Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn
Chạy đua sản xuất theo xu thế nhanh, nhiều, khai thác tài nguyên cạn kiệt và núi rác thải ngày càng phình to… đang là nỗi lo của nền kinh tế đặt nặng số lượng, lợi nhuận. Hướng đến phát triển bền vững, các nhà chuyên môn đã đề xuất chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn.
Nhanh chóng chuyển đổi
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.
Đơn cử, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng năm các trang trại nuôi cá tra thải ra hơn 10 tỷ m3 nước thải chứa khoảng 51.336 tấn nitơ và 16.070 tấn phốt pho không qua xử lý. Mỗi năm khu vực này có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, các khu và cụm công nghiệp ở ĐBSCL cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh hàng năm tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang… khá cao với 52.998-565.900 tấn mỗi nơi.
Tình trạng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và các hóa chất độc hại thải ra môi trường, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến phát triển nền nông nghiệp và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người dân.
Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua ngành nông nghiệp đạt được những thành quả vượt bậc, đóng góp khoảng 13,96% GDP của cả nước. Sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam đứng thứ 15 thế giới và thứ 2 ở Đông Nam Á về xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Song ngành nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức như tài nguyên suy kiệt, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên; thất thoát và lãng phí nguồn phụ phẩm khá nhiều. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao sản xuất, giảm sử dụng tài nguyên, tăng khả năng tái sản xuất, tái sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường…
Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.
Tại ĐBSCL đã phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường. Điển hình như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), hay vườn - ao - chuồng - biogas (VACB), giúp khắc phục việc quản lý phế thải, sử dụng được phụ phẩm nông nghiệp để trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, góp phần giảm phát thải.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nguồn rơm rạ hiện nay được tái tạo thành nhiều sản phẩm có giá trị như phân vi sinh, than sinh học, nguyên liệu sản xuất nấm; hay như những nông dân trồng sen ở tỉnh gần như sử dụng 100% sản phẩm từ cây sen để nâng cao giá trị.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, biết TP đang ứng dụng một số mô hình kinh tế tuần hoàn, như phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp…
Đây được xem là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện ở Cần Thơ có khoảng 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và nông nghiệp hữu cơ; xây dựng 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…
“Tới đây, Cần Thơ sẽ từng bước thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân, hướng đến tiêu dùng xanh, sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường như túi tự phân hủy; xây dựng hành lang pháp lý trong thực hiện kinh tế tuần hoàn theo lộ trình; phát huy vai trò doanh nghiệp là động lực để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” - ông Trường nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhìn nhận: “Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, hướng đến nền kinh tế xanh đang được tỉnh ưu tiên thực hiện. Đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi, chế biến phụ phẩm từ cá tra, sử dụng giấy thùng thải loại trong nghề gốm… tại các cơ sở, hợp tác xã, nhưng ở phạm vi còn nhỏ.
Do đó, để chuyển dịch nhanh sang kinh tế tuần hoàn rất cần giải pháp đồng bộ. Tỉnh sẽ lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và các quy hoạch để tổ chức thực hiện sâu rộng. Tỉnh cũng xác định, xây dựng lộ trình mô hình kinh tế tuần hoàn từ vi mô đến vĩ mô, trong đó doanh nghiệp là động lực trung tâm”.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua bảo vệ môi trường bằng nhiều dự án, mô hình, chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế chất thải… được ngành chức năng công nhận. Các chương trình như phát triển năng lượng tái tạo, chống rác thải nhựa, sản xuất sạch; sản xuất nông nghiệp tổng hợp cũng là mô hình tuần hoàn khép kín mang lại hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Song, để doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý nhìn nhận đúng về kinh tế tuần hoàn cần triển khai sâu rộng hơn về tiêu chí của mô hình này; cách tiếp cận, xác lập mô hình, nâng cao nhận thức để tạo ra sự đồng thuận chung. Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thạc sĩ Bùi Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (Viện Chiến lược phát triển, thuộc Bộ KH-ĐT), lưu ý: “Chúng ta muốn nông nghiệp phát triển hiện đại, sạch xanh và an toàn, công nghiệp đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ nông nghiệp và ngược lại. Đối với nội bộ các nhóm ngành công nghiệp cũng cần có mối liên hệ mật thiết để hỗ trợ giải quyết tái sử dụng hoặc thu hồi chất thải, xử lý chất thải công nghiệp nhằm đưa trở lại đầu vào, hoặc thu gom sau sinh hoạt”.