Hữu ích với dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que

Với dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que, năng suất lao động của người dân sẽ tăng gấp 3 lần, công việc chẻ cây mì trở nên nhẹ nhàng hơn.

Nhóm tác giả của giải pháp Dụng cụ chẻ cây mì thành que chụp hình lưu niệm cùng giáo viên hướng dẫn Phạm Thị Phương Thảo tại buổi lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2020. Ảnh: H.Yến

Đây là sáng chế của nhóm học sinh: Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai (Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom). Sản phẩm đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020.

* “Cú hat-trick” của những học sinh trường huyện

Sau khi thu hoạch củ mì, người ta chọn những cây mì không sâu bệnh, tròn đều, chặt gốc và bỏ đọt rồi mang về vườn nhà, cắm xuống đất để cây nảy mầm. Sau 3 tháng, cây mì được đem ra gọt bỏ mắt và vỏ xanh, chặt mỗi đoạn dài khoảng
12-15cm rồi chẻ nhỏ thành những thanh mì với đường kính khoảng 5cm rồi phơi thật khô. Những thanh cây mì này được dùng để làm meo giống trồng nấm mèo.

Những công đoạn xử lý cây mì này hầu hết vẫn đang được làm thủ công. Vì vậy, khâu sản xuất này tốn khá nhiều thời gian và công sức. Làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và sức lao động cho người dân là câu hỏi được nhóm học sinh Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai đặt ra.

Dụng cụ chẻ cây mì thành que hoạt động bán tự động. Giá thành sản xuất khoảng 3 triệu đồng. So với cách làm thủ công truyền thống, dụng cụ này có nhiều ưu điểm vượt trội: tăng được năng suất lao động, thành phẩm que mì chẻ ra có tính thẩm mỹ cao.

Trung bình mỗi ngày, một người bình thường dùng dao chẻ được khoảng 5 bó cây mì, tương đương với khoảng 80 ngàn đồng. Nếu dùng bàn dao chẻ 3 lưỡi thì năng suất sẽ tăng gấp 3 lần.

Từ câu hỏi này, với sự hướng dẫn của cô Phạm Thị Phương Thảo, nhóm đã thiết kế nên dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que. Dụng cụ này hiện đã được một hộ dân trong xã sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là sản phẩm sáng tạo mà nhóm đem đi tranh tài tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2020. Sản phẩm này đã đạt “cú hat-trick” ở cuộc thi với giải nhất cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh và giải nhất cấp quốc gia.

Dụng cụ chẻ thân cây khoai mì gồm 3 chiếc máy: một máy gọt mắt và vỏ xanh của cây mì, một máy cưa cây mì thành từng đoạn và một bàn chẻ để chẻ các đoạn mì thành que nhỏ.

Với máy gọt vỏ cây mì, người dùng chỉ việc đứng cầm cây khoai mì và di chuyển thân cây mì theo chiều dọc vào giữa mũi mài và dao gọt. Vỏ của cây sẽ được gọt sạch khỏi thân cây (tương tự như cách gọt cây mía).

Với máy cắt cây mì, người dùng tì thân cây mì vào giá đỡ rồi di chuyển để cây mì tiếp xúc với lưỡi cưa. Lưỡi cưa cắt cây mì thành đoạn ngắn. Với bàn chẻ cây mì thành que, nhờ vào thiết kế 3 lưỡi cưa, mỗi que mì sẽ được chẻ làm 3. Người dùng có thể điều chỉnh tốc độ của băng tải thông qua bộ phận điều tốc. Nhờ có dụng cụ này, việc chẻ cây mì được thực hiện một cách nhanh chóng và tiện lợi, đỡ mất thời gian cho người sử dụng.

* Chung tay hỗ trợ nghiên cứu

Để hoàn thành được sản phẩm này, nhóm học sinh phải nhờ đến sự hỗ trợ, giúp sức của cả gia đình và giáo viên hướng dẫn. Chú của em Nguyễn Đình Nguyên, anh Hồ Nhật Tiến (ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) vốn làm nghề chẻ cây khoai mì. Bản thân anh cũng nhiều lần mày mò để sáng chế máy chẻ thân cây khoai mì nhưng vẫn không hài lòng. Vì vậy, khi Nguyên cùng với các bạn của mình có ý định làm máy chẻ thân cây mì, anh Tiến đã hỗ trợ hết mình. Anh chính là người đã hiện thực hóa mô hình nghiên cứu của nhóm. Với tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng, anh đầu tư mua 3 motor để làm 3 chiếc máy như trên. Riêng bàn chẻ cây khoai mì có giá khoảng 3 triệu đồng.

Về phần nhà trường, cô Phạm Thị Phương Thảo là giáo viên trực tiếp hướng dẫn và đưa cho nhóm nhiều lời khuyên hữu ích. Cô Thảo kể, ban đầu, khi bắt tay vào thiết kế máy, nhóm học sinh dự định sẽ dùng máy nén thủy lực để vận hành máy. Tuy nhiên, nếu dùng máy nén thủy lực thì những đoạn cây mì có mắt, hoặc phần ruột xốp bên trong khi bị nén rất dễ bị gãy, sẽ tốn hao nhiều nguyên liệu cây mì hơn. Vì thế, qua nhiều lần bàn bạc, thiết kế và đi thực tế, nhóm đã thiết kế mô hình bàn chẻ sử dụng motor điện.

Em Nguyễn Đình Nguyên cho biết: “Máy được thiết kế bộ phận băng tải để cuốn cây mì vào bên trong tiếp xúc với lưỡi cưa. Máy cũng được thiết kế hai lưỡi gà bên trên và bên phải. Tác dụng của lưỡi gà này là tạo lực ép vào đoạn cây mì giúp cây mì bị ép chặt vào bàn chẻ; 3 lưỡi cưa được bố trí theo kiểu hình sao. Nhờ vậy, máy hoạt động ổn định. Thiết kế của máy cũng nhỏ gọn, dễ tháo lắp, thay thế”.

Từ ý tưởng và mô hình của học sinh, anh Hồ Nhật Tiến đã thi công thành một chiếc bàn chẻ hoàn chỉnh. Chiếc bàn chẻ này sau đó được cải tiến hơn, một bên có thể chẻ những đoạn mì lớn thành 3 que, một bên có thể chẻ những đoạn mì nhỏ thành 2 que. Bản thân anh Tiến khá hài lòng với chiếc máy chẻ cây mì này.

Đồng Nai xếp hạng 3 toàn đoàn

Ngoài giải pháp Dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que của nhóm học sinh Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai, Nguyễn Gia Bảo (Trường THCS Võ Thị Sáu, H.Trảng Bom) đoạt giải nhất, Đồng Nai còn có 3 giải pháp đoạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm nay gồm: giải pháp Bộ đàn tự làm giúp em trải nghiệm trong học tập của em Trần Duy Mạnh (Trường THCS Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) đoạt giải ba; giải pháp Tấm lót đa năng của nhóm Nguyễn Thị Hồng Phương, Trần Thảo Vy (Trường tiểu học Gia Ray, TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) và Sản phẩm làm từ bột giấy vụn của em Lê Nguyên Khánh (Trường tiểu học Trưng Vương, P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) đoạt giải khuyến khích.

Đây là lần đầu tiên Đồng Nai có giải pháp đoạt giải nhất toàn quốc ở sân chơi này. Đồng thời, với thành tích này, năm nay, đoàn Đồng Nai được xếp hạng 3 toàn đoàn (chỉ sau Hà Nội và TP.HCM).

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/huu-ich-voi-dung-cu-che-than-cay-khoai-mi-thanh-que-3034217/