Kết nối người Việt Nam ở nước ngoài
Định kỳ hàng năm, tỉnh Đồng Nai đều tổ chức chương trình gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN). Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho NVNƠNN nắm bắt tình hình phát triển của tỉnh; đồng thời, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hướng về quê hương, đất nước, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nguyễn Thành Trí, Đồng Nai hiện có khoảng 32 ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, là nơi sinh sống của gần 18 ngàn hộ có người thân ở nước ngoài.
Lắng nghe tiếng nói NVNƠNN
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác NVNƠNN. Đồng thời, quán triệt tới các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị thống nhất trong nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác NVNƠNN nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh Đồng Nai với địa phương các nước trên thế giới.
Ngày 14-4, tại TP.Biên Hòa, UBND tỉnh tổ chức chương trình Gặp gỡ hữu nghị NVNƠNN tỉnh Đồng Nai năm 2023. Trong chương trình có nhiều hoạt động như: tham quan các di tích, một số khu công nghiệp, công trình trọng điểm đang thực hiện trên địa bàn tỉnh; giới thiệu về du lịch Đồng Nai và tiềm năng đầu tư của tỉnh; ký kết phối hợp giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai và CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế; trao đổi giữa NVNƠNN với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành; khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác NVNƠNN tỉnh Đồng Nai…
Cũng theo ông Trí, Đồng Nai luôn tạo mọi điều kiện để NVNƠNN về thăm thân nhân và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Mỗi năm, tỉnh đều tổ chức các hoạt động như: Xuân Hữu nghị, họp mặt NVNƠNN… Bà con rất vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, đất nước và được thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tham quan thực tế tại địa phương. Do đó, có nhiều doanh nhân, trí thức, các nhà đầu tư mong muốn được đầu tư vào tỉnh. Hiện tại, Đồng Nai có 17 doanh nghiệp có NVNƠNN là nhà đầu tư hoặc đại diện nhà đầu tư góp vốn hàng ngàn tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực: dịch vụ, giáo dục, bất động sản…
Ông Nguyễn Hồng Huệ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân NVNƠNN cho biết, ông sống ở Australia đã hơn 45 năm. Nhiều lần được tham dự chương trình gặp gỡ NVNƠNN do tỉnh tổ chức, ông cảm thấy trân trọng, ấm áp trước sự quan tâm, gắn kết của tỉnh với NVNƠNN. Hoạt động này là dịp để NVNƠNN có những buổi gặp mặt thân thiện, thắm tình quê hương, tạo được sự liên hệ, gắn bó giữa bà con với Tổ quốc bằng nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hơn nữa.
Còn ông Bùi Trung Hậu, quốc tịch Australia, cho biết, ông rời quê hương lúc 13 tuổi. Khi quay trở lại Việt Nam, ông cùng các nhà đầu tư bất động sản, đại diện một số quỹ đầu tư quốc tế hợp tác làm ăn và rất quan tâm tìm kiếm cơ hội tại Đồng Nai. Thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương để nắm bắt các thông tin kêu gọi đầu tư những lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu thu hút cũng như thế mạnh có thể hợp tác. Ông hy vọng sẽ tìm kiếm, tiếp cận và được đầu tư vào các dự án tiềm năng, mang công nghệ của Australia giúp mở rộng và phát triển kinh tế đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Liên lạc với NVNƠNN phụ trách khu vực Duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Tây Nam bộ, hiện có 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Hội đã và đang xúc tiến nhiều chương trình để hỗ trợ cho NVNƠNN cùng một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Hội đánh giá rất cao việc tỉnh tạo môi trường thân thiện, tích cực gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có NVNƠNN để lắng nghe nguyện vọng cũng như cung cấp thông tin về thu hút đầu tư trên địa bàn. Điều này tạo được sự thu hút đối với các doanh nghiệp, trong đó có NVNƠNN về địa phương đầu tư làm ăn.
Quan tâm, tạo điều kiện cho NVNƠNN
Là một trong những NVNƠNN sớm về nước đầu tư tại Đồng Nai và kết nối nhiều bạn bè các nước làm ăn tại tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vitrac (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, năm 2005, ông từ Đức trở về nước và chọn Đồng Nai đầu tư. Ban đầu, công ty làm các dịch vụ thương mại giữa Việt Nam và Đức, sau đó chuyển sang mảng kết cấu nhà ráp. “Khi mới bắt đầu kinh doanh, tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Song được sự tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Đồng Nai nên việc làm ăn sớm đi vào ổn định và phát triển tốt” - ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, ngoài vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Vitrac, ông còn tham gia điều hành nhiều đơn vị sản xuất, thương mại dịch vụ, vận tải, bất động sản. Đặc biệt, công ty của ông liên kết với 1 tập đoàn của Đức sản xuất ra công nghệ phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt... Hiện các đơn vị này đang tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động chính thức cùng khoảng 350 lao động thời vụ. Hàng năm, Công ty CP Vitrac với 15 cơ sở, văn phòng đại diện và công ty con trong cả nước đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng.
Theo ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, Hội là cầu nối giữa chính quyền các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho con em người Campuchia gốc Việt Nam và kinh phí xây trường học tại Campuchia. Ngoài ra, tỉnh còn cấp 36 suất học bổng đào tạo đại học, cao đẳng toàn phần cho con em người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Đến nay, đa số các em đã tốt nghiệp và trở về Campuchia làm việc.
Riêng trong 2 năm 2020 và 2021, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, tỉnh đã hỗ trợ Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia 400 triệu đồng và 2 ngàn khẩu trang N95 phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Ông Sim Chy mong muốn trong thời gian tới, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai.