'Hút' nhà đầu tư tỷ USD vào điện gió ngoài khơi

Theo đại diện CIP, trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, những chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm để đưa ra các cam kết lâu dài và quyết định những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD.

Hôm nay 28/3, Tập đoàn CIP tổ chức hội thảo về cơ hội nghề nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi. Tại hội thảo các chuyên gia đưa ra cái nhìn tổng quan về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, các vướng mắc, cũng như cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000 MW (có thể tăng thêm khi công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý), và tăng lên 70.000-91.500 MW vào năm 2050, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) như đã cam kết tại COP26.

Mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000 MW.

Cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công thương) nhận định, việc phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với định hướng chính sách trong chương trình phát triển nguồn điện Việt Nam. Trong đó có những ràng buộc về biến đổi khí hậu (Quyết định 896 năm 2022), với quy định phát thải trong lĩnh vực năng lượng đến năm 2050 không vượt quá 101 triệu tấn, riêng ngành điện không vượt quá 35 triệu tấn.

Dù vậy, theo vị này, đây là lĩnh vực mới, việc đưa ra các cơ chế chính sách cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đến từ Đan Mạch, ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn chia sẻ, trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, những chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm để đưa ra các cam kết lâu dài và quyết định những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD.

Một dự án điện gió ngoài khơi từ giai đoạn cấp phép khảo sát đến giai đoạn vận hành thương mại thường kéo dài tối thiểu 6 năm. Do vậy, ông Stuart Livesey cho rằng, để đạt được mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII, cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi trong năm 2024, song song với việc từng bước hoàn thiện các chính sách và quy định liên quan.

Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Tổng giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn.

"Chúng tôi mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước và các đối tác trong nước để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tạo tiền đề vững chắc để phối hợp triển khai các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở Việt Nam", ông Stuart Livesey nói.

Với thực trạng còn trống chính sách như hiện nay, TS. Dư Văn Toán, Viện khoa học môi trường, Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi; Quy hoạch không gian biển dài hạn, gắn với các ngành kinh tế khác; Quy định kỹ thuật, chính sách quản lý rác thải, tái chế, thu gom từ năng lượng tái tạo (tấm pin mặt trời, tuabin gió, tuabin song…).

Cơ hội việc làm chất lượng cao cho Việt Nam

Bên cạnh chính sách, ông Stuart Livesey còn nhấn mạnh, tầm quan trọng của phát triển nhân lực cho ngành này, không chỉ về số lượng mà còn yêu cầu trình độ cao.

"Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5 GW (3.500 MW) sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE, trong đó một FTE được tính là một nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng một năm. CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành điện gió ngoài khơi", ông Stuart Livesey bày tỏ, CIP mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.

Với vòng đời của một trang trại điện gió ngoài khơi khoảng 35-45 năm, đại diện CIP cho hay, một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính gồm phát triển, thi công & vận hành, một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong một hoặc hai giai đoạn của dự án.

Cụ thể, giai đoạn thi công có nhu cầu sử dụng nhân sự cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn vận hành & bảo trì (35%), cuối cùng là giai đoạn phát triển (10%) và tháo dỡ (6%).

Đại diện trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện ở Việt Nam, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như điện - điện tử, kỹ thuật cơ khí xây dựng công trình biển, dầu khí, kỹ thuật xây dựng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hàng hải, quản lý năng lượng, điều khiển tàu biển, năng lượng tái tạo, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật môi trường...

Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Hàng Hải...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hut-nha-dau-tu-ty-usd-vao-dien-gio-ngoai-khoi-192240328162221803.htm