HUTECH: Ngành sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu 66%, ngành 0 thí sinh

Quy mô tuyển sinh của HUTECH tăng dần qua các năm, có ngành sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu 66%, ngành không có SV nhập học.

Quy mô tuyển sinh tăng mạnh, tăng 17 mã ngành trong 5 năm

Qua khảo sát báo cáo 3 công khai từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023 và đề án tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2023, cho thấy, quy mô tuyển sinh của trường tăng mạnh qua các năm, có ngành tuyển vượt 66%, có ngành không tuyển được thí sinh.

Năm 2019, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy được công bố trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - HUTECH là 5.950 chỉ tiêu. Con số này đến năm 2023 tăng lên 9.900 chỉ tiêu (theo đề án tuyển sinh năm 2023).

Chi tiết chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm qua như sau:

Theo đó, từ năm 2019 đến năm 2023, tổng chỉ tiêu tăng thêm 3.950 (tương đương tăng gần 66,4%), tăng thêm 17 mã ngành đào tạo.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh lý giải: “Trong vòng 4-5 năm, HUTECH tăng thêm 3.950 chỉ tiêu tuyển sinh, tức là trung bình mỗi năm trường tăng khoảng 1.000 chỉ tiêu (chiếm khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường)”.

Nếu tính riêng từng năm, thì chỉ tiêu năm 2022 so với 2021 tăng 2.250 (tương đương hơn 35,4%).

Về nội dung này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho hay: “Trường đã tiến hành kiểm định rất nhiều chương trình đào tạo theo nhiều bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế (một trong những trường có tỉ lệ số ngành kiểm định được kiểm định cao) nhằm cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, trường có đội ngũ giảng viên ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng học hàm, học vị ngày càng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo không ngừng xây dựng bổ sung thêm. Nhà trường được xã hội và học sinh tin tưởng chọn theo học nhiều năm qua, tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp luôn đạt mức rất cao.

Do đó, trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm phục vụ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (số lượng gia tăng này nằm dưới giới hạn năng lực xác định chỉ tiêu của trường và đáp ứng các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh)”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Về số ngành đào tạo, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2023, trường tuyển sinh 59 ngành đào tạo (tổng số mã ngành qua các năm của trường nhiều hơn, song, đã có một số ngành ngừng tuyển sinh), tức là, trong 5 năm trường tăng số ngành tuyển sinh từ 42 mã ngành lên thành 59 mã ngành đào tạo, tương đương tăng 17 mã ngành.

Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở mã ngành đào tạo mới xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, do nhu cầu về nguồn lực của xã hội, những đổi thay của nền kinh tế xã hội, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện nhiều ngành mới, do đó việc mở mã ngành đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm mục đích cung ứng đủ nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Mặt khác, điều này còn nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người học, nhiều bạn có nguyện vọng học ngành này thì việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tạo điều kiện để sinh viên được học tập và phát triển theo đúng nguyện vọng, từ đó phát huy tiềm năng và đóng góp cho xã hội.

Chẳng hạn, từ năm 2015, HUTECH được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Truyền thông đa phương tiện - một ngành học rất quan trọng trong thời đại mà nhu cầu giải trí, tiếp nhận và cung cấp thông tin không ngừng thay đổi theo biến động của công nghệ và chuyển đổi số. Minh chứng là cho đến hiện tại, đây vẫn là ngành học có tiềm năng phát triển rất lớn và nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh vào mỗi năm tuyển sinh đại học.

Tất nhiên, việc tăng quy mô tuyển sinh vẫn phải đáp ứng đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính vì thế, nhà trường đã không ngừng tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Trên hết là tăng cường tuyển dụng đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao, có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt, đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo các khối ngành. Nhà trường cũng đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phòng học, trung tâm thí nghiệm - thực hành đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy theo định hướng ứng dụng, để sinh viên vận dụng ngay lý thuyết vào thực hành.

Ngoài ra, công tác kiểm định chương trình đào tạo cũng được đẩy mạnh. Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm định và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tổng cộng 30 ngành.

Trong năm 2023-2024, nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành kế hoạch kiểm định thêm 10 ngành đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, AUN-QA, FIBAA,… Tháng 8/2023, trường đã hoàn thành đợt khảo sát chính thức kiểm định chất lượng 04 chương trình đào tạo trình độ đại học ngành An toàn thông tin, Thiết kế đồ họa, Thú y, Quản trị khách sạn”.

Chỉ tiêu tuyển sinh tăng dần hằng năm. Ảnh: NTCC.

Chỉ tiêu tuyển sinh tăng dần hằng năm. Ảnh: NTCC.

Có ngành tuyển vượt 66%, ngành không tuyển được thí sinh

Trong các đề án tuyển sinh này, cũng cho thấy một số ngành tuyển sinh kém, thậm chí có ngành không có thí sinh nhập học (năm 2022).

Cụ thể, ngành Công nghệ sinh học: Năm 2021, chỉ tiêu 100, chỉ tuyển được 17 sinh viên (đạt 17% chỉ tiêu); năm 2022, chỉ tiêu 100, chỉ tuyển được 21 sinh viên (đạt 21%).

Ngành Kỹ thuật y sinh: Năm 2021, chỉ tiêu 50, có 21 sinh viên nhập học (42%), năm 2022 (có 50 chỉ tiêu, không có sinh viên nhập học).

Tương tự, ngành Kỹ thuật môi trường, năm 2021, chỉ tiêu 50, có 10 sinh viên nhập học (20%); năm 2022, chỉ tiêu 50, không có sinh viên nhập học.

Ngành Dược học: Năm 2021, lấy 400 chỉ tiêu, chỉ có 97 sinh viên nhập học (24%), năm 2022, hạ chỉ tiêu xuống còn 300, nhưng vẫn không tuyển đủ, chỉ có 103 sinh viên nhập học (34%).

Chi tiết một số ngành tuyển sinh kém:

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung lý giải: “Tại HUTECH cũng như hầu hết các trường đại học đào tạo đa ngành khác, có những ngành được thí sinh đăng ký theo học rất đông, nhưng cũng có một số ngành kém thu hút, không đạt chỉ tiêu trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022), thậm chí có ngành Kỹ thuật y sinh, Kỹ thuật môi trường không tuyển được thí sinh nào (năm 2022).

Điều này xuất phát từ xu hướng chọn ngành của thí sinh, chủ yếu tập trung vào các ngành mà thị trường lao động đang có nhu cầu cao hoặc phù hợp với xu thế ngành nghề chung của nền kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là có thể do thí sinh còn khá mơ hồ về định hướng nghề nghiệp trong tương lai dẫn đến tâm lý e ngại khi chọn học.

Trường đã có nhiều chính sách để khuyến khích thu hút thí sinh đối với các ngành này, chẳng hạn như các chương trình tư vấn hướng nghiệp được triển khai chặt chẽ, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ học bổng cho thí sinh theo học và ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên lượng nguyện vọng đăng ký vẫn không được cải thiện.

Từ thực tế đó, từ năm 2023, nhà trường đã ra quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Kỹ thuật y sinh, Kỹ thuật môi trường”.

Bên cạnh những ngành tuyển sinh “èo uột”, đề án tuyển sinh qua các năm cũng cho thấy, một số ngành đã tuyển vượt chỉ tiêu khá nhiều:

Ngành Thiết kế nội thất: Năm 2021 lấy 50 chỉ tiêu, có 83 sinh viên nhập học (tuyển vượt 66%); năm 2022, giữ nguyên 50 chỉ tiêu, có 72 sinh viên nhập học (vượt 44%).

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc: Năm 2021, xác định 100 chỉ tiêu, tuyển được 148 sinh viên (vượt 48%); năm 2022, tăng chỉ tiêu lên 200, có 293 sinh viên nhập học (vượt gần 47%).

Ngành Công nghệ thông tin: Năm 2021 (chỉ tiêu 600, tuyển 818 sinh viên, tương đương vượt hơn 36,3%), năm 2022 (chỉ tiêu 1.000, tuyển 1.041 sinh viên, vượt 4,1%).

Chi tiết một số ngành có số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học cao hơn chỉ tiêu:

Đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh lý giải: “Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm được xác định theo các nhóm ngành/lĩnh vực dựa trên năng lực của nhóm ngành/lĩnh vực đó đáp ứng theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năng lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tỉ lệ việc làm sinh viên…).

Số lượng tuyển sinh hằng năm của trường theo nhóm ngành/lĩnh vực có ngành Thiết kế nội thất và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc không vượt quá chỉ tiêu đã được xác định vào đầu năm của nhóm ngành/lĩnh vực này.

Cụ thể năm 2021, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu theo khối ngành Mỹ thuật ứng dụng có ngành Thiết kế nội thất đạt 94% tổng chỉ tiêu của khối ngành; năm 2022 tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu theo lĩnh vực Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đạt 99,72% tổng chỉ tiêu của lĩnh vực.

Việc có một số ngành trong nhóm ngành/lĩnh vực thu hút lượng thí sinh cao hơn so với kế hoạch tuyển sinh vào đầu năm của ngành đó và ngược lại cũng có những ngành lại thu hút lượng thí sinh thấp hơn so với kế hoạch tuyển lúc đầu năm xuất phát từ xu hướng chọn ngành của thí sinh mỗi năm mỗi khác nhau, có những năm ngành này chưa phổ biến nhưng bước sang năm kế tiếp, xu hướng xã hội hoặc nhu cầu nhân lực của nền kinh tế tăng mạnh đã khiến thí sinh mong muốn theo học.

Xác định chỉ tiêu theo dự báo xu hướng chọn ngành của thí sinh nhìn chung vẫn mang tính tương đối, đôi khi còn chưa chính xác vì nguyện vọng của thí sinh là rất đa dạng và có những điều chỉnh liên tục, có ngành thí sinh rất mong muốn đăng ký xét tuyển, nhưng ngược lại có ngành thí sinh lại ít quan tâm.

Chính vì vậy, tổng số thí sinh trúng tuyển vào ngành có thể sẽ có phần lệch so với kế hoạch đưa ra đầu năm, nhưng tổng số thí sinh tuyển vào vẫn đảm bảo đáp ứng không quá chỉ tiêu của khối ngành/lĩnh vực và không vượt quá năng lực xác định chỉ tiêu đào tạo của nhà trường”.

Theo số liệu nhà trường cung cấp, năm 2023, số lượng sinh viên trúng tuyển của 2 ngành trên đến thời điểm hiện tại là: 97 sinh viên với ngành Thiết kế nội thất (97% chỉ tiêu) và 178 sinh viên với ngành ngôn ngữ Trung Quốc (89% chỉ tiêu).

Quy mô sinh viên “tăng vọt” do dịch Covid-19, sinh viên nợ môn

Nhìn vào quy mô sinh viên/học viên tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - HUTECH trong 4 năm qua (theo báo cáo 3 công khai các năm học từ 2019-2020 đến 2022-2023), cho thấy: Tổng số người học năm học 2022-2023 tăng 2.876 người so với năm học 2019-2020 (tương đương tăng gần 11,4%).

Trong đó, đối với quy mô sinh viên đại học chính quy, tăng từ 23.363 lên 27.422 (tăng 4.059 sinh viên, tương đương tăng gần 17,4%).

Từ năm học 2021-2022 đến nay, trường không đào tạo sinh viên đại học hệ vừa học vừa làm.

Chi tiết quy mô đào tạo được công khai trong báo cáo thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học qua các năm học.

Chi tiết quy mô đào tạo được công khai trong báo cáo thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học qua các năm học.

Đối với sự thay đổi trong quy mô đào tạo trình độ đại học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng khoảng 10%, nên trong vòng 4 năm từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023 quy mô sinh viên đại học chính quy toàn trường tăng khoảng 4.059 sinh viên”.

Tính riêng năm học 2022-2023, quy mô đào tạo đại học chính quy tăng 3.987 sinh viên (tương đương tăng hơn 17%) so với năm học trước.

Trước sự tăng trưởng “đột biến” này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của HUTECH lý giải: “Quy mô đào tạo là tính toàn bộ sinh viên đang học tại trường (năm 1 đến năm 4 và những sinh viên tốt nghiệp trễ tiến độ).

Mặt khác, thời gian dịch bệnh Covid-19, nhiều sinh viên các khóa cuối không hoàn thành kịp các chứng chỉ điều kiện chuẩn đầu ra (Tin học, Ngoại ngữ và một số môn học khác…) nên bị dồn số lượng sinh viên chưa tốt nghiệp lại làm cho quy mô của trường tăng lên.

Số sinh viên năm nhất của khóa này tăng hơn so với khóa cũ 5 năm trước (khóa tốt nghiệp). Tổng hợp các yếu tố trên, dẫn đến quy mô của trường tăng lên”.

Từ năm học 2021-2022, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh không tiếp tục đào tạo sinh viên hệ vừa học vừa làm. Nguyên nhân được vị này đề cập: “Các chương trình đào tạo của nhà trường đều xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Hiện nay, nhu cầu sinh viên theo học đại học hệ vừa học vừa làm giảm đáng kể so với khoảng 10 năm trước, có thể là do nhu cầu của xã hội và bản thân người học.

Trong những năm gần đây, nhà trường không tuyển sinh được hệ này, chính vì vậy, từ năm học 2021-2022 nhà trường quyết định ngưng tuyển sinh hệ vừa học vừa làm và tập trung nguồn lực vào đào tạo hệ chính quy”.

Ngân Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hutech-nganh-sinh-vien-nhap-hoc-cao-hon-chi-tieu-66-nganh-0-thi-sinh-post240028.gd