Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững

Trong những năm gần đây, mặc dù bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kiên trì thay đổi tư duy chỉ đạo sản xuất từ bề rộng sang chiều sâu, lấy giá trị gia tăng làm thước đo sản xuất. Tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn an toàn, thân thiện môi trường với mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm qua, nhờ sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư phát triển, nên thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh: Từ 10,98 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, từ 7,68% (năm 2010) xuống còn dưới 1% (năm 2019)...

Mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Chí Nhân (xã Hải Xuân, TP Móng Cái) cho hiệu quả kinh tế cao.

Có được kết quả trên, các địa phương trong tỉnh đã nêu quyết tâm cao độ trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Đặc biệt là tập trung nguồn lực củng cố kết cấu hạ tầng vùng nông thôn; khuyến khích các mô hình sản xuất tập trung; thu hút nguồn lực của doanh nghiệp cũng như tăng hàm lượng khoa học ứng dụng vào sản xuất...

UBND tỉnh đã phê duyệt đến 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư các mô hình sản xuất, kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.

HTX Tuyền Huyền tại xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) là đơn vị được chọn, sản xuất thành công giống gà địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Tìm hiểu tại Tiên Yên được biết, huyện đã tập trung cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2017-2020. Trong đó, đã định hướng tổ chức phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa từ các xã, thị trấn; tiến hành hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Đặc biệt là xây dựng và công bố các quy hoạch, đề án sản xuất nông nghiệp là chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn đến năm 2030. Như: Quy hoạch nuôi nhuyễn thể ngoài đê; quy hoạch nuôi trồng thủy sản tập trung xã Hải Lạng; đề án tổng thể phát triển vùng trồng dược liệu...

Nông dân xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, vào mùa thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Minh Hà

Huyện cũng xác định xây dựng NTM phải đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân... Do đó rất chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo từng đặc điểm tự nhiên và tập tục canh tác của từng xã, từng thôn trên địa bàn. Nhờ đó, những xã thuần nông của Tiên Yên đều đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Hay như tại Quảng Yên, giải pháp được chú trọng là đầu tư nguồn lực cho các công trình giao thông, thủy lợi; xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, những cánh đồng mẫu lớn gắn với áp dụng tiến bộ KHKT.

Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản tại địa phương như trứng gà Tân An, rau an toàn Song Hành... đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được đông đảo người dân ưa chuộng, tin dùng.

Sức bật từ Chương trình OCOP

Từ thực tế triển khai nhiều năm qua cho thấy, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế vùng nông thôn. Đó là những lợi ích về nhiều mặt, như: Phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; tạo công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho nhân dân, khắc phục tình trạng nghèo đói...

Nông sản huyện Bình Liêu tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.

Người nông dân được khuyến khích, hỗ trợ để luôn chủ động về ý tưởng sản phẩm, thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hướng đến vùng sản xuất tập trung, phát huy sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện nâng chất sản phẩm, khơi dậy tiềm năng lợi thế từ các sản vật truyền thống, văn hóa sẵn có của địa phương. Đó cũng là những yêu cầu mà nhóm các tiêu chí về “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM đề ra.

Năm 2019, Ban Xây dựng NTM tỉnh đã thẩm định, hỗ trợ phát triển 107 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn, vượt 77 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch. Đến nay toàn tỉnh có trên 170 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với gần 430 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Các sản phẩm được đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí chất lượng tương ứng với mức từ 3 đến 5 sao OCOP; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ các sản phẩm xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP được tăng cường, bước đầu đã tiếp cận được thị trường, các sản phẩm này đều đạt chuẩn tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì...

Sản phẩm chính của Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc là cây dược liệu của Tiên Yên. Ảnh: Việt Hoa

Hàng loạt những sản phẩm truyền thống, đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh được nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị theo hướng thương mại hóa như: Miến dong Bình Liêu, củ cải Đầm Hà, chả mực Hạ Long, gà Tiên Yên, mật ong Ba Chẽ…

Nhờ tham gia tích cực vào Chương trình OCOP, các sản phẩm nông sản mỗi địa phương đều được nâng tầm giá trị, người dân có thêm động lực để phát triển kinh tế.

Có thể nói, những nỗ lực phát triển kinh tế của từng hộ dân gắn liền với nhiệm vụ chung về thi đua xây dựng NTM đang ngày càng lan tỏa rộng rãi, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo, đời sống mỗi vùng quê.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-ben-vung-2484917/