hồ/ Cách mạng về người dân Chơ Ro đón chào cuộc sống mới/ Chung sức chung lòng dựng xây quê hương/ Chung sức chung lòng xây đời ấm no...'.

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang trải nghiệm cồng chiêng của người Chơ Ro. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từng là Trưởng đoàn Nghệ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã bén duyên với công việc viết lách. Đặc biệt, với kiến thức được truyền thụ từ các thầy giáo, nhạc sĩ: Văn An, Thanh Phúc, Thuận Yến từ mấy chục năm trước đã giúp ông có những vận dụng sáng tạo để cho ra đời nhiều ca khúc ấn tượng.

Trong quá trình hoạt động âm nhạc, ông đã giành được nhiều giải thưởng với các tác phẩm, như: “Quan họ ở Trường Sa” (thơ Lê Thị Bích Hồng) đoạt giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018; “BĐBP về với bản” (thơ Nguyễn Văn Phiêu) đoạt giải Khuyến khích trong Đợt vận động sáng tác ca khúc đề tài về biên giới, biển, đảo và BĐBP do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức năm 2018; “Nhớ Bác” (thơ Hoàng Kim Vũ) đoạt giải C của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2020; “Tạm biệt mái trường” đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2020...

Nói về bài hát “Người Chơ Ro xây dựng nông thôn mới”, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang cho biết, tháng 3/2020, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Châu Đức - nơi có nhiều xã người dân tộc Chơ Ro sống tập trung, có bản sắc riêng và nền văn hóa độc đáo. Trong chuyến đi thực tế, các văn nghệ sĩ được gặp gỡ, giao lưu với bà con người dân tộc Chơ Ro, được tham quan Nhà văn hóa - sinh hoạt cộng đồng của người Chơ Ro.

“Người Chơ Ro có truyền thống cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và hiện nay hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của nhân dân được nâng lên rất nhiều. Từ những cảm xúc của chuyến đi thực tế, tôi đã sáng tác bài hát “Người Chơ Ro xây dựng nông thôn mới”. Bài hát dựa trên âm hưởng dân ca của dân tộc Chơ Ro và phát triển thành một ca khúc mới với tiết tấu vui tươi, trong sáng, giàu ý nghĩa” - nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang chia sẻ.

Ca từ của bài hát là câu chuyện kể của người Chơ Ro về cuộc sống bao đời gắn bó với núi rừng, cái đói, cái nghèo luôn thường trực với người dân. Bài hát chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 là đời sống của người Chơ Ro trước cách mạng. Đoạn 2, nhạc sĩ dùng nét tiết tấu mô phỏng của dân ca Chơ Ro. "Cách mạng về ơn Đảng Bác Hồ.../ Rừng cao su thêm tươi xanh.../ Người Chơ Ro theo Đảng xây dựng nông thôn mới..." là những nét âm hưởng của dân ca dân tộc Chơ Ro. Nhạc sĩ đã khéo léo vận dụng và phát triển thành một ca khúc mới, đề cập tới một chủ trương lớn của Nhà nước. Có lẽ vì điều này mà bài hát đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chọn đưa vào tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh để giảng dạy cho học sinh lớp 10.

Là người trực tiếp biên tập cuốn sách “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Lớp 10”, biên tập viên Lê Thành Lợi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Người Chơ Ro xây dựng nông thôn mới” là một ca khúc hay, giàu ý nghĩa và đậm chất nghệ thuật của nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang. Nội dung bài hát như một lời cảm ơn chân thành của người Chơ Ro với Đảng và Nhà nước khi giúp đỡ, hỗ trợ họ trong thời kỳ hội nhập, xây dựng nông thôn mới. Bài hát có 2 đoạn, từ việc vẽ nên được một bức tranh về đời sống, văn hóa của người Chơ Ro còn những khó khăn trong cuộc sống đến sự đổi mới của người dân nơi đây sau khi giải phóng đất nước. Việc đưa bài hát làm tài liệu giáo dục cho học sinh giúp các em có điều kiện tiếp cận với âm nhạc, với bản sắc văn hóa của dân tộc Chơ Ro, từ đó thêm yêu dân tộc mình, yêu mảnh đất mình đang sinh sống, gắn bó và sẽ cố gắng, phấn đấu học tập xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh, bằng cảm xúc chân thành, tha thiết, từ thực tế trải nghiệm và trách nhiệm của một công dân trên mảnh đất Bà Rịa-Vũng Tàu, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã khắc họa sinh động công cuộc xây dựng nông thôn mới của người Chơ Ro ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và người Chơ Ro nói chung bằng âm nhạc. Bài hát đi vào lòng người bằng nét nhạc đẹp, trong sáng, tươi vui, hồ hởi. Bài hát đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cho người Chơ Ro trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc. “Dù không phải là người con của Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã có nhiều sáng tác về mảnh đất này. Tôi tin rằng, trong vòng 20 năm sinh sống, gắn bó với miền đất này đã giúp anh có những cảm xúc chân thành, da diết nhất để làm nên những giai điệu và lời ca tuyệt đẹp” - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khac-hoa-cong-cuoc-doi-moi-cua-nguoi-cho-ro-bang-am-nhac-post467785.html