Hưởng ứng ' Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới 20/3' : Vì sức khỏe răng miệng cho mọi người

' Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới' lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam là ngày 20/3/2013, và sau đó diễn ra đều đặn hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng cho cộng đồng.

Từ năm 2013 đến nay, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam (RHMVN) đã phối hợp với bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và các hội RHM địa phương trên cả nước hưởng ứng và tham gia ngày 20/3 với tháng hoặc tuần lễ khám, tư vấn và chữa răng miễn phí cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em các trường học trong cả nước. Nhờ vậy mà trong gần chục năm nay, phối kết hợp với chương trình nha học đường , ngành răng hàm mặt đã tiến hành tư vấn và chăm sóc răng miệng cho trẻ đạt được kết quả tích cực, đã làm giảm tỉ lệ sâu răng, giảm tỷ lệ nhổ răng và tăng tỷ lệ đươc trám răng trong các trường học cũng như trong cộng đồng

Chương trình khám và điều trị răng miệng tại Vĩnh Phúc-Hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng Thế giới 20/3/2019

Để chương trình hoạt động ngày càng hiệu quả, người dân cần nắm được kiến thức cơ bản, phổ quát về răng miệng và phương pháp chăm sóc răng miệng đúng cách. Hai bệnh hay gặp nhất là sâu răng và bệnh quanh răng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh sâu răng người ta đã xác định được là do chất khoáng men răng bị phá hủy bởi pH trong miệng giảm (bình thường là 7,36 giảm xuống dưới 5,5), tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào mô răng. pH trong miệng bị toan hóa là do các chất lắng đọng trên bề mặt răng như thức ăn thừa, mảng bám vi khuẩn, các chất đường, v.v. lên men sinh a-xít làm phá hủy men răng, lâu dần vi khuẩn trong miệng xâm nhập và tạo hốc sâu răng. Nếu không được điều trị sớm thì tổn thương bệnh đi sâu vào ngà và vào tủy răng và các biến chứng khác làm đau đớn và điều trị sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Các vi khuẩn ở mảng bám răng cũng bám trên bề mặt lợi, đi sâu xuống túi lợi gây viêm lợi; nếu không được điều trị , bệnh sẽ nặng dần, phá hủy các dây chằng quanh răng và xương ổ răng, dẫn đến răng lung lay răng và mất chức năng ăn nhai. Việc phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời là rất quan trọng. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là phòng ngừa để không xảy ra bệnh.

Phòng bệnh cách nào?

Dự phòng bệnh răng miệng đơn giản và tốt nhất vẫn là chăm sóc răng miệng tại nhà đều đặn và đúng cách.

Cách chải răng đúng

Ngay khi mọc xong hàm răng sữa, trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn cách chải răng hàng ngày từ cách cầm bàn chải, đặt bàn chải vào mặt răng, di chuyển bàn chải trên mặt các răng.

Theo thứ tự, chải mặt ngoài trước từ hàm trên bên phải; đặt bàn chải chếch 45 độ ở mặt ngoài cổ răng hướng phía chân răng, vuốt từ cổ răng xuống thân răng và xoay tròn di dần ra phía trước vùng răng cửa và sang các răng phía trái. Sau đó đưa bàn chải xuống mặt ngoài răng hàm dưới trái, đặt chếch bàn chải một góc 45 độ hướng phía chân răng, chải vuốt lên phía thân răng và xoay tròn, di dần bàn chải ra phía trước và sang phải. Xong phía ngoài, chuyển bàn chải vào phía trong cùng bên, áp bàn chải vào mặt trong thân răng, chải vuốt lên, xoay tròn và di dần ra phía trước; chuyển sang bên trái, chải mặt trong các răng hàm rồi chuyển bàn chải xoay ngược lên trên áp vào mặt trong các răng hàm trên chếch phía chân răng, chải vuốt xuống, xoay tròn và di dần ra phía trước; chuyển sang bên phải. Cuối cùng chải mặt nhai và dìa cắn rồi xúc miệng, thời gian chải răng tối thiểu là 3 phút.

Dùng bàn chải phù hợp

Cha mẹ cần phải kiên trì tập cho trẻ để tạo thói quen, phải mất hàng năm mới quen được; những tháng đầu chưa cần chải với kem răng. Trẻ em mẫu giáo, tiểu học dùng bàn chải nhỏ với kem răng trẻ em vì nó không cay và có vị ngọt, lượng kem răng bóp vào bàn chải bằng hạt đậu đến hạt ngô, ngày chải 2 lần, sáng và tối trước khi đi ngủ. Khi đã có bộ răng vĩnh viễn hoàn chỉnh thì dùng bàn chải người lớn.

Tùy theo tình trạng của răng và lợi mà dùng loại bàn chải thích hợp. Có 3 loại bàn chải: Loại mềm có đường kính sợi là 0,2mm dùng cho trẻ mẫu giáo, người bị viêm lợi và viêm quanh răng, người bị co lợi hở cổ và chân răng. Loại trung bình là 0,3mm và loại cứng là 0,4mm dùng cho người răng lợi lành mạnh.

Dùng chỉ tơ nha khoa

Ngoài chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch mảng bám ở kẽ răng nơi bàn chải chưa làm sạch. Cắt đoạn chỉ tơ dài 10-12cm, quấn mỗi đầu vào ngón tay chỏ được giữ bằng ngón tay cái kéo căng một đầu phía lưỡi, một đầu phía ngoài đưa vào từng kẽ răng, kéo vào kéo ra làm sạch mặt bên và cổ răng của 2 răng tiếp giáp ở mỗi kẽ, sau đó chuyển sang kẽ tiếp theo. Làm sạch bằng chỉ tơ rất tốt cho phòng viêm lợi và sâu cổ răng. Các phương tiện làm sạch răng khác như tăm xỉa răng, bàn chải kẽ dùng cho người kẽ răng thưa.

Dùng nước súc miệng fluorNước súc miệng fluor 0,2% được sử dụng ở trường học trong chương trình nha học đường phòng sâu răng. Xúc miệng tuần/lần. Ngăn ngừa hình thành mảng bám răng thì xúc miệng bằng dung dịch chlohexidin gluconate 0,12% ngày 2 lần ở người chải răng chưa sạch, người có viêm lợi, viêm quanh răng hoặc sâu phẫu thuật.

Nên đi khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để nha sĩ tư vấn và nếu phát hiện có tổn thương răng lơị̣ cần được điều trị kịp thời.

Ngày Sức khỏe Răng miệng thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 20/3 nhằm nâng cao ý thức về sức khỏe răng miệng, khuyến khích từng cá nhân, gia đình, cộng đồng cũng như chính phủ nước sở tại góp phần vào việc giảm thiểu các căn bệnh do răng miệng gây nên. Đến nay đã có trên 200 tổ chức các hội chuyên ngành trên toàn thế giới hưởng ứng và tham gia.

PGS.TS. Đỗ Quang Trung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-ung-ngay-suc-khoe-rang-mieng-the-gioi-20-3-vi-suc-khoe-rang-mieng-cho-moi-nguoi-n170515.html