Huyện Cẩm Giàng đón nhận nhiều danh hiệu quý

Cùng một lúc, huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia, Bằng công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao các quyết định cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tối 16/12 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã tới trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia, Bằng công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Buổi lễ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức trọng thể. Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo người dân huyện Cẩm Giàng.

Huyện Cẩm Giàng, quê hương của danh y Tuệ Tĩnh đã về đích nông thôn mới sau 8 năm triển khai sâu rộng. Đây là đơn vị cấp huyện thứ ba của tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sau huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh.

Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đạt hơn 1.976 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 618 tỷ đồng, chiếm 31,31%, vốn tín dụng hơn 928 tỷ đồng, chiếm gần 47%, còn lại là vốn huy động từ nhân dân.

Nguồn lực này, tập trung phần lớn dành cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm, phát triển kinh tế..., hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Đến nay, hơn 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch với các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghiệp cao như cà rốt, dưa hấu, rau củ quả đạt giá trị sản xuất từ 300-500 triệu đồng/ha.

Cẩm Giàng còn là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Hải Dương, với 5 khu, 2 cụm công nghiệp, thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước về đầu tư, tạo việc làm cho hơn 56.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt cảnh tái diễn truyền thống văn hóa đặc sắc của huyện Cẩm Giàng. Ảnh: VGP/Thành Chung

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong toàn huyện. Đời sống của nhân dân huyện Cẩm Giàng đã được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đạt 42,19 triệu đồng/người/năm, tăng 2,15 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,47%, giảm 1.315 tỷ đồng so với năm 2011, số lao động có việc làm hơn 83.533 người, đạt 96,2%.

Không chỉ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Cẩm Giàng còn nổi tiếng với các di tích Văn miếu Mao Điền và Cụm di tích Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia đều gắn liền với những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc nhất là về đạo học, uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Đặc biệt Cụm di tích Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là các di tích khá gần nhau nằm trên địa bàn các xã Cẩm Vũ, Cẩm Sơn, Cẩm Văn gắn tên tuổi và sự nghiệp của đại danh y – ông tổ thuốc Nam - thiền sư Tuệ Tĩnh.

Riêng Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại lâu đời nhất ở Việt Nam, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Được xây dựng vào thế kỷ XV thời Lê sơ, đây là nơi tổ chức các kỳ thi Hương, thi đại khoa của trấn Hải Dương.

Thành Chung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/huyen-cam-giang-don-nhan-nhieu-danh-hieu-quy/354636.vgp