Huy động nhiều nguồn lực nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới Kon Tum

Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo về an ninh trật tự là nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân. Để làm tốt nhiệm vụ này, trong thời gian qua, các đơn vị thuộc BĐBP Kon Tum đã có nhiều giải pháp để chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Blô, BĐBP Kon Tum thăm mô hình nuôi heo của người dân do đơn vị hỗ trợ giống. Ảnh: Văn Lý

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Blô, BĐBP Kon Tum thăm mô hình nuôi heo của người dân do đơn vị hỗ trợ giống. Ảnh: Văn Lý

Khác với thường ngày, hôm nay, Trung úy Rơ Châm Nguyên, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Dom, BĐBP Kon Tum có một nhiệm vụ đặc biệt, đó là đến chăm sóc đàn heo giúp gia đình chị Trần Thị Thanh Tâm, ở thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai. Gia đình chị Tâm thuộc diện khó khăn của xã, một mình chị nuôi 3 người con ăn học, nên những lúc có việc bận, chị Tâm thường nhờ Trung úy Rơ Châm Nguyên đến chăm sóc đàn heo.

Qua trao đổi với chúng tôi, Trung úy Rơ Châm Nguyên chia sẻ: "Trong thời gian công tác tại địa bàn, nhận thấy gia đình chị Tâm thiếu thốn gì hoặc cần nhờ giúp việc gì, chúng tôi đều sẵn sàng, vì đơn giản giúp được gì cho người dân thì mình làm, dù là việc nhỏ nhất".

Mô hình nuôi heo đen của gia đình chị Tâm hiện là một trong những mô hình giúp dân phát triển kinh tế được Đồn Biên phòng Ia Dom thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài hỗ trợ về con giống, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn phụ giúp ngày công xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo cho gia đình chị Tâm. Từ 4 con heo giống được hỗ trợ ban đầu vào năm 2019, đến nay, đàn heo của gia đình chị Tâm đã phát triển lên hơn 60 con, trung bình mỗi năm đem về thu nhập cho gia đình chị trên 200 triệu đồng. Có được nguồn thu lớn từ việc nuôi heo, chị Tâm luôn biết ơn đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Dom.

Thiếu tá Cao Anh Quốc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Dom cho biết: “Khi giúp nhân dân phát triển kinh tế, chúng tôi tập trung lựa chọn các hộ gia đình nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để giúp đỡ họ. Thông qua việc làm này để dần dần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng dẫn người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại rau xung quanh vườn nhà. Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con có thêm nguồn thu nhập".

Đối với gia đình anh Lục Văn Đình (ở thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai), lập nghiệp vào năm 2019, thấu hiểu những khó khăn ban đầu, Đồn Biên phòng Ia Dal đã tư vấn, hỗ trợ gia đình anh xây dựng mô hình trồng cây chanh dây. Được các cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ ngày công, hướng dẫn kỹ thuật nên vườn chanh dây của gia đình anh Đình đang phát triển tốt và cho quả thu bói. Anh chia sẻ: "Lúc mới vào đây, tôi chưa quen với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu..., nhưng nhờ có các cán bộ Đồn Biên phòng Ia Dal tư vấn, tận tay giúp đỡ trồng chanh dây, tôi hy vọng sau một thời gian nữa, gia đình tôi sẽ thu hoạch được gần 1 tấn quả chanh dây, bán ra thị trường với giá 16.000-17.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu không hề nhỏ đối với gia đình tôi’’.

Anh Lục Văn Đình và cán bộ Biên phòng tại vườn chanh dây của gia đình anh. Ảnh: Văn Lý

Anh Lục Văn Đình và cán bộ Biên phòng tại vườn chanh dây của gia đình anh. Ảnh: Văn Lý

Hiện nay, ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống. So với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp nhân dân thoát nghèo, trong những năm qua, BĐBP Kon Tum đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều chương trình, mô hình, phần việc để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đến nay, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ 135 con heo đen giống cho 80 hộ nghèo cùng hàng trăm con bò giống cho các hộ dân phát triển kinh tế; phân công trên 280 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách địa bàn giúp đỡ hơn 960 hộ gia đình. Từ năm 2019 đến nay, đã có trên 13% hộ nghèo trên khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Để chủ động giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, chúng tôi đã trực tiếp triển khai nhiều mô hình, phần việc có hiệu quả, được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hướng về biên giới như tặng cây giống, vật nuôi, xây tặng nhiều công trình dân sinh, nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa... Đến nay, BĐBP Kon Tum đã kêu gọi được hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục dân sinh, qua đó, đời sống của người dân biên giới ngày càng thay da đổi thịt, bà con luôn tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP’’.

Có thể nói, các mô hình, chương trình thiết thực của BĐBP Kon Tum không chỉ thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn, mà còn góp phần củng cố tình đoàn kết gắn bó quân - dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, tạo nên sức mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Văn Lý

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huy-dong-nhieu-nguon-luc-nang-cao-doi-song-cho-nhan-dan-bien-gioi-kon-tum-post476223.html