Huyện Bắc Tân Uyên: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân

Để người dân yên tâm thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bắc Tân Uyên đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định giá bán để phục vụ nhu cầu. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh của các cửa hàng, người giao hàng... được huyện thực hiện chặt chẽ.

Chuẩn bị hàng cung ứng cho người dân tại một điểm bán hàng lưu động ở xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên

Nguồn cung dồi dào, xử lý nghiêm vi phạm

Để bảo đảm nguồn hàng hóa lưu thông trên thị trường đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và ứng phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng phương án trên cơ sở đưa ra 3 cấp độ của dịch bệnh. Theo đó, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công thương theo dõi và tổ chức kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường. Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp các đơn vị cung ứng, tổ chức các địa điểm phân phối hàng hóa và hệ thống siêu thị giao hàng trực tuyến để bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng một số mặt hàng thiết yếu cho người dân. UBND huyện đã ban hành văn bản về việc đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh tuyên truyền và chỉ đạo các chốt ưu tiên cho thông xe chở lương thực, thực phẩm.

Qua công tác triển khai, số lượng hàng hóa trên địa bàn huyện bảo đảm cung ứng cho người dân về số lượng, chất lượng và giá cả bình ổn, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá. UBND huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các chợ, cửa hàng tiện lợi và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Qua kiểm tra, các cơ sở đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện yêu cầu các cơ sở cần giám sát người ra vào mua sắm chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết hiện tại trên địa bàn có 3 cửa hàng Bách hóa xanh, 7 chợ truyền thống và một số hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho người dân tại các xã, thị trấn trong tổng số 400 hộ kinh doanh. Đơn vị thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, huyện đã ban hành hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các cơ sở kinh doanh nghiêm túc chấp hành, bảo đảm tối đa an toàn về phòng, chống dịch bệnh như tăng cường thực hiện tổng vệ sinh, có biện pháp khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn trong quá trình tiếp xúc, giao dịch với khách hàng... và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chia sẻ khó khăn với người dân

Ngoài các địa điểm cung cấp chính như các cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh hàng hóa thiết yếu, huyện đã phối hợp với các đơn vị bán hàng lưu động của Bưu điện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các điểm bán hàng lưu động cho người dân trên địa bàn. Đơn cử như tại thị trấn Tân Thành 1 điểm, xã Đất Cuốc 2 điểm, xã Thường Tân 2 điểm…

Tại các điểm bán hàng, bưu điện, các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, đăng ký kiểm dịch, bố trí máy đo thân nhiệt, khai báo y tế và niêm yết giá bán đúng theo quy định. Các điểm bán hàng diễn ra chủ yếu vào các buổi sáng hàng ngày, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. “Trước tình hình thực tế của dịch bệnh, xã đã đăng ký 5 địa điểm bán hàng lưu động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân”, ông Phạm Ngọc Uy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đất Cuốc cho biết.

Chia sẻ khó khăn với người dân, chính quyền, đoàn thể huyện Bắc Tân Uyên còn vận động, tập hợp hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ. Đặc biệt, những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều được chính quyền, nhà hảo tâm đến tận nhà để trao hàng. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan triển khai công tác phát thẻ đi chợ cho người dân trên địa bàn. Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ/15 ngày, 3 ngày đi chợ 1 lần. Theo đó, tại các địa phương bắt đầu từ ngày 28-7, người dân chỉ được phép đi chợ, mua nhu yếu phẩm buổi sáng từ 6 - 9 giờ và buổi chiều từ 14 - 16 giờ.

Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết huyện triển khai kịp thời kế hoạch dự trữ, cung cấp hàng hóa ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định nguồn hàng, nhất là các nguồn hàng thiết yếu, bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao để kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong cũng như ngoài khu vực cách ly.

Nguồn dự trữ hàng hóa thiết yếu dự kiến trên địa bàn huyện gồm các mặt hàng lương thực (gạo thơm 1.575 tấn, gạo nếp hơn 787 tấn, lương thực khác hơn 10 tấn); thực phẩm tươi sống (thịt heo hơn 1.000 tấn, thịt bò 525 tấn, gia cầm hơn 787 tấn, cá hơn 262 tấn, trứng gà, vịt 1.050.000 quả, rau củ quả 210 tấn); thực phẩm công nghiệp (đường 315 tấn, sữa 1.050.000 hộp, bột ngọt 315 tấn, dầu ăn 315.000 lít, nước uống đóng chai 1.575.000 thùng).

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/huyen-bac-tan-uyen-bao-dam-cung-ung-hang-hoa-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-a252756.html