Isaac Newton đã khám phá ra 'chất keo' gắn kết vũ trụ

Mô hình cơ động học hệ Mặt Trời được chế tạo khoảng 1712. Newton đã nghĩ về hệ Mặt Trời như cỗ máy khổng lồ. Ông không chắc Chúa có can thiệp vào sự vận hành của cỗ máy hay không.

 Newton thường ngồi trong vườn cây ăn quả sau nhà, điền trang Woolsthorpe Manor ở Lincolnshire, nước Anh. Ảnh trong sách.

Newton thường ngồi trong vườn cây ăn quả sau nhà, điền trang Woolsthorpe Manor ở Lincolnshire, nước Anh. Ảnh trong sách.

Khi Isaac Newton mới ba tuổi, cha qua đời và mẹ cậu kết hôn lần nữa. Người mẹ chuyển đến sống ở làng bên, để cậu bé ở lại với bà ngoại. Newton thấy không vui. Cậu thường ngồi trong vườn cây ăn quả sau nhà, điền trang Woolsthorpe Manor ở Lincolnshire, nước Anh, gặm nhấm nỗi căm hận người cha dượng.

Năm 1653, khi Newton lên 10, mẹ cậu trở về nhà. Bà muốn cậu biết đỡ đần gia đình nhưng cậu chỉ muốn đọc sách. Cuối cùng bà cũng sửa soạn hành lý đưa cậu bé đến trường. Newton không học gì nhiều ở trường ngoại trừ tiếng Latin, nhưng tiếng Latin lại chính là ngôn ngữ của khoa học. Chắc chắn là cậu đã cần tới nó khi đến Đại học Cambridge. Có quá nhiều thứ để đọc ở đó.

Tuy những gì được giảng dạy trong giờ học chính thức đã lỗi thời, nhưng Newton đã tự học về khoa học mới của Galileo, Descartes và những người khác. “Plato là bạn của tôi, Aristotle là bạn của tôi”, cậu viết trong cuốn sổ tay, “nhưng người bạn tốt nhất của tôi là sự thật”.

Ngay sau khi Newton tốt nghiệp vào năm 1665, bệnh dịch hạch ập đến khiến mọi người phải rời Cambridge. Vậy là Newton trở lại Woolsthorpe. Vườn cây ăn quả vẫn còn đó, và chàng thanh niên Newton lại tiếp tục ngồi đó, trong đầu tràn ngập những câu hỏi khoa học. Một trong số đó là: “Thứ gì giữ các hành tinh ở trong quỹ đạo của chúng?”.

Khi Newton suy nghĩ về điều này dưới những gốc cây cổ thụ, với các thiên thể như Mặt Trăng choán hết tâm trí, thì một quả táo rơi xuống. Phải là một thiên tài như Newton mới thấy được mối liên hệ. Mặt Trăng tiếp tục quay quanh Trái Đất bởi vì, giống như quả táo, nó đang rơi. Lực hấp dẫn đã bẻ cong đường đi của Mặt Trăng hướng về phía Trái Đất thay vì tiếp tục rơi theo đường thẳng. Và những gì có tác dụng với Mặt Trăng cũng có tác dụng đối với các hành tinh quay quanh Mặt Trời.

Newton đã có thể chỉ ra rằng lực hấp dẫn trở nên yếu hơn theo tỷ lệ với bình phương khoảng cách. Nói cách khác, một hành tinh ở xa Mặt Trời gấp đôi so với hành tinh khác sẽ chỉ chịu tác động một phần tư lực; nếu nó ở xa gấp ba lần, lực tác động sẽ là một phần chín, và cứ như thế.

Những người khác cũng từng đưa ra nhận định tương tự, nhưng Newton đã đi xa hơn. Bằng cách sử dụng những phép toán chính xác mới do chính ông nghĩ ra cùng các định luật chuyển động, Newton đã chứng minh lực hấp dẫn có thể dùng để giải thích cho quỹ đạo của tất cả các hành tinh. Đó là chất keo gắn kết vũ trụ lại với nhau.

Năm 1687, Newton xuất bản cuốn sách Mathematical Principles of Natural Philosophy (Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), thường được gọi là Principia, một dạng rút gọn của tiêu đề tiếng Latin. Trong đó, ông giải thích ba định luật cơ bản, thứ chi phối chuyển động của các vật thể cùng lý thuyết về lực hấp dẫn và vũ trụ. Nhưng vũ trụ cá nhân của riêng Newton thì lại không được trật tự như vậy.

Ngay trước khi công bố, một nhà khoa học khác là Robert Hooke đã cáo buộc ông sao chép ý tưởng của ông ta. Newton không bao giờ tha thứ cho ông ta. Cũng giống như sự căm hận ông dành cho kẻ đã cướp mẹ mình, giờ ông lại khinh bỉ kẻ đang muốn cướp đi vinh quang của mình.

Theo định luật vạn vật hấp dẫn, khối lượng của Mặt Trăng lớn hơn khối lượng của một quả táo vô vàn lần. Tuy nhiên, cả hai đều tuân theo cùng một định luật về trọng lực.

Newton tin rằng các thấu kính sẽ không bao giờ tạo ra một viễn vọng hữu hiệu, vì vậy, ông đã thiết kế một kính viễn vọng thay thế bằng gương. Đến nay đó vẫn là một thiết kế phổ biến.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/isaac-newton-da-kham-pha-ra-chat-keo-gan-ket-vu-tru-post1390743.html