Huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão số 9
Trong vòng một tháng, Quảng Ngãi liên tiếp gánh chịu 5 cơn bão, trong đó cơn bão số 9 có sức tàn phá nặng nề nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy không thiệt hại về người, nhưng bão số 9 đã phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà, công trình, trường học... Ngay sau bão, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh, người dân đang từng bước đứng dậy sau bão...
Sau 6 ngày bão số 9 đi qua, Quảng Ngãi đã thống kê được tổng mức thiệt hại vào khoảng 4.500 tỷ đồng. Bão số 9 đã làm thiệt hại hoàn toàn 325 nhà; tốc mái, hư hỏng hơn 140.033 nhà; 450 trường học, cơ sở giáo dục và 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn, xã và 1 di tích lịch sử bị tốc mái, hư hỏng; hàng ngàn hecta hoa màu, cây trồng, cây ăn quả, rừng bị ngã đổ; hơn 100 tấn lương thực bị ướt, lũ cuốn hư hỏng toàn bộ. Đập dâng, trạm bơm, đê, kè bị sạt, trôi, hư hỏng; sông suối sạt lở rất lớn, nhất là nạn sạt lở núi. Giao thông bị chia cắt, tê liệt, cô lập nhiều nơi đến nay chưa thông tuyến. Toàn tỉnh Quảng Ngãi trong nhiều ngày không có điện, nước do hạ tầng bị hư hỏng...
Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo dọn cây cối ngã đổ, thông tuyến các tuyến giao thông nội ô để lấy đường đưa 120.000 người dân đi sơ tán tránh bão trở về nhà. Tuy nhiên, một số nơi trong địa bàn tỉnh triều cường lại dâng cao, nên phải huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân, chính quyền tiếp tục di dời 26.000 người đến nơi cao ráo, an toàn. Thế nhưng, sau bão, 170.000 hộ gia đình không có chỗ ở, phải đi ở nhờ do nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng... Khó khăn chất chồng và tin dồn dập tin những cơn bão mới sẽ ập đến vào đầu tháng 11, khiến lòng dân nóng như lửa đốt.
Trong những ngày qua, các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi tập trung dồn sức khẩn cấp khắc phục hậu quả của bão. Với phương châm tuyệt đối không để dân phải chịu cảnh đói, rét, màn trời chiếu đất, hàng trăm tấn lương thực, hàng chục ngàn ngày công lao động đã giúp đỡ hộ dân có cái ăn, nhà ở sau bão. Đến nay, số hộ có nhà bị hư hỏng, tốc mái gần như đã khắc phục xong; các khu dân cư sạt lở, có nguy cơ sạt lở đã được di dân đến nơi an toàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý khu vực huyện miền núi Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà. Tổng số hộ dân phải di dời khẩn cấp lên đến hơn 200 hộ. Hiện tại, các hộ dân này được bố trí sống tạm ở nhờ nhà bà con hoặc trụ sở cơ quan, nhà văn hóa thôn. Đối với các hộ mất nhà hoàn toàn thì hiện đang được lực lượng bộ đội, dân quân và chính quyền dựng lại nhà tạm; cấp đủ lương thực, thực phẩm dùng trong 20 - 30 ngày.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo xuyên suốt các công việc trước, trong và sau bão, bảo đảm kịp thời, không xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, góp phần tạo nên kết quả quan trọng trong ứng phó, khắc phục bão số 9. Trong đó, sau bão đặc biệt lưu tâm đến khôi phục điện, nước, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cùng với Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Ngãi, Công ty CP cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi và Công ty CP môi trường đô thị Quảng Ngãi đi kiểm tra trực tiếp tại hiện trường tình hình khôi phục lưới điện, cấp nước, dọn vệ sinh môi trường và tình hình thị trường cung ứng ngói, tôn lợp nhà. Đến nay, toàn bộ 13/13 trung tâm huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã có điện, trong đó thành phố Quảng Ngãi đã có điện 98%. Những nơi chưa có điện là do nước ngập sâu, cây cối đổ ngã gây thiệt hại quá lớn. Tổng lực của ngành điện đã huy động 600 người cộng với 250 người từ 10 công ty điện lực khác về giúp khôi phục điện. Đối với lĩnh vực môi trường, công nhân và thiết bị, máy móc, công cụ của Công ty môi trường đô thị nhiều tỉnh trong khu vực đã về giúp sức. Đến nay, cơ bản việc dọn dẹp cây xanh đổ ngã, rác sau bão đã hoàn thành. Môi trường đô thị đã cơ bản trở nên sạch sẽ, an toàn.
Để ngăn chặn kịp thời tình trạng tăng giá ngói, tôn lợp nhà sau bão do nhu cầu sửa nhà ở tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo bình ổn giá các mặt hàng này; đồng thời trực tiếp kiểm tra đột xuất 2 nhà máy sản xuất tôn lợp và ngói là: Nhà máy Tôn Hồng Phát (phường Trương Quang Trọng) và Nhà máy gạch Hiệp Hương (CCN Tịnh Ấn Tây). Tại nơi đến kiểm tra, các chủ cơ sở đều cho biết hiện tại cung đã vượt quá cầu nhiều lần, vì thế trước mắt chưa thể vận chuyển kịp hàng về phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. Riêng về mặt giá bán, tất cả các sản phẩm của hai nhà máy này đều không tăng giá, giá bán niêm yết công khai tại nơi bán hàng.
Trong 6 ngày qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã luôn có mặt tại những nơi nhân dân khó khăn nhất để giúp đỡ dựng lại nhà cửa, dọn đường, sửa sang trường học, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà và tiền mặt cho các hộ bị sập nhà hoàn toàn. Rất nhiều tổ chức từ thiện cũng đã về tận địa phương, mang theo những thứ người dân vùng bão lũ Quảng Ngãi cần để hỗ trợ. Quảng Ngãi cũng đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ, với số tiền huy động được khoảng 20 tỷ đồng. Hôm nay, Quảng Ngãi chưa thật sự hết ngổn ngang nhưng những hoang tàn, đổ nát đang được xóa dần. Học sinh đã bắt đầu trở lại trường học sau bao ngày phải nghỉ vì mưa bão, cây cối đổ ngã, trường sập, tốc mái. Các nhà máy, xí nghiệp bắt đầu vận hành trở lại. Đường phố đã thông thoáng, sự rộn rã, hối hả đang bắt nhịp với ngày mới kiên cường, tươi vui và tin tưởng hơn...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/huy-dong-tong-luc-khac-phuc-hau-qua-bao-so-9-642904