Kết nối liên thông, thực hiện Đề án 06

Cuối tháng 4 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% dân số trong độ tuổi cấp. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử không chỉ với Hà Nam mà còn đối với cả nước, góp phần đẩy nhanh phát triển xã hội số, Chính phủ số.

Công an tổ chức cấp Căn cước công dân. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều đơn vị, địa phương chưa đạt được kết quả như mong muốn do vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Những nút thắt này tiềm ẩn nguy cơ gây chậm, muộn quá trình triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), cần được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, hiện có 224 dịch vụ công đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Hiện 99% thông tin cư dân đã được thu thập và có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng, nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng, góp phần đưa ra những chỉ tiêu số phục vụ cho quản lý, điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình triển khai Đề án 06, nhiều địa phương đã có những cách làm hay. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình “Dịch vụ công trực tuyến” tại 100% đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Cà Mau triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh”.

Riêng Hà Nội thành lập tổ công tác hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động của Bộ Nội vụ đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Công an xây dựng Kế hoạch triển khai mô hình điểm trên địa bàn.

Tuy nhiên, đánh giá của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháng 4 cho thấy, vẫn còn một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, chưa làm hết trách nhiệm, cũng như phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của người đứng đầu.

Việc giao trách nhiệm chỉ tiêu chưa cụ thể, chưa rõ người, rõ việc, rõ thời gian, nên kết quả còn chung chung.

Việc giao trách nhiệm chỉ tiêu chưa cụ thể, chưa rõ người, rõ việc, rõ thời gian, nên kết quả còn chung chung. Nhìn chung, việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương đều bị chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch. Điều này ảnh hưởng tới việc triển khai một số nhiệm vụ, như số hóa, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và một số nhiệm vụ khác.

Quá trình thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa của các sở, ngành và bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Một trong những nguyên nhân là chưa có tính năng số hóa của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan.

Việc ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ, thành phần hồ sơ số hóa chưa được các bộ chủ quản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 sửa đổi 19 Nghị định liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu giấy nhưng việc rà soát, sửa đổi các văn bản dưới Nghị định còn chậm; chưa hoàn thiện thể chế liên quan đến số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Trong tổng số 1.146 thủ tục hành chính yêu cầu đơn giản hóa đến nay mới sửa đổi, đơn giản hóa được 288 thủ tục hành chính, đạt 34%. Bên cạnh những tồn tại trên, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cũng chỉ rõ các yêu cầu về đầu tư hạ tầng, phần mềm, trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số, công dân số, xã hội số, Chính phủ số.

Cụ thể, có 24 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đầu tư, triển khai hệ thống. Hiện có 43/63 địa phương thuê doanh nghiệp triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Phần lớn các địa phương thuê dịch vụ của các nhà cung cấp lớn, có 20/63 địa phương tự đầu tư thiết bị, hạ tầng triển khai hệ thống.

Đa số bộ phận một cửa các cấp chưa đáp ứng về trang thiết bị, nhất là các thiết bị phục vụ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Bộ Công an cũng tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, xác thực và làm sạch dữ liệu.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô chỉ rõ: Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện mới có 5 bộ đáp ứng toàn bộ các yêu cầu, số còn lại mới chỉ đáp ứng một phần hoặc chưa khắc phục điểm yếu bảo mật; chưa sẵn sàng cho công tác số hóa và đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử. Về dịch vụ công: Mặc dù đã đạt được các kết quả quan trọng, nhưng người dân còn khó khăn trong thực hiện, dẫn đến mất niềm tin.

Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện mới có 5 bộ đáp ứng toàn bộ các yêu cầu, số còn lại mới chỉ đáp ứng một phần hoặc chưa khắc phục điểm yếu bảo mật; chưa sẵn sàng cho công tác số hóa và đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử.

Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô

Nguyên nhân chủ yếu do các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm chuyển đổi quy trình nên chưa thuận lợi, đơn giản. Bên cạnh đó là khó khăn trong nguồn lực, kinh phí, nhân lực để thực hiện, dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhưng việc rà soát còn chậm.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá về công tác thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của Công an 14 tỉnh, thành phố, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ khẳng định: Vai trò của việc tạo lập dữ liệu rất quan trọng trong chuyển đổi trạng thái để kết nối liên thông.

Tất cả những vướng mắc trên cần nhanh chóng được giải quyết mới có thể đáp ứng yêu cầu liên thông, trực tuyến phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành. Các sở, ngành, địa phương chuẩn bị nhanh hạ tầng, bảo đảm kết nối; rà soát và “làm sạch” những quy trình, quy định có liên quan; đôn đốc các ngành tạo lập dữ liệu cũng như chuẩn bị nhân sự ở từng vai, từng cấp để phục vụ những dịch vụ công, kết nối liên thông.

Công an 14 tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy trách nhiệm vai trò thường trực, tiên phong, gương mẫu đi đầu 4 cấp ở 3 nhóm nội dung “đúng, đủ, sạch, sống”, phủ sóng 100% căn cước công dân.

Nguồn:https://nhandan.vn/ket-noi-lien-thong-thuc-hien-de-an-06-post753804.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/583523-ket-noi-lien-thong-thuc-hien-de-an-06.html