Huyền thoại một vùng hồ

Sáng nay, khi chúng tôi bước ra xe để đến bến ca nô Hương Lý, nhà văn Hà Lâm Kỳ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái cười bảo: 'Hôm nay, tôi là người dẫn đường, sẽ đưa các anh đến với những huyền thoại một vùng hồ còn nằm sâu nơi đáy nước...'. 

Một góc hồ Thác Bà. Ảnh: H.Vinh

Chiếc ca nô xuyên qua màn sương, vượt qua làn gió, thẳng tới động Thủy Tiên, dài hơn 30 ki-lô-mét trên mặt nước trong xanh. Trước mặt hồ mênh mang, tôi đưa mắt đón nhận những con tàu, những đầu máy Đông Phong kéo sà lan chở đầy đá lặc lè hướng về nhà máy xi măng Yên Bình. Đâu đó ven đảo, ven hồ, những "ngôi nhà thuyền" di động thả rọ tôm, lưới cá, vội vã đón nước làm oằn mái chèo buổi sáng.

Tôi cứ lẩm nhẩm trong đầu mà không dám nói ra: "Đêm qua mưa gió "mát trời", lênh đênh chở niềm vui bồng lai trên núi làm ông bà thuyền chài dậy muộn để bây giờ mới vội vàng kéo lưới, ràng tôm lên thuyền cho kịp phiên chợ muộn...". Cái câu "Nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá" cứ lởn vởn đâu đây, cho tôi cố chun chun mũi lại tìm một chút mùi vị tanh tanh nơi mặt nước.

Những chiếc vó "bốn cọc" định dạng của một loại hình bắt cá đêm trên hồ, mà người dân nơi đây gọi là "vó đèn", thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mặt hồ. Loại vó đèn này nghe nói là một ngư cụ có thể bắt từ "A đến Z", khó có loại thủy sinh nào thoát khỏi, bởi mắt vó nhỏ, lại rộng tới cả nghìn mét vuông. Đúng là loại "cạm bẫy" có một không hai và cũng chỉ ở vùng hồ Thác Bà mới có...

Lương Văn Đức, người thị xã Nghĩa Lộ, vỗ vào vai tôi: "Anh nhìn xem, bên kia là dãy núi Cao Biền được mệnh danh là thắng cảnh Hạ Long trên miền Tây Bắc, "Hạ Long - Hồ Thác" đấy...".

Ca nô cặp bến Động Tiên, chúng tôi gặp đoàn khách tham quan của thành phố Hải Phòng. Các anh, các chị đều xấp xỉ ở cái tuổi "thất thập", cùng công tác ở Cục Dự trữ Quốc gia vùng Đông Bắc, "chán biển, lên rừng", hòa mình vào hồ ngọt, núi thơ. Anh Nguyễn Minh Hiền, 78 tuổi, người Vĩnh Bảo, Hải Phòng xem ra còn rất sung sức, bảo tôi: "Hồ đẹp, đẹp lắm, đẹp đến mơ màng, núi đảo cũng đẹp, đẹp như không có cái đẹp nào hơn. Nếu như người làm du lịch hồ Thác Bà chuyên nghiệp hơn nữa, những dịch vụ du lịch cũng tốt hơn thì hay biết mấy...".

Rồi đoàn khách hăm hở trèo lên đỉnh núi, nơi có tượng Quan âm bồ tát, để được tựa lưng vào gốc si nghìn tuổi mà ngắm hồ, ngắm đảo. Tôi ôm máy ảnh theo chân anh em vào Động Tiên, thăm hang Hội Trường, nghe đâu, chiếc hang này từng là hội trường, là nơi làm việc của Tỉnh ủy tỉnh Hoàng Liên Sơn trong thời kỳ máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc.

Tiếng máy ca nô nổ giòn tan, loang xa trên mặt nước hồ sóng sánh đưa chúng tôi theo dòng sông Chảy cổ xưa nằm sâu dưới lòng hồ hướng về đập thủy điện. Thăm thẳm dưới làn nước trong xanh kia là phố Đại Đồng, khi xưa thuộc châu Thu Vật, nơi buôn bán tấp nập sầm uất, trên bến dưới thuyền, nơi có chợ Ngọc, chợ Ngà, nơi có một thị trấn thanh bình, một vùng dân cư nằm ôm lấy hai bên bờ sông Chảy, một con sông được bắt nguồn từ dãy Tây Côn Lĩnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang, chảy ngược sang Vân Nam - Trung Quốc, rồi nhớ đất, nhớ người lại quay về núi quê, để có một vùng hồ chúng tôi đang đi.

Nghe đâu đấy, chợ Ngọc, chợ Ngà đã có từ rất lâu đời, từ thời nhà Mạc, nhà Bầu, là nơi buôn bán đá quý, ngọc quý và có cả ngà voi, sừng tê giác. Không những thế, bến Cát, phố Đại Đồng còn là nơi trung chuyển sản vật từ rừng cung cấp cho cả một vùng rộng lớn sông Hồng. Câu ca vẫn còn đâu đó để nhìn sâu vào đáy trời lộn ngược trong hồ mà nhớ: "Muốn ăn cơm trắng, nước trong/ Thì về bến Cát, Đại Đồng cùng anh". Bến Cát, Đại Đồng nằm giữa ngòi Ho và ngòi Loàn, ngay bên bờ sông Chảy, tạo ra một vùng thủy mặc đầy hưng thịnh.

Đã có lần tôi ngồi thâu đêm, suốt sáng để nghe cụ Hưng ở Đập Lăm, xã Hán Đà, Yên Bình, Yên Bái kể cho nghe cái nghề "xuống thác thuê" của cụ, một cái nghề chẳng giống bất cứ một nghề nào trên đời mà tôi từng gặp. Trong ánh lửa lòa nhòa của bếp củi, mùi sắn nướng thơm lừng, cụ gõ gõ cái cặp bếp vào mảnh chảo gang sao chè bên cạnh, rồi bảo: "Ngày ấy, có lẽ lão ở cái tuổi hăm lăm, hăm sáu gì đấy.

Thừa hưởng cái nghề "xuống thác thuê" của ông nội, của bố, nên có cuộc sống không đến nỗi lo cái ăn, cái mặc, nhưng lại có cái lo lớn hơn, mỗi lần "xuống thác thuê" là một lần vợ con đã thầm lo hậu sự cho mình. Cái ngày mà Thác Ông, Thác Bà còn nguyên vẹn chứ không như bây giờ. Nói là Thác Bà, tưởng là "đàn bà", là "phụ nữ" thì hiền, nhưng lại là con thác hung dữ nhất nhì ở trên dòng sông Chảy này.

Thế là kể cả những tay đi mảng, xuôi bè có hạng trên sông nước cũng đành phải "bỏ mũ chào thua", mà ngày nào chẳng có vài ba chục mảng gỗ, mảng tre, vầu, nứa xuôi dòng về với đồng bằng. Cũng chẳng biết cái nghề "xuống thác thuê" có từ khi nào, chỉ biết đời ông lão đã làm, đời bố lão đã làm, rồi đến lão và sau cùng là đời con lão. Cũng không ít người bỏ mạng ở Thác Bà, Thác Ông bằng cái nghề "xuống thác thuê" ở cái thời ấy và người ra đi cuối cùng là đứa con trai cả của lão...

Thật là oan khiên, cái dòng thác mà lão đã thuộc làu như trong lòng bàn tay, nó như nằm trên một đỉnh đá, mà không, nó nằm trên nhiều đỉnh đá. Nó chảy mạnh như chưa có dòng nước nào mạnh hơn thế, nó xuống hết tầng đá một rồi quay đầu lộn ngược sang đỉnh đá hai bên trái, lại lao sang đỉnh đá ba bên phải, ngược vào trong để cuối cùng rơi tự do xuống độ cao vài chục mét. Nếu không có tài cắm sào, đẩy mái, khui nước, bẻ mảng, cắt bè thì chỉ còn nước "tan xác pháo" mà thôi. Tất cả đều diễn ra nhanh như chớp, chỉ một sơ suất nhỏ, một bước chân hụt, một lần cắm sào không đúng lúc, đúng chỗ là đi tong cả người lẫn mảng...

Thế là theo chân ông cha, bước vào cái nghề được coi là "gia truyền cõi chết" ấy, lão cứ sáng sáng cơm đùm, cơm nắm ngược lên bến Cát, ngược lên phố Đại Đồng, nơi ấy có hàng trăm bè mảng, đủ loại, chờ thuê người xuống thác. Chẳng hôm nào là không có việc, trừ những ngày mưa quá to, gió quá lớn, lũ kéo về ầm ầm thì đành ngồi chờ con nước.

Khi hai bên đã ngã giá rồi, cùng nhau kiểm tra bè mảng, cùng nhau đẩy bè mảng ra khỏi ngòi Ho hay ngòi Loàn cho xuôi dòng. Đến gần Thác Bà, còn cách khoảng vài ba trăm mét là xuống thác, chủ mảng tạt vào bờ đi bộ, giao phó toàn bộ bè mảng cho người "xuống thác thuê". Mỗi ngày người khỏe, có nhiều kinh nghiệm thì xuống thác được hai mảng là cùng, còn lại đa số chỉ xuống được một mảng thôi, cháu ạ...".

Rồi chợ Ngọc, chợ Ngà hình thành cũng có cái cơ duyên của nó, một vùng đất nhiều tài nguyên rừng, lắm tài nguyên khác nằm sâu trong lòng đất. Cái gốc của chợ Ngọc, chợ Ngà để sau này khi hồ trữ nước, người dân làm nương trên đảo hồ, nhặt được đá quý ngay mép đảo đã tạo ra một cơn sốt hay còn gọi là cơn địa chấn đá đỏ Lục Yên. Để chợ đá đỏ Lục Yên sớm hình thành, mang lại nhiều giấc mơ cho những kẻ hay mơ mộng, muốn với tay hái mặt trời.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đá đỏ đã làm khuấy đảo cả một vùng "ngọc đảo", nổi lên nhiều "đại ca", cộm cán trong làng đá quý Lục Yên, như "Long ru bi, Tuân đá gốc, Hùng ngọc bích...". Phố đá đỏ Lục Yên mọc lên nhiều nhà cao tầng, xuất hiện nhiều tiểu thư đài các, nhiều bà chủ giàu nhanh "xài sang" mang dáng quyền quý. Đặc biệt, có nhiều biển hiệu xanh đỏ đến trờn trợn ánh mắt khách qua đường, lan sang tận chợ Phố Cáo, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Vậy mà đến nay những tín đồ xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà, phố đá đỏ Lục Yên không còn ai hay biết, thảng lắm mới có người "giật mình" nhớ về họ đã từng có mặt trên cõi đời này trong một "thời xa vắng".

Tiếng loa pin trong tay anh Hà Lâm Kỳ cất lên, làm tôi giật mình quay về với thực tại của chuyến đi này: "Tổng diện tích hồ Thác Bà rộng trên 32 nghìn héc-ta, diện tích nằm trong cốt nước 58 mét là trên 19 nghìn héc-ta. Hồ Thác Bà có sức chứa gần 6 tỷ mét khối nước, có tới 1.331 đỉnh núi trở thành đảo chìm, đảo nổi. Toàn bộ diện tích hồ nằm trong hai huyện Lục Yên và Yên Bình, có tới 32 xã tiếp giáp với hồ. Nhà máy thủy điện Thác Bà được khởi công xây dựng từ ngày 19-8-1964, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 5-10-1971. Thác Bà là một trong 3 hồ nhân tạo rộng nhất, có sức chứa và lưu lượng nước lớn nhất so với các hồ nhân tạo ở Việt Nam...".

Mới gần đây thôi, một số ngư dân trên địa bàn xã Phúc An, huyện Yên Bình đã vớt được khẩu súng thần công, đây cũng là khẩu súng thần công thứ tư được tìm thấy trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái đọc hàng chữ Hán chạy dài trên thân súng, khẳng định khẩu súng thần công này được đúc vào năm 1832, năm Minh Mệnh thứ 13. Khẩu súng nặng trên 4 tạ, dài 1,21 mét, đường kính đầu nòng rộng 25 xăng-ti-mét. Như vậy, câu chuyện "bát trận đồ" dưới lòng hồ, trên đất Yên Bái còn dài, nơi tìm thấy thạp đồng an táng hài nhi độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đặc biệt câu chuyện chiếc thạp đồng được kẻ gian lấy cắp cho "xuất ngoại" rồi lại tự tìm về với đất Tổ mới khả ái làm sao.

Mải suy nghĩ, anh Trung, bảo vệ nhà máy hỏi tôi: "Chú nghĩ gì mà đứng ngây ra thế, người ta xuống thăm nhà máy hết rồi đấy". Tôi vội vàng theo cầu thang ngoài trời xuống hết 9 tầng, qua 162 bậc bê tông để được đứng trong cái niềm hân hoan của ngày 5-10-1971. Tuy cách đây đã 44 năm, ngày nhà máy đi vào hoạt động, nhưng với tôi thì còn mới tinh khôi, bởi đến đây rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được vào thăm nhà máy. Đứng trước tổ máy số 3, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, nước dưới kia đang chảy, tuốc bin trên này đang quay, tạo nên dòng điện cung cấp cho biết bao nhiêu ngành kinh tế của đất nước ngày càng phát triển.

Tiếng loa pin lại vang lên đâu đó: "Nhà máy thủy điện Thác Bà thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà gồm có 3 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 40 mê-ga-oát, tổng cộng bằng 120 mê-ga-oát...".

Tôi đứng ngẩn người, dán mắt vào dòng nước đang xuôi về Thác Ông trong xanh, nơi mang bao nhiêu dấu ấn xưa, dù đó có là huyền thoại hay không huyền thoại. Một tình yêu đẹp đến tận cùng của câu chuyện Thác Bà, Thác Ông được lưu truyền trong dân gian. Để cho tôi mãi nhớ thành nhà Bầu, bến Cát, phố Đại Đồng, nhớ nghề "xuống thác thuê" và một Yên Bình xưa thật yên bình, trong ấy có tiếng chuông "em và tôi", có bài hát "Người yêu xóm đạo" năm nào em vẫn hát. Nước mang cất giấu huyền thoại hay kỷ niệm dưới đáy hồ, còn tôi mang cất giấu huyền thoại của riêng tôi tận đáy lòng để được nhớ em.

Yên Bình ơi, Thác Bà ơi, đừng giấu mãi lòng mình khi người xưa trở lại...

Nguyễn Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huyen-thoai-mot-vung-ho/