Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xuống thang: Tâm bão địa chính trị ở Đông Địa Trung Hải sẽ tan?

Động thái tích cực từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây liệu có giúp 2 nước tìm ra một tiếng nói chung nhằm giải quyết những căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải?

Động thái tích cực từ hai phía

Từ năm 2020, mối quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên tồi tệ sau các xung đột về vấn đề di cư, thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Libya hay việc thăm dò tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải. Cả hai bên đều cho rằng, những xung đột kéo dài sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và việc tìm ra một tiếng nói chung thông qua đàm phán song phương được cho là giải pháp cấp thiết để cứu vãn mối quan hệ giữa Ankara và Athens.

Bộ trưởng ngoại giao Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tiến tới bình thường hóa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Sau một thời gian dài leo thang căng thẳng vì vấn đề tranh chấp lãnh hải, vấn đề người di cư, cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước tại thủ đô Athens của Hy Lạp có những chiều hướng tích cực khi hai bên đã thể hiện động thái cởi mở hơn và nhất trí tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như thương mại, năng lượng, môi trường…, qua đó tiến tới bình thường hóa mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đây cũng là tiền đề cho cuộc đàm phán tiếp theo giữa Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 14/6.

Nhìn vào những hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích nhận định, Ankara có động cơ rất rõ ràng khi ngồi vào bàn đàm phán với Hy Lạp, đó là thể hiện thiện chí với Liên minh châu Âu trước thềm cuộc họp Thượng đỉnh của khối vào cuối tháng 6, đồng thời tránh được nguy cơ bị EU áp đặt các biện pháp trừng phạt vì các hành động khiêu khích trong thời gian vừa qua. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để Ankara cải thiện hình ảnh của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã ít thể hiện sự quan tâm tới Ankara hơn người tiền nhiệm Donald Trump.

Những khác biệt khó giải quyết

Dù đồng ý tiến tới bình thường hóa quan hệ, song Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều thừa nhận vẫn còn sự khác biệt về lập trường trong một số vấn đề, đặc biệt là tranh chấp lãnh hải. Vì vậy, giới chính trị gia lo ngại tranh chấp này có thể là yếu tố khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp thiếu bền vững và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại căng thẳng từng xảy ra vào cuối năm ngoái. Bởi lẽ, các xung đột hiện nay giữa hai quốc gia Đông Địa Trung Hải rất khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều, thậm chí là một vài năm tới.

Một cuộc tập trận chung của Hy Lạp, Italy, CH Síp và Pháp được tổ chức từ ngày 26 - 28/8/2020 ở phía đông biển Địa Trung Hải. Ảnh: AP

Trước hết là vấn đề người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) đã không thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp tài trợ cho người di cư và tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của thỏa thuận năm 2016 nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư vào các nước EU. Mặt khác, từ đầu năm tới nay, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm các quy định quốc tế về ứng xử với người di cư. Điển hình từ đầu tháng 4/2021, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp dùng vũ lực đẩy hơn 230 người di cư trở lại biển Aegean. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách cố tình đẩy các tàu chở người di cư vào lãnh hải của Hy Lạp. Thậm chí, Bộ trưởng Di trú Hi Lạp từng tuyên bố lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp nhận được báo cáo lực lượng hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã hộ tống các tàu di cư tới biên giới châu Âu trong nỗ lực nhằm kích động leo thang với Hy Lạp.

Thứ hai là vấn đề tranh chấp tài nguyên biển hiện nay. Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tại Địa Trung Hải đã có lịch sử nhiều thập kỷ trước, mở đầu là sự kiện ngày 1/11/1973 khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số công ty khai thác dầu mỏ của nước này khai thác dầu trên 27 khu vực ở thềm lục địa biển Aegean. Từ đó đến nay, xung đột vẫn thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt, số vụ “đụng độ” tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013, khiến cho khu vực này trở thành 1 trong 7 điểm nóng trên biển của thế giới. Tháng 8/2020, tàu thăm dò Oruc Reis tiến hành thực hiện khảo sát tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải, khiến cho căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm, các cuộc tập trận trên biển diễn ra làm cho cả thế giới cùng hướng về Đông Địa Trung Hải.

Sau khi quốc tế lên tiếng và EU dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay thì Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm bớt các hành động khiêu khích. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên phong phú ở Đông Địa Trung Hải, mồi lửa tranh chấp vẫn âm ỉ khi hai quốc gia này chưa thể tìm một tiếng nói chung để hóa giải mâu thuẫn về phân định biên giới trên biển. Do đó, việc tiến tới bình thường hóa quan hệ sẽ thực sự gặp trở ngại khi chưa thể tìm ra một giải pháp phù hợp hiện nay.

Vai trò của EU trong giải quyết căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Để giải quyết được các bất đồng hiện nay tại khu vực này thì Liên minh châu Âu có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ đây không chỉ là vấn đề của riêng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn liên quan tới nhiều quốc gia EU, đặc biệt trong vấn đề di cư; tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế ở Đông Địa Trung Hải.

Liên minh châu Âu luôn mong muốn thể hiện được vai trò trong việc tháo gỡ nút thắt ở Đông Địa Trung Hải. Từ tháng 8/2020 tới nay, EU đã liên tục đứng ra hòa giải và họp bàn tìm cách giải quyết vấn đề giữa hai quốc gia thành viên NATO này. Cuối tháng 1/2021, lần đầu tiên sau 5 năm, Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ đã nối lại đàm phán để giải quyết các tranh chấp về lãnh hải ở khu vực Đông Địa Trung Hải dưới sức ép của Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, đến nay vẫn không có tiến triển rõ nét sau vòng đàm phán thứ 61.

Ảnh minh họa.

Đối với Hy Lạp, Liên minh châu Âu là điểm tựa vững chắc để nước này có thể đòi quyền lợi hợp pháp của mình ở Đông Địa Trung Hải. Trong một số tuyên bố gần đây, EU luôn thể hiện sự đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ Athens trong các cuộc đàm phán với Ankara nhằm giải quyết những tranh chấp lâu đời về hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải. Bên cạnh việc vận động, thuyết phục hai bên cùng tham gia đàm phán, EU vẫn luôn thể hiện rõ ràng động thái cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ để trấn an đồng minh và ngăn chặn các hành động khiêu khích làm gia tăng thêm căng thẳng ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một mối quan hệ hết sức đặc biệt. Với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng khẳng định, EU mong muốn xây dựng quan hệ tích cực với Ankara. Do đó, việc giải quyết các vấn đề trên bàn đàm phán sẽ là tiền đề giải quyết cho mối quan hệ không mấy tốt đẹp thời gian qua giữa EU – Ankara.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu dù việc này sẽ còn gặp nhiều trắc trở do những bất đồng giữa các thành viên EU. Ngay cả vấn đề trừng phạt Ankara cũng đang là chủ đề gây chia rẽ giữa các thành viên trong EU. Trong khi nhiều quốc gia thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thì một số nước khác lại lo ngại nếu ứng xử không phù hợp thì chính châu Âu sẽ tự đẩy mình vào cơn ác mộng khủng hoảng nhập cư năm 2015.

Như vậy, Liên minh châu Âu có một sứ mệnh không hề dễ dàng đó là xây dựng một chiến lược hài hòa để một mặt thể hiện cứng rắn bảo vệ quyền lợi của quốc gia thành viên là Hy Lạp, mặt khác vẫn có cách tiếp cận mềm mỏng để cải thiện mối quan hệ vốn “rất mong manh” với Thổ Nhĩ Kỳ./.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hy-lap-va-tho-nhi-ky-xuong-thang-tam-bao-dia-chinh-tri-o-dong-dia-trung-hai-se-tan-863100.vov