Huyện biên giới nâng cao tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân

Bù Gia Mập là huyện biên giới, có hơn 36% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến cuối tháng 10-2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân trên địa bàn huyện đạt 93%, đạt chỉ tiêu giao. Đây là kết quả ấn tượng góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Đức Hạnh có 2 thôn DTTS khó khăn, tuy nhiên là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên người dân nơi đây không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT như trước mà phải tự bỏ kinh phí mua. Điều này gây khó khăn cho việc nâng cao tỷ lệ bao phủ khi đời sống kinh tế người dân chưa được cải thiện và chưa thích ứng với việc phải tự bỏ kinh phí mua BHYT. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Đời sống người dân thời gian qua gặp nhiều khó khăn do cây trồng mất mùa, nông sản rớt giá nên ảnh hưởng đến thu nhập; nhiều người dân phải đi làm thuê để kiếm sống. Vì vậy, việc bỏ tiền mua BHYT hộ gia đình là khó khả thi.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT đến từng hộ dân. Từ đó, người dân hiểu rõ hơn và tham gia ngày càng nhiều. Đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân của xã Đức Hạnh đạt 92,6% và phấn đấu đến cuối năm 2023 nâng lên 95%.

“BHYT là một trong những chính sách quan trọng, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là chương trình chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Với tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị của xã cùng vào cuộc tuyên truyền để mọi người dân đều tham gia BHYT. Mục tiêu của xã không chỉ vận động người dân tham gia đạt chỉ tiêu mà hướng tới bao phủ toàn dân 100%” - Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Nguyễn Tuấn Anh nêu quyết tâm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập

Cũng theo ông Tuấn Anh, “bí quyết” tiếp cận để người dân hiểu và tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao là cùng với Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện tăng cường đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Bởi đây là những “cánh tay nối dài” của ngành BHXH, góp phần quan trọng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Công tác tuyên truyền, vận động ở xã Đức Hạnh đã khó thì xã Phú Nghĩa lại càng khó hơn. Bởi tỷ lệ hộ DTTS ở địa phương này cao, với 36%. Từ năm 2022 đến nay, xã Phú Nghĩa phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao nên độ bao phủ BHYT toàn dân 95% mới đạt chỉ tiêu giao. Đây là bài toán khó nhưng xã xác định khó mấy cũng quyết tâm vào cuộc. Cả hệ thống chính trị xã đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là nâng cao nhận thức người dân về quyền, lợi ích BHYT mang lại.

Thôn Đội 3 Khắc Khoan có 56 hộ dân tộc S’tiêng nhưng đến nay phần lớn đã tham gia BHYT. Ông Điểu Bình, Trưởng thôn chia sẻ: Tham gia BHYT là quyền lợi của người dân, khi không may bị ốm đau, bệnh tật được hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh. Bởi vậy, khi tuyên truyền, vận động người dân, tôi thường nói với họ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Người dân hiểu được ý nghĩa của câu nói này nên tích cực tự nguyện tham gia.

Ông Điểu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết, đến cuối tháng 10-2023, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn là 96,5%, đạt và vượt so với chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Để đạt kết quả đó, chính quyền, đoàn thể xã phối hợp với BHXH huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Đặc biệt, các hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT nên đã giải thích cho họ hiểu để tích cực tham gia.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Song song với tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách nhân văn của BHYT thì công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân tại cơ sở y tế đóng vai trò quan trọng. Dù thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế, tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập vẫn tìm mọi giải pháp khắc phục để tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, điều trị bệnh. Đồng thời, đơn giản thủ tục hành chính, chuyển đổi số để phục vụ người dân nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Bác sĩ Mai Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Trong thời gian chờ đấu thầu thuốc, trung tâm được Sở Y tế, UBND huyện thuận chủ trương mua thuốc cấp bách, cần thiết để phục vụ nhân dân. Ngoài ra, nhằm tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, cùng với cả nước, Trung tâm Y tế huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi số, khám bệnh trên phần mềm, quét mã vạch căn cước công dân, thực hiện quét mã QR thu phí không dùng tiền mặt… nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các loại giấy tờ tùy thân. Trung tâm cũng tăng cường công tác chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ bằng cách thường xuyên cập nhật kiến thức từ các cơ sở y tế, bệnh viện đầu ngành, tuyến trên như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện Bù Gia Mập tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Phú Nghĩa

Cùng với các địa phương khác, huyện Bù Gia Mập đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 9-11-2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND. Theo đó, 12.000 người thuộc đối tượng hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn huyện Bù Gia Mập được hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT giai đoạn 2022-2025. Đây là chính sách nhân văn, kịp thời của tỉnh. Ngoài hỗ trợ một phần kinh phí, đây còn là “chìa khóa” giúp người dân từng bước thích ứng, thay đổi tư duy, nhận thức về việc phải tự bỏ một phần kinh phí, tiến tới tự chủ hoàn toàn việc mua thẻ BHYT để tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe bản thân. Bởi Nghị quyết 16 có mức hỗ trợ giảm dần và chỉ thực hiện đến hết năm 2025.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đạt chỉ tiêu giao. Không chỉ thực hiện đạt, từ nay đến cuối năm 2023, huyện phấn đấu vượt từ 0,1-0,2%. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị đang tìm nhiều giải pháp nâng cao nhận thức người dân, nhất là hộ DTTS nhằm tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân đạt 100%.

Để người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì công tác vận động, tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu và bằng nhiều hình thức với sự phối hợp đồng bộ từ những tổ chức dịch vụ thu đến các cơ quan, chính quyền, đoàn thể các cấp. Từ đó, người dân mới hiểu rõ, nắm được chính sách, quyền, lợi ích, ý nghĩa của BHYT và chủ động tham gia.

Ông NGÔ ĐỨC TÌNH, Phó Giám đốc BHXH huyện Bù Gia Mập

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/150418/huyen-bien-gioi-nang-cao-ty-le-bao-hiem-y-te-toan-dan