Kết luận ban đầu nguyên nhân làm cả trăm tấn tôm hùm, cá chết ở Phú Yên

Kết quả đo đạc ở khu vực đầm Cù Mông cho thấy trên diện tích nhỏ nhưng có hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại khiến môi trường ô nhiễm, nước lưu thông kém.

Ngày 24-5, nguồn tin của PLO cho biết Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Viện 3, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), đã có báo cáo nhanh về tình hình tôm hùm, cá biển nuôi lồng chết tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Theo đó, ngày 22-5, đoàn công tác Viện 3 đến thôn Vịnh Hòa và Phủ Dương, thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu để khảo sát, đo đạc hiện trường và thu mẫu ở các vùng nuôi tôm hùm, cá biển tại đầm Cù Mông.

 Tôm thương phẩm chết hàng loạt trên đầm Cù Mông. Ảnh: CL

Tôm thương phẩm chết hàng loạt trên đầm Cù Mông. Ảnh: CL

Kết quả cho thấy vùng nuôi tôm hùm, cá biển bị chết có cửa vịnh thông ra biển hẹp (cửa đầm Cù Mông), số lượng lồng nuôi lớn (khoảng hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại).

Mật độ, số lượng lồng nuôi quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém; lồng đặt tại vùng nuôi có độ sâu thấp so với qui định (≥ 6 m khi nước ròng).

Khảo sát cũng cho thấy nền bùn đáy có mùi hôi thối và có cả hiện tượng chình biển, cá biển các loại ngoài tự nhiên cũng bị chết trong vùng khảo sát.

Kết quả đo đạc các thông số hiện trường cho kết quả là hàm lượng ôxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm, cá biển tại thời điểm khảo sát. Nhiệt độ nước đo được cũng cao hơn so với cùng kỳ tháng 5-2022.

 Người dân bần thần khi tôm chết hàng loạt, nguy cơ lâm vào nợ nần. Ảnh: CL

Người dân bần thần khi tôm chết hàng loạt, nguy cơ lâm vào nợ nần. Ảnh: CL

Từ kết quả trên, Viện 3 kiến nghị chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích; thu hoạch số tôm hùm, cá biển đã đạt kích cỡ thương phẩm; đưa các lồng không còn tôm hùm, cá biển nuôi lên khỏi mặt nước nhằm tăng khả năng lưu thông của nước khi nước lớn, nước ròng,

Cạnh đó cần nâng lồng nuôi lên gần mặt nước, che mát lồng nuôi, đồng thời chủ động chuẩn bị máy sục khí, bình ôxy hạt ôxy phòng khi tôm hùm, cá biển nuôi bị ngộp do ôxy thấp cục bộ; làm vệ sinh, thu gom tôm, cá chết ngoài tự nhiên, rác thải, thức ăn dư thừa đưa lên khỏi thủy vực vùng nuôi.

Cùng ngày, UBND thị xã Sông Cầu cho biết đã có báo cáo về thiệt hại của người dân trên địa bàn do tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết.

 Người dân thu gom cá, tôm chết bán gỡ gạc vốn đã bỏ ra. Ảnh: CL

Người dân thu gom cá, tôm chết bán gỡ gạc vốn đã bỏ ra. Ảnh: CL

Theo UBND thị xã Sông Cầu, đến chiều 23-5, trên địa bàn có bốn xã xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết gồm Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Đài và Xuân Thành, với số lượng 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá. Tổng thiệt hại ước tính hơn 38,4 tỉ đồng.

Xã Xuân Thịnh bị thiệt hại nặng nhất với 192 hộ, trong đó số lượng tôm bị chết hơn 64 tấn, còn cá gần 40 tấn.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/ket-luan-ban-dau-nguyen-nhan-lam-ca-tram-tan-tom-hum-ca-chet-o-phu-yen-post792329.html