Huyền thoại những 'ông' Kè xứ Thanh

Trong sâu thẳm kí ức của một 'lão nông tri điền' như ông Nguyễn Văn Thà, người sống ở thôn Phú Sơn xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa thì hình ảnh những 'ông' Kè ở xứ Thanh chẳng khác gì như những báu vật xanh đã trở thành huyền thoại của quê hương...

“Hàng Kè soi bóng trên sông
Lá xanh thân thẳng, mềm lòng nhớ quê
Tuổi thơ kí ức dội về
Sông quê tắm mát, triền đê thả diều…”

Đó là những câu ca mà người dân xứ Thanh đều thuộc nằm lòng nói về cây Kè - biểu tượng của tinh thần, lịch sử, văn hóa xứ Thanh. Đúng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng nhận xét: “Với núi sông thắng tích cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”. Chỉ riêng vẻ đẹp của những đồi Kè nơi đây cũng đủ làm say đắm lòng người...

Xứ sở khát vọng

Được biết đến là vùng đất địa đầu của miền Trung kiên dũng, kết nối với miền Bắc khơi nguồn, xứ Thanh giống như cửa ngõ rộng mở để đón nhận người từ nơi khác đến. Với bất kì ai đã từng đến và sống ở đây thì đều có chung một sự gắn bó và mến yêu tha thiết đối với mảnh đất này. Rồi nếu phải đi xa thì đất - nước - con người - cuộc sống ở đây sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ, thân thuộc đến mức không thể nào quên.

Mỗi tên đất tên làng hay những địa danh xứ Thanh đều thấm đẫm những giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền không thể lẫn với bất kỳ đâu được. Xứ Thanh không chỉ giàu có về đặc sản mà còn phong phú về cảnh đẹp thiên nhiên. Cho nên từ lâu, người ta vẫn xem xứ Thanh như người bạn tình, tri kỷ không thể nào dứt được ra được. Sống xa xứ Thanh, nhưng họ vẫn nhớ mong và khát vọng thiết tha đến những cái đẹp quyến rũ, cái đẹp say lòng của cảnh sắc nơi đây. Có thể nói, cảnh trí thiên nhiên mỹ lệ của xứ Thanh hài hòa và thơ mộng đến tuyệt diệu. Đó chính là bức tranh sơn thủy khổng lồ hoàn hảo và lung linh đủ sắc màu sinh động của đồng ruộng - núi - sông - xóm làng - biển cả và hải đảo.

Tĩnh Gia là huyện phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, với địa hình bán sơn địa, bao gồm các hang động hoang sơ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đường bờ biển dài, dải cát mịn, cùng quần thể các hòn đảo, cửa lạch, cảng biển lớn đã tạo cho Tĩnh Gia tiềm năng về du lịch và lợi thế đặc biệt để phát triển các ngành dịch vụ. Ðến với Tĩnh Gia, du khách không quên ghé thăm những địa danh nổi tiếng như: biển Hải Hòa, động Trường Lâm, Đền thờ Quang Trung, Chùa Đót Tiên, Nhà thờ Ba Làng... Tất cả tạo thành quần thể du lịch vô cùng độc đáo, đó là những di sản mà đất và người xứ Thanh luôn tự hào…

Mảnh đất xứ Thanh mang đậm những giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền

Những “kỵ sĩ” hộ làng

Ở vùng Nam Thanh Hóa, có loại cây mà không mấy người biết đến, đó chính là cây Kè. Thật tiếc cho những ai chưa một lần được ngắm vẻ đẹp hoang sơ, mê hồn của những đồi Kè thấp thoáng trên cánh đồng lúa mênh mông hay bóng Kè in trên dòng sông quê thơ mộng. Để khảo cứu về loài cây này, chúng tôi tìm về thôn Phú Sơn (xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) – Nơi còn bảo tồn vài ngàn cây Kè, điều mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Cây Kè có tên khoa học là Livistona rotundifolia; họ thực vật: Arecaceae (Cau); nguồn gốc xuất xứ: cây đặc hữu Việt Nam; Cây Kè mọc nhiều ở một số vùng nông thôn Thanh Hóa như huyện Triệu Sơn, Như Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương. Cây Kè là loại thân gỗ hình trụ mọc thẳng đứng, cao đến 20m, đơn thân. Thân có nhiều gai dày do cuống lá rụng để lại, thân già nhẵn với các sẹo đều đặn. Rễ Kè to bám sâu vào lòng đất như một sự khẳng định tình cảm thủy chung son sắt. Lá hình quạt lớn, đến 2m. Cuống dài mảnh có gai dài, cứng, màu nâu bóng. Cụm hoa dày đặc hình chùy. Hoa lưỡng tính, tập trung 3 – 5 quả ở một điểm. Quả hình cầu có gốc bao hoa còn lại...

Hiếm có một loại cây nào lại có sức sống quật cường như cây Kè xứ Thanh. Nó có thể sống và thích nghi được với mọi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt khác nhau. Nó có thể sống được dưới nước, trên cạn, đầm lầy, núi đá, đất cằn... Ở Tĩnh Gia, cây Kè được trồng ở nhiều nơi như sau nhà, dọc đường đi, bờ đê, bờ ruộng, nhiều nhất là ở các gò đất giữa cánh đồng lúa.

Những cây Kè trăm tuổi ở thôn Phú Sơn trải qua bao nhiêu sự tàn phá của thiên tai địch họa, loài Kè vẫn đứng đó như những kỵ sĩ “hộ” làng từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Đối với những người dân nơi đây, qua bao dông tố, nắng mưa thân Kè vẫn vươn mình đứng thẳng hiên ngang giữa đất trời như một chứng nhân của lịch sử. Nó chứng kiến biết bao thăng trầm của đất và người nơi đây...Không chỉ có vậy, cây Kè còn mang những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc trưng vùng miền và gắn bó mật thiết với đời sống của con người nơi đây.

Mặc cho sự tàn phá của thiên tai, cây Kè vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời như chàng "kỵ sĩ" hộ làng

Hình dáng cây Kè giống cây dừa, thốt nốt, cọ...Lá kè thường được dùng để lợp nhà có tác dụng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thân cây dùng làm cột nhà, đũa ăn cơm và nhiều vật dụng gần gũi với nhà nông. Là Kè còn được dùng để trang trí, gói các loại bánh cổ truyền của địa phương…Cũng bởi công dụng này mà cây Kè đã gắn bó mật thiết với đời sống của cư dân địa phương. Tuổi thơ của bao người nơi đây đã gắn bó thân thuộc với bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên về cây Kè.

Trong sâu thẳm kí ức của một "lão nông tri điền" như ông Nguyễn Văn Thà, người sống ở thôn Phú Sơn thì hình ảnh cây Kè ở quê hương ông chẳng khác gì như những báu vật xanh của quê hương hết sức thân thương gần gũi.

"Nhưng cây Kè trên đồng ruộng, dọc các lối đi trong làng, sau mỗi căn nhà khắp quê hương Phú Sơn không biết có tự bao giờ. Từ thủa niên thiếu chúng tôi vẫn thường cột trâu và ngồi chơi những trò chơi dân gian dưới những tàng cây Kè nối tiếp nhau. Cây Kè oằn mình che chở bảo vệ làng xã trước sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên. Những trận cuồng phong bão lũ hay những trưa hè nắng gắt như thiêu như đốt thì những bóng Kè hiền hậu "cây cao bóng cả" che chở cho dân làng. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, những cây Kè nơi đây lại xả thân đỡ lửa đạn cho dân làng. Trong kháng chiến chống Pháp, mỗi cây Kè là một đài quan sát của nghĩa quân. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ không biết đã bao nhiêu cây Kè đã ngã xuống che chở cho con người khỏi mưa bom bão đạn. Hòa bình lập lại, giang sơn yên bình dưới những gốc Kè đầu làng là nơi hò hẹn bao nam thanh nữ tú, nơi diễn xướng những điệu ví câu hò mang giai điệu quê hương...", ông Nguyễn Văn Thà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạt, một “thiết kế sư” của làng cho biết: “Trước những năm đổi mới, cây Kè có giá trị kinh tế, nhiều gia đình nhân giống trồng để lấy lá lợp nhà. Trước đây, cả vùng Tĩnh Gia nói chung và Các Sơn nói riêng chỉ có nhà tranh thì Kè là loại vật liệu duy nhất, lá Kè được đem về ủ, rồi lợp nhà, nhà lá có sức bền 20 năm mới phải lợp lại”.

Ông Đạt thổn thức rằng, trong ký ức người xứ Thanh, giờ nhà tranh vách đất không còn nữa, nhà mái bằng, biệt thự mọc lên san sát nhưng ký ức về mái nhà tranh lợp lá Kè còn đó, thỉnh thoảng nghe trong gió tiếng xào xạc lại gợi nhớ về mái nhà tranh xưa là thế.

Nhà báo Thành Văn là một người con của quê hương Tĩnh Gia, đã lâu anh chưa có dịp được thả hồn phiêu lãng trải lòng bên dòng sông quê nơi những hàng Kè soi bóng. Anh say sưa kể lại cho chúng tôi về ký ức tuổi thơ bên hàng Kè mọc trên những cánh đồng, dọc đường đi, bờ ruộng, sau nhà… Anh tự hào khi nhắc về cây Kè - một loại cây đặc trưng của vùng quê xứ Thanh. Nhà báo Thành Văn kể, mỗi độ nước lũ tràn về, có đợt nước “nuốt” trọn nhà cửa đất đai, hiếm hoi mới thấy một vài nóc nhà trong biển nước trắng xóa ấy, chỉ có cây Kè hiên ngang trước sức nước. Kè vươn mình nối giữa nhà nọ sang nhà kia, làng nọ sang làng kia, là dấu mốc “bờ cõi” để người dân phân biệt nông sâu mùa lũ.

Nhà báo Thành Văn - người con của quê hương Tĩnh Gia, chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả bài viết

Bây giờ, những người con xứ Thanh xa quê hương, mỗi lần ai đó ở quê đưa bức ảnh cây Kè lên mạng xã hội thì ai cũng muốn trở về càng nhanh càng tốt. Họ tâm sự rằng, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh cây Kè đều rất nhớ về quê hương với bao kỷ niệm gần gũi thân thương gợi về.

Anh Đậu Minh Hùng hiện đang là kế toán của Tổng công ty Than Đông Bắc (Quảng Ninh) tâm sự rằng: "Tuổi thơ của tôi gắn với nhiều kỷ niệm về cây Kè. Có những chiều đông rét cắt da, cắt thịt, mấy anh em rủ nhau dùng câu liêm (giống lưỡi liềm) cột vào chiếc sào đi giật những bai Kè khô còn lại trên cây để về làm củi đun. Tháng 3, khi lúa bắt đầu trổ bông, vác cần đi câu cá rô đồng, mấy anh em góp cá lại rồi chia nhau trèo lên để chặt bẹ Kè khô đốt lửa nướng cá dưới gốc Kè. Mùa hè được nghỉ học, thú vui của chúng tôi là trèo Kè bắt tổ chim, đánh trận giả ở bãi Kè ngay giữa đồng, chặt trộm lá Kè lấy cuống lá làm súng để đánh trận. Chơi mệt, chúng tôi mắc võng cói dưới gốc Kè ngồi, đem cơm nắm độn khoai lang khô với muối vừng ra ăn, xong đánh một giấc đến chiều. Có hôm trời mát ngủ quên cột trâu nhịn đói dưới gốc Kè, về nhà bị trận đòn no nê. Rồi có những đêm trăng mùa hè, theo mẹ ra đồng đi cấy, ngồi ở thảm cỏ dưới gốc Kè, gió thôi hiu hiu, tôi ngủ khi nào không hay, khi cấy xong rổ mạ mẹ gọi để về đã gần 10 giờ đêm..."

Trong ký ức của anh Hùng vẫn vấn vương những mái nhà bằng lá Kè mộc mạc đơn sơ bởi giờ đây hầu hết các gia đình đã tích cóp làm được nhà xây lợp ngói hoặc đổ mái bằng, không còn nhà nào lợp bằng Kè nữa. Dù vậy trên những cánh đồng, dọc đường đi, bờ ruộng, sau nhà, kè vẫn còn rất nhiều. Cây kè có thể xem là một loại cây đặc trưng của vùng quê Thanh Hóa. Những người con xứ Thanh xa quê, khi nhìn thấy hình ảnh cây kè chắc hẳn đều rất nhớ về quê hương với bao kỷ niệm gắn với loại cây gần gũi này. Nhưng không biết Kè có thể tồn tại được bao lâu nữa khi giá trị kinh tế của nó không còn? Rồi đây có lẽ cây Kè cũng chỉ còn trong ký ức như những cây đa, giếng làng, bụi tre, hàng rào râm bụt, hàng rào cúc tần… vì sự phát triển và thay đổi diện mạo nhanh chóng của các vùng nông thôn như hiện nay.

Về căn cứ khoa học, hiếm có loại cây hoang dại nào mà lại tự quần tụ hỗ sinh nhau dù ở trong môi trường nào những cây Kè xứ Thanh cũng tự tạo thành đồi cây. Một loài cây rất đặc biệt đã đi vào hò vè thơ ca trong dân gian và giai điệu bài hát trữ tình đương đại: "... Tôi bỗng vẫn nhớ hoài một loài cây. Sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh. Rừng giữ đất quê hương...". Cây Kè mang đầy đủ những khí chất đáng quý của người xứ Thanh: Chịu thương chịu khó, chung thủy nghĩa tình, thích nghi hoàn cảnh, đoàn kết tương trợ, trọng nghĩa khinh tài, vươn cao đứng thẳng... Tất cả đã tạo nên bản sắc, truyền thống văn hiến lâu đời của đất và người xứ Thanh.

Những dòng sông yên bình ở Tĩnh Gia

Cần bảo vệ những chàng… “kỵ sĩ”

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ văn minh Sông Mã đến văn hóa Đông Sơn rực rỡ đã hun đúc khí thiêng mà nảy sinh hiền tài, Thanh Hóa là quê hương - nơi phát tích của nhiều bậc đế vương, danh nho: Từ Bà Triệu, Dương Đình Nghệ tới Đại Hành Hoàng Đế Lê Hoàn đều là người xứ Thanh; Hồ Quý Ly người tạo dựng nhà Hồ (1400 - 1407); Thái Tổ nhà Hậu Lê (Lê Lợi); cho tới cả Trịnh - Nguyễn phân tranh cũng là anh em một nhà từ xứ Thanh mà ra. Những nhà văn hóa như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ chính là những minh chứng rõ nét cho truyền thống ấy.

Quả đúng như cố Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN từng nhận xét: "Trải chiều dài rộng khắp xứ Thanh, đâu đâu cũng đầy ắp những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mang dấu ấn lịch sử huy hoàng của cha ông thời nào cũng có. Những tàng cây cổ thụ soi bóng trên sông Mã anh hùng hay những đồi Kè thấp thoáng trong những ngôi làng mãi là những báu vật xanh mang bóng mát quê hương hồn Việt cho sinh khí tốt lành rất cần được chăm sóc bảo vệ như giữ mãi âm vang trống đồng Đông Sơn cổ kính linh thiêng...".

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Văn Vương – Chánh văn phòng UBND xã Các Sơn cho biết: “Quá trình xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh đã và đang tạo ra sự thay đổi diện mạo của mỗi làng quê Việt. Trong số cây cối và hệ sinh thái của địa phương đang được chính quyền ra sức bảo tồn, gây dựng, cây Kè tuy không còn giá trị kinh tế nhưng chúng tôi cũng đã nhiều trăn trở để bảo tồn loài Kè này, coi như giữ lại những nét đẹp làng quê Việt thân thuộc cho người dân. Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn cần sự đồng lòng của nhân dân để bảo vệ linh hồn làng giống như những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình... không để nó dần dần đi vào quên lãng”.

Với sự tôn thờ, trách nhiệm này của cán bộ, nhân dân Các Sơn, mong rằng ở nơi đây, những hàng Kè xứ Thanh với sức sống quật cường, với vẻ đẹp lay động lòng người vẫn vươn cao tỏa bóng đồng hành với nhịp sống của vùng đất "Địa linh nhân kiệt" trong bước đường thiên lý hôm nay...!

Theo Khỏe 365

Vương Xuân Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/huyen-thoai-nhung-doi-ke-xu-thanh-63676