Huyện Sóc Sơn: để nông dân không còn 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời'

Việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội không chỉ giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Ngày 27/3, huyện Sóc Sơn tổ chức hội nghị Sơ kết chương trình thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái tại huyện Sóc Sơn.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái tại huyện Sóc Sơn.

Đa lợi ích

Theo thống kê, huyện Sóc Sơn hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 13.395ha, trong đó, diện tích gieo cấy lúa hàng năm vào khoảng 9.000ha, thuộc nhóm lớn nhất TP Hà Nội.

Trong những năm qua, huyện đã áp dụng và phổ cập cơ giới hóa vào sản xuất lúa ở các khâu làm đất, thu hoạch. Tuy nhiên, gieo cấy lúa bằng máy và phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái là những khâu còn khá hạn chế.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thư cho biết, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, năm 2024, địa phương tập trung triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ở hai khâu: cấy máy và phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái.

Đối với hỗ trợ kinh phí cấy máy, năm 2024, huyện Sóc Sơn đã triển khai trên diện tích 26,7676ha tại 2 xã: Xuân Giang, Bắc Phú. Đánh giá cho thấy, cấy máy giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Lúa cấy bằng máy cũng có mật độ đồng đều và năng suất tăng từ 10-15% so với cấy tay.

Gieo cấy lúa áp dụng kỹ thuật mạ khay máy cấy tại huyện Sóc Sơn.

Gieo cấy lúa áp dụng kỹ thuật mạ khay máy cấy tại huyện Sóc Sơn.

Đối với phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, năm 2024, huyện Sóc Sơn đã triển khai hỗ trợ trên diện tích 566ha, tại các xã: Xuân Giang, Việt Long, Tân Hưng, Nam Sơn.

So với phun thuốc BVTV bằng bình bơm tay, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái đã giúp giảm tiêu hao thuốc BVTV từ 20-30%, lượng nước cần dùng thấp hơn 15-20 lần, nhân công giảm 5-10 lần so với phun tay và tốc độ phun chỉ 10-15 phút/ha…

Để nông dân được hưởng lợi

Việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào trong sản xuất lúa tại huyện Sóc Sơn là bước ngoặt lớn, không chỉ giải phóng sức lao động cho người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa trên một đơn vị sản xuất.

Ông Vương Xuân Luân, một nông hộ tại xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, người dân tin tưởng vào hiệu quả của phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái và thực tế hiệu quả mang lại là rất tích cực.

“Chúng tôi mong muốn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai các chính sách hỗ trợ khác của TP, để nông dân được hưởng lợi…” - ông Vương Xuân Luân bày tỏ mong muốn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được huyện hết sức chú trọng. Cùng với những chính sách chung của TP, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất cho người nông dân.

Theo bà Hoàng Thị Hà, do là năm đầu đưa vào triển khai nên việc thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND còn gặp khó khăn nhất định. Một bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng vào chính sách. Chính quyền một số xã chưa quan tâm đưa chính sách đến với người dân.

Nhấn mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng, nông dân không thể cứ mãi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bà Hoàng Thị Hà cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND các xã triển khai nội dung chính sách hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND.

Để việc triển khai Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND tiếp tục đạt hiệu quả tích cực, huyện Sóc Sơn đề nghị UBND các xã tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức được lợi ích của việc cấy máy và phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái. Liên kết với các đơn vị để đưa chính sách hỗ trợ của TP đến với người nông dân.

“Cơ giới hóa giúp hình thành các vùng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao giữa các hộ dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thông qua ký kết các hợp đồng kinh tế. Xây dựng thương hiệu sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân…” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) Lê Văn Việt.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-de-nong-dan-khong-con-ban-mat-cho-dat-ban-lung-cho-troi.html