HTX góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An

Kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An những năm qua có chuyển biến tích cực. Các địa phương không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ bà con xóa đói, giảm nghèo mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa cho nông sản của vùng, trong đó có những đóng góp tích cực của các HTX.

Nghệ An là tỉnh có gần 500.000 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn miền núi, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh với 47 dân tộc, nên việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được đặt trong tổng thể chính sách dân tộc và miền núi, đã được thực hiện đồng bộ và khá hiệu quả trong thời gian qua.

Đổi thay cuộc sống người nghèo ở vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, để giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, huyện Quế Phong đã thúc đẩy các HTX trở thành “bệ đỡ” cho các hộ sản xuất.

HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong) đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi, với mô hình nuôi cá hàng hóa tên các dòng suối và lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Mô hình nuôi cá hàng hóa tại HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên.

Anh Lang Văn Mão - người dân tộc Thái, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na, cho biết trước đây các hộ dân chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thủy điện Hủa Na, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều hộ gia đình còn không đủ ăn. Năm 2019, HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na được thành lập, nhận thấy lợi ích của việc trở thành thành viên của HTX, nên nhiều người dân đã đăng ký tham gia. Theo đó, thành viên HTX sẽ được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá. Vì vậy, từ 20 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã phát triển lên 32 thành viên.

“Nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hóa (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…). Đặc biệt, các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng”, anh Mão cho hay.

Năm 2021, các sản phẩm cá leo, cá trắm, cá lăng, cá bọp, cá rô phi, cá chạch, cá chình do HTX Nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na được sản xuất phù hợp với Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Việc nuôi cá trên hồ thủy điện Hủa Na đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng lòng hồ. Với việc nuôi trồng đúng quy trình kỹ thuật, đạt chuẩn VietGAP sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia HTX nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ cá của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn được mở rộng sang các địa phương lân cận như huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh... Nhờ đó, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Nhiều hộ dân cũng từ mô hình này mà đi lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

HTX phát huy tốt vai trò “bà đỡ”

Công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo là đã khơi dậy sức mạnh nội lực như huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Các HTX thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bào và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Nghệ An.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn phía Tây Nghệ An là đã hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến như: vùng trồng mía nguyên liệu ở Tân Kỳ, Anh Sơn, nuôi cá trên lòng hồ...; vùng chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn. Trong đó, HTX phát huy tốt vai trò “bà đỡ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Điển hình là mô hình nuôi trồng thủy sản của HTX dịch vụ Đình Phong (huyện Tương Dương). Trước đây, các hộ dân tự sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có rất ít lồng cá, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Sau khi thành lập HTX dịch vụ Đình Phong vào năm 2020, các hộ dân tham gia vào HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá; các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi.

Bà Hà Thị Hương, dân tộc Thái - Giám đốc HTX chia sẻ: "Thị trường tiêu thụ cá của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt ở dưới xuôi. Đến nay, HTX có 13 thành viên, sản phẩm cá nuôi được các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng thực phẩm ở Nghĩa Đàn, TP.Vinh, Anh Sơn, Con Cuông bao tiêu, cá đạt trọng lượng là xuất bán hết, không tồn đọng".

Đặc biệt, gần đây, nhiều thành viên trong HTX còn mạnh dạn đầu tư dịch vụ ẩm thực từ cá, phục vụ du khách ngay trên các lồng bè. Nhờ vậy, thu nhập ngày càng được nâng cao, mỗi thành viên đạt gần 100 triệu đồng/năm.

Giải pháp để phát triển các HTX khu vực miền núi

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, hiện nay, HTX ở vùng dân tộc thiểu số miền núi Nghệ An quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyên nhân là do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Quý cho rằng, sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã có những hỗ trợ cho các HTX tham gia các hội chợ, tuy nhiên điều cần thiết đối với HTX là phải xây dựng được chuỗi cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với tiêu thụ thì chưa làm được. Bên cạnh đó chưa có những mô hình HTX thật sự điển hình và mẫu để có thể nhân rộng và lan tỏa.

Ngoài các vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Bá Châu, Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An cũng nói rằng: Trình độ quản trị của nhiều HTX còn yếu, phần lớn quản trị theo kinh nghiệm; khả năng tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, vai trò thực hiện sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của HTX sẽ có "đất sống".

Còn theo các chuyên gia, trong điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn khó khăn, thì giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bào và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng này.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/htx-gop-phan-thay-doi-dien-mao-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-nghe-an-1094294.html