K'Ðảo - nông dân sản xuất giỏi trong vùng sâu Ðạ Huoai
Nhờ làm vườn, mỗi năm trung bình gia đình Chi hội trưởng nông dân K'Ðảo (người Châu Mạ), ở xã Phước Lộc - vùng sâu Ðạ Huoai có thu nhập gần 300 triệu đồng và con số này sẽ tăng lên khi vườn sầu riêng của ông bắt đầu ra trái.
Theo chân ông Đinh Hồng Toàn - cán bộ khuyến nông xã Phước Lộc - Đạ Huoai, chúng tôi đến thăm nhà K’Đảo - một nông dân sản xuất giỏi ở thôn Phước Trung của xã.
Đó là một ngôi nhà xây khang trang, phòng ốc ngăn nắp, sân nhà sạch sẽ, trước sân là hàng tre xanh râm mát làm giảm bớt cái nắng gắt những ngày đầu hè.
Năm nay 51 tuổi, người Châu Mạ địa phương, K’Đảo không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi của xã mà còn là Chi hội trưởng nông dân và là người đi đầu trong nhiều hoạt động phong trào tại thôn Phước Trung này.
K’Đảo hiện đang canh tác 3 ha đất, trong đó có hơn nửa diện tích đang trồng điều, dưới tán vườn điều trồng xen chè, vườn chè đã cho thu hoạch khá ổn định trong vài năm nay; một nửa diện tích đất còn lại đang đầu tư trồng sầu riêng.
Là nông dân gắn bó lâu năm nơi đây, K’Đảo biết rõ sự chuyển biến tích cực của vùng đất Phước Lộc này. “Ngày trước nơi đây chỉ toàn trồng lúa, bắp, năm được, năm mất, có những năm mất mùa con cái không có gì ăn để đến trường, cứ quanh quẩn với cha mẹ bên nương rẫy” - ông kể lại.
Cây điều, theo ông đã từng là một cứu cánh cho cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng đất này. Chính nhờ người người trồng điều, nhà nhà trồng điều mà đời sống người dân nơi đây đỡ hẳn. “Nhờ trúng điều nhiều người làm được nhà, mua xe máy, sắm sửa trong nhà, con cái cũng được đến trường ăn học” - ông kể.
Tuy nhiên, trong vài năm nay, cây điều nơi đây đối mặt với chuyện sâu bệnh, thời tiết, mất mùa. Là chi hội trưởng nông dân, K’Đảo đã cùng các cấp tích cực vận động người dân trong thôn chuyển đổi cây trồng, chuyển diện tích vườn điều già cỗi sang các cây trồng khác có thu nhập cao hơn. Một trong những cây trồng đáng chú ý là trồng xen chè dưới tán điều.
Gần đây, bên cạnh cây chè, các cấp hội trong đó có ông cũng vận động người dân trong thôn trồng các loại cây ăn trái giá trị như mít nghệ, chôm chôm, măng cụt và nhất là trồng sầu riêng. Bản thân ông cũng tự chuyển đổi đất điều cằn cỗi sang trồng gần 1,5 ha loài cây ăn trái giá trị cao này, đến nay đã gần 3 năm, vườn ông cây sầu riêng phát triển rất tốt.
Như K’Đảo nhận xét, trồng sầu riêng cũng chẳng khó lắm. “Trồng cây gì thì cũng cần phải có kỹ thuật. Sầu riêng không khó trồng, quan trọng là nắm được kỹ thuật ban đầu, công chăm sóc cũng không nhiều mà hiệu quả kinh tế lại cao” - ông chia sẻ.
Để chuyển đổi cây trồng, ông đã cùng cán bộ khuyến nông trong xã đến từng gia đình trong thôn vận động tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc cây trồng do Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức ở xã.
Theo kinh nghiệm mình có, ông khuyên bà con trong thôn với diện tích đất nằm ở đồi cao, người dân nên giữ nguyên diện tích trồng điều, còn nơi thấp, gần nguồn nước suối hoặc có thể đào ao tưới được thì chuyển đổi cây điều sang trồng cây sầu riêng để dễ chăm sóc hơn.
Với gia đình ông, bên cạnh trồng điều, trồng chè dưới tán điều và trồng sầu riêng với một số cây đã có trái, trong vườn ông còn có thêm ca cao được trồng trong nhiều năm nay. Việc kết hợp trồng xen nhiều loại cây trong vườn theo ông đã phần nào giúp có thêm thu nhập, mỗi thứ 1 ít, “vì lỡ cây này mất mùa mất giá thì còn cây khác bù vào”. Không chỉ dừng lại ở mức thu nhập gần 300 triệu đồng như hiện nay, gia đình ông vài năm đến sẽ nâng mức thu nhập này lên khi sầu riêng cho rộ trái.
Nhiều năm nay, K’Đảo còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác cây trồng và chăm sóc cây điều với 30 thành viên, tổ hợp tác này thường xuyên duy trì các cuộc họp trong đó các thành viên chia sẻ cách chăm sóc cây, xịt thuốc, bón phân, tỉa cành, tạo tán, bón phân thâm canh cây điều. Nhờ những kinh nghiệm chia sẻ này các thành viên trong tổ biết cách khắc phục bệnh trên cây điều, hạn chế phần nào dịch bệnh, tăng năng suất cây điều trên diện tích mình canh tác.
Không chỉ nhiệt tình trong công tác khuyến nông, K’Đảo còn tích cực vận động người dân và hội viên trong thôn xây dựng thôn buôn văn hóa, vận động mọi người cùng tham gia ngày “Chủ nhật vì môi trường” do xã phát động, cùng người dân trong thôn thu gom rác thải, vận động con em trên địa bàn có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường.
Người dân thôn Phước Trung gần đây còn tham gia trồng cỏ lạc, trồng hàng rào xanh trước cửa nhà để tạo bóng mát, tạo thêm màu xanh cho đường làng ngõ xóm.
Như ông Đinh Hồng Toàn cho biết, K’Đảo không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, một người tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương mà còn là một chi hội trưởng nông dân góp công sức lớn trong việc chuyển đổi giống cây trồng tại thôn Phước Trung này. Trên địa bàn Phước Lộc hiện nay, nhờ thúc đẩy việc chuyển đổi cây trồng với những người tích cực vận động như ông mà xã vùng sâu này đã có trên 66 ha sầu riêng, trong đó nhiều vườn đã đi vào thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, ông K’Đảo đã được xã và huyện Đạ Huoai tuyên dương, là một trong những nông dân điển hình của xã vùng sâu Phước Lộc.
Nhưng với K’Đảo, trong câu chuyện của mình, niềm vui của ông chính là thấy cuộc sống của người dân trong cộng đồng mình đi lên. “Đất đai nơi đây nếu chăm sóc tốt sẽ rất màu mỡ, tôi chỉ mong là ngày càng có nhiều người trong thôn kinh tế khá giả hơn nhờ chuyển đổi cây trồng” - ông cười.