Huyện Tân Phú Đông: Tiềm năng phát triển du lịch

Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tân Phú Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có đề ra mục tiêu đến năm 2030, huyện Tân Phú Đông là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo đánh giá thực trạng tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tân Phú Đông có hai cửa sông Tiền, gồm Cửa Tiểu và Cửa Đại rất rộng và sâu, vừa là tuyến du lịch đường thủy cho tàu lớn, vừa là nơi có tầm nhìn lý tưởng cho các khu nghỉ dưỡng, các điểm du lịch nông nghiệp ven sông và loại hình du lịch thể thao trên mặt nước.

Huyện Tân Phú Đông có bờ biển dài khoảng 12 km, là nơi có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt thể dục thể thao trên biển. Cảnh quan nhà vườn, đồng ruộng, vuông tôm thanh bình, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.

Huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Khởi nghĩa Trương Định tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân). Trong ảnh, Đoàn viên Chi đoàn cơ sở Báo Ấp Bắc về nguồn tại di tích Lũy Pháo Đài.

Tuy có nhiều lợi thế như trên, nhưng dịch vụ du lịch của huyện Tân Phú Đông còn ít về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu dịch vụ tham quan, trải nghiệm trên bờ, dưới nước. Hiện chỉ có điểm du lịch Làng Yến (xã Phú Tân) là có khả năng đón khách nội địa; nhà hàng, các điểm mua sắm cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.

Để phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện Tân Phú Đông tập trung thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, phấn đấu hình thành một trung tâm du lịch ven biển ở Cồn Cống (xã Phú Tân) trên cơ sở phát triển đa dạng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch, gắn với du lịch văn hóa và kết nối các tuyến du lịch khu vực Gò Công.

Bên cạnh đó, huyện Tân Phú Đông đã xây dựng Đề án phát triển du lịch từ năm 2024 đến năm 2029, tầm nhìn đến năm 2035 để đánh giá tài nguyên, nguồn lực, hiện trạng cơ sở vật chất và đề ra chiến lược phát triển du lịch của huyện, kèm theo giải pháp thực hiện. Đây được xem là cơ sở để huyện thực hiện mời gọi đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ du lịch.

Huyện cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Khởi nghĩa Trương Định tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Lũy Pháo Đài theo Công văn 6621 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Khởi nghĩa Trương Định.

Ngoài ra, huyện Tân Phú Đông còn tập trung quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ ven biển, nhằm bảo đảm chắn sóng gió, hạn chế sạt lở, tạo môi trường tự nhiên cho nhiều loài thủy sản làm nơi trú ngụ, sinh sản, góp phần phát triển du lịch sinh thái đặc trưng của vùng bãi ngang ven biển. Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với công tác quản lý, bảo vệ vùng biển.

Đối với việc khai thác bãi bồi ven biển, huyện chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác có hiệu quả vùng nuôi nghêu, sò khu vực Cồn Ngang, Cồn Vượt (xã Phú Tân), bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên nghêu giống sinh sản; đồng thời phát triển nghề đánh bắt xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia trên biển.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện chương trình liên kết, hợp tác, kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước, gắn liền với việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Trong đó, huyện quan tâm kết nối với Khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông), biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và biển Vũng Tàu… nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách đến địa phương, phối hợp thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý và hoạt động du lịch.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác du lịch, các hộ kinh doanh và những người có ý tưởng tham gia phát triển du lịch trên huyện cù lao.

HỮU DƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202403/huyen-tan-phu-dong-tiem-nang-phat-trien-du-lich-1005275/