HTX Tâm Ngọc và khát vọng vươn lên của người khuyết tật

Bản thân là người khuyết tật, nên hơn ai hết, chị Trần Thị Thuần – Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Tâm Ngọc (thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thấu hiểu những khó khăn, rào cản của những người khuyết thiếu như mình. Chị đã nghiên cứu trồng và sản xuất trà thảo dược, giúp hàng chục người khuyết tật có công ăn việc làm, sự tự tin và thu nhập ổn định.

“Sức mạnh không đến từ thể chất, mà đến từ ý chí bất khuất của chúng ta”, chị Thuần chia sẻ. Đây cũng là kim chỉ nam hoạt động của HTX Tâm Ngọc - mái ấm của những người khuyết tật.

Không đầu hàng trước bất hạnh

Từ khi còn nhỏ, chị Thuần không được may mắn như những đứa trẻ khác. Một trận sốt cao đã khiến chị bị khiếm khuyết ở chân trái, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn.

Thế nhưng, ẩn sâu bên trong dáng hình nhỏ bé, yếu đuối đó là một tinh thần “thép”, chị đã không đầu hàng trước số phận hẩm hiu.

Đến khi trưởng thành, thay vì buông xuôi trước những khó khăn và bất hạnh, chị Thuần còn biến điều đó trở thành động lực. Năm 2019, nhận thấy nhiều ruộng đất tại địa phương bị bỏ hoang, chị vận động một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu…

HTX Tâm Ngọc đang canh tác hơn 12 ha bao gồm các loại cây ăn quả, hoa, rau sạch nhưng chủ lực là các loại cây thảo dược.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Thuần cho biết: “Tôi là người khuyết tật, nên thấu hiểu được nhiều sự thiệt thòi của những người không may bị khuyết tật. Đi xin việc không ai nhận, bị người thân và xã hội không tôn trọng, thậm chí họ thể hiện ánh mắt thương hại. Cánh cửa bước ra cuộc đời như đóng trước mắt người khuyết tật, khiến họ mặc cảm với số phận, không ít người rơi vào trạng thái sống khép kín, tiêu cực. Chứng kiến nỗi khổ ấy, tôi nảy ra ý tưởng thành lập một tổ chức để người khuyết tật có công ăn việc làm, hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tạo dựng cuộc sống trên đôi chân, đôi tay khuyết thiếu của họ…”.

HTX Tâm Ngọc thành lập năm 2019, khi mới thành lập HTX có 7 thành viên, qua hơn 4 năm hoạt động đến nay HTX có 41 thành viên, trong đó có 40 người khuyết tật, chỉ một kế toán là người bình thường. Hiện, HTX đang canh tác hơn 12 ha bao gồm các loại cây ăn quả, hoa, rau sạch nhưng chủ lực là các loại cây thảo dược. Công việc trồng cây dược liệu, đóng gói các sản phẩm trà giúp các thành viên có thu nhập ổn định trung bình 4 triệu đồng/người/tháng tùy theo khả năng của từng người.

Khi được hỏi lý do xây dựng HTX, chị Thuần chia sẻ: “Người khuyết tật cũng có nhu cầu hòa nhập xã hội, được kết bạn, được xây dựng gia đình hạnh phúc. Với người khuyết tật để có việc làm là một quá trình tranh đấu, khó khăn và vất vả hơn rất nhiều. Việc làm không chỉ giúp cho người khuyết tật có được thu nhập, ổn định đời sống, quan trọng hơn là giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống. Nếu được làm việc, họ sẽ có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân, ngày càng tự tin để hòa nhập với xã hội. Chính bản thân những người thành lập HTX Tâm Ngọc cũng phải trải qua các khó khăn, những giọt nước mắt khi bị từ chối nhận việc vì mình là người khuyết tật. Với những trăn trở đó, tôi và anh Nguyễn Bảo Ngọc (hiện là Phó chủ tịch HTX) đã quyết tâm thành lập HTX Tâm Ngọc để tạo công ăn, việc làm cho người cùng cảnh với mình”.

Nỗ lực vượt khó gấp đôi

Những ngày đầu thành lập, HTX không chỉ khó khăn vì ban quản trị HTX phần lớn là người khuyết tật, họ không chỉ hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm mà còn thiếu vốn đầu tư trang thiết bị cơ sở, máy móc hiện đại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Mỗi người lao động khuyết tật lại có một dạng tật khác nhau nên phải tính toán, cân nhắc để sắp xếp công việc phù hợp cho từng người. Chị và các thành viên HTX nỗ lực, bền bỉ thực hiện kế hoạch, từng bước khắc phục những khó khăn đó.

HTX có 3 sản phẩm chính là Như Hoa Trà, Cà Gai Leo Trà và Liên Hoa Trà.

Về bí quyết để có được những thành công bước đầu của HTX, chị Thuần chia sẻ: “HTX luôn vạch ra những hướng đi cụ thể cho mình. HTX đã chọn phương hướng, lên kế hoạch và ngành nghề phù hợp; chọn mô hình phù hợp với tiềm năng. HTX luôn cải tiến và tìm hiểu nhu cầu thị trường, luôn quan tâm và thấu hiểu chia sẻ cùng các thành viên; lựa chọn con người để hợp tác xây dựng cùng khởi nghiệp. Từ đó, HTX đã chọn trà làm hướng đi cho mình”.

Các sản phẩm trà thảo dược được kết hợp từ các loại dược thảo theo phương thức Đông y, mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng. Thảo dược được trồng theo hướng hữu cơ tuân theo tự nhiên, áp dụng công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, hình dạng, màu sắc và dược tính.

Hiện, HTX có 3 sản phẩm chính là Như Hoa Trà, Cà Gai Leo Trà và Liên Hoa Trà. Trong đó, Như Hoa Trà có thành phần chính là hoa nhài và một số thảo dược, công dụng bài thải độc tố cho gan, bổ thận, bổ tỳ, giảm chứng mất ngủ, mụn nhọt, mẩn ngứa…

Sản phẩm Cà Gai Leo Trà có công dụng bảo vệ gan, kìm hãm và làm âm tính virus viêm gan B, C ngăn chặn quá trình xơ gan, đặc biệt tốt cho người uống nhiều bia rượu. Sản phẩm được lên ý tưởng từ kinh nghiệm của bà con ở địa phương, kết hợp với sự kiểm chứng khoa học về tác dụng của cà gai leo.

Liên Hoa Trà có công dụng tăng tuần hoàn máu, tăng thể lực, giảm stress tốt, kích thích hoạt động não bộ, tốt cho người mất ngủ…

Những sản phẩm của HTX đều đã đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hạng 4 sao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Doanh thu năm 2023 của HTX khoảng 2 tỷ đồng.

“Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, khách hàng và người tiêu dùng biết đến HTX nhiều hơn. Đây là niềm vui, vinh dự để các thành viên trong HTX Tâm Ngọc tiếp tục phấn đấu, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, Phó Giám đốc Nguyễn Bảo Ngọc chia sẻ.

Các sản phẩm của HTX chủ yếu được bán trực tiếp tại cửa hàng, và đã triển khai bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Facebook,... Hằng năm, HTX cũng đưa các gian hàng sản phẩm trà đến nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá đến gần hơn với người tiêu dùng.

Để sản phẩm có thương hiệu và ngày càng phát triển rộng rãi, HTX Tâm Ngọc đã bắt tay vào liên kết với các HTX trên địa bàn, như HTX Xuân Hoa ở xã Đông Xuân và HTX Hoa Lợi ở xã Xuân Giang. Các HTX đã cùng gieo trồng và chăm sóc cây thảo dược phục vụ cho việc tạo ra các dòng trà thảo dược đa dạng.

Trong thời gian tới, HTX phấn đấu phủ kín 12 ha cây thảo dược, đầu tư máy móc công nghệ cao và mở rộng thêm vùng nguyên liệu ở các tỉnh lân cận, tìm kiếm thêm nhà phân phối để tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên, xây dựng HTX Tâm Ngọc ngày càng lớn mạnh, để nơi đây thành mái ấm cho những người khuyết tật.

Tâm Ngọc không chỉ là một nơi làm việc, mà còn là ngôi nhà thứ hai của người lao động khuyết tật trong HTX.

Tự tin thực hiện ước mơ

“Việc làm là cơ hội để người khuyết tật hoàn thiện và thay đổi bản thân, môi trường làm việc thường là môi trường tập thể. Khi làm việc, người lao động khuyết tật có cơ hội tiếp xúc với những người lao động khác, nhận thức của người khuyết tật về bản thân cũng sẽ có những thay đổi. Người khuyết tật sẽ thấy mình có ích cho gia đình, xã hội để sống tự tin hơn, tự xóa bỏ những mặc cảm. Qua đó, người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn để tạo ra các kênh tương tác xã hội, mang lại lòng tự hào và tự tin cho người khuyết tật”, chị Thuần chia sẻ.

Hiện tại, HTX Tâm Ngọc có 40/41 lao động là người khuyết tật. “Tiếng lành đồn xa”, nên nhiều người khuyết tật vẫn đang tìm đến nơi đây. Tất cả đều được hướng dẫn, được thử việc hoàn toàn miễn phí. Nếu đáp ứng sẽ được nhận vào làm tùy theo khả năng và sức khỏe. Tâm Ngọc không chỉ là một nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai của người lao động khuyết tật trong HTX.

“Tất cả các bạn khuyết tật đến với HTX Tâm Ngọc, tôi đều ưu tiên cho thử việc. Chỉ cần các bạn bày tỏ mong muốn được học nghề, được thử việc thì tôi đều cho làm. Nếu học và làm được, HTX sẽ sắp xếp việc”, Giám đốc Trần Thị Thuần nói.

Chị Hưng, một người lao động giãi bày: “Năm 2018, trên đường đi làm về, tôi va chạm với xe ô tô và bị chèn nát một bên tay. Từ người lành lặn trở thành khuyết tật, tôi sống tự ti, không muốn gặp ai, không muốn đi đâu. Sau đó, được giới thiệu vào làm tại HTX Tâm Ngọc của chị Thuần. Công việc chính là đóng gói, dán tem cho hộp chè. Thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 4 triệu. Sống ở quê, tôi thấy mức thu nhập đó khá tốt, nhất là với người bị khuyết một bên tay như tôi. Công việc và thu nhập giúp tôi không còn nghĩ về khiếm khuyết của mình nữa”.

Tương tự, từ khi được dạy nghề miễn phí và vào làm việc tại HTX Tâm Ngọc, chị Phan Thị Trà My đã có thể sống tự lập thay vì dựa vào gia đình. Cuộc sống cũng vì thế trở nên ý nghĩa và nhiều niềm vui hơn. “Tôi bị bệnh tim bẩm sinh, thị lực cũng kém. Trước khi vào đây, tôi chỉ ở nhà phụ giúp mẹ làm bếp. Sống cùng xã với chị Thuần nên may mắn gặp và được chị ấy đưa vào học nghề miễn phí, rồi tạo việc làm. Giờ đi làm và có thu nhập, tự lo cho cuộc sống của bản thân nên tinh thần vui vẻ, thay vì tự ti như lúc ở nhà với mẹ”, chị My tâm sự.

HTX Tâm Ngọc hiện cũng đang phát triển chuỗi Spa An Phúc dưỡng sinh đông y, chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe bằng thảo dược. Để tạo cơ hội nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, chị Thuần cũng nhận dạy nghề, chuyển giao công nghệ làm đẹp hoàn toàn miễn phí.

“Nhìn lại quá trình khởi nghiệp của bản thân, tôi hài lòng nhất là sự tự tin của các bạn khuyết tật khi đến với HTX Tâm Ngọc. Trước khi vào đây, các bạn đều mặc cảm về khiếm khuyết của mình, còn nay thì ai nấy đều tự tin, với tâm thế có thể sống bất kể nơi đâu bằng chính sức lao động của mình. Tôi muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ rằng sức mạnh không đến từ thể chất mà từ ý chí bất khuất của chúng ta”, chị Thuần chia sẻ.

Lê Hồng - Phạm Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-tam-ngoc-va-khat-vong-vuon-len-cua-nguoi-khuyet-tat-1098769.html