Hợp tác sản xuất ô tô với Indonesia, phải làm sao để doanh nghiệp nội không 'thiệt'?

Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang ngày càng đẩy mạnh việc hợp tác, nhất là khi thuế suất trong ASEAN sắp về 0%, các doanh nghiệp Việt Nam cần gì để không bị 'lấn lướt' trước những quốc gia khác, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô còn rất non trẻ?

Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh “Triển vọng hợp tác Indonesia - Việt Nam về công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô, xe máy", ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Indonesia đang hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN có 4 đặc trưng, bao gồm: ASEAN sẽ trở thành không gian sản xuất chung và là khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, hướng tới phát triển là cộng đồng kinh tế hài hòa giữa các nền kinh tế với nhau và cuối cùng là không chỉ phát triển, hợp tác trong các quốc gia Đông Nam Á với nhau mà còn mở rộng hợp tác ra cộng đồng APEC và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, những chính sách của ASEAN đã có những bước tiến rất quan trọng, 98% các dòng thuế hàng hóa trong ASEAN đã giảm từ 0,05%. Đây là một cơ hội cho sự hợp tác giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Indonesia. Trong việc hợp tác đó, điều quan trọng là tạo ra môi trường win – win, hướng tới cùng có lợi.

Tuy nhiên, việc hợp tác trong ASEAN có một số hệ lụy mà chúng ta cần phải vượt qua. Vì vậy, cần nghiên cứu hướng hợp tác nào đó để không chỉ tăng sức cạnh tranh của mỗi nước mà còn nâng cao vị thế toàn khu vực.

"Một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác ASEAN chính là ngành công nghiệp ô tô. Chúng ta cần hợp tác để phát triển nhưng nếu hợp tác mà không đem lại giá trị gia tăng cho sự phát triển kinh tế, đem lại quyền lợi, hiệu quả sử dụng tốt cho người dân các nước thì sự hợp tác đó chắc chắn là không hiệu quả, phiến diện", ông Khương cho biết.

Trong nghiên cứu về các “điểm đến” đầu tư tại ASEAN thì Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia hàng đầu. Tiếp sau làn sóng đầu tư vào Trung Quốc đang thì ASEAN chính là điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.

Với bối cảnh truyền thống và những bất cập trong việc xây dựng ngành ô tô non trẻ, Việt Nam sẽ có nhiều hạn chế trong việc phát triển. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì vẫn phải phát triển ngành công nghiệp ô tô, bởi với quốc gia hơn 90 triệu người mà nhu cầu của người dân ngày càng cao hơn, mong muốn những phương tiện giao thông an toàn hơn thì ô tô chính là một sản phẩm mà người tiêu dùng hướng tới.

Theo ông Ibnu Hadi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng Hòa Indonesia tại Việt Nam: "Hiện nay, Indonesia và Thái Lan là những quốc gia có ngành sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực, còn Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước".

Năm 2016 có 6 quốc gia sở hữu sản lượng ô tô lớn nhất trong khu vực là Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Đức. Vì vậy, không thể phủ nhận ngành sản xuất ô tô của Thái Lan và Indonesia lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Tập trung vào gia công linh kiện, sản xuất phụ tùng

Diễn đàn Kinh doanh “Triển vọng hợp tác Indonesia - Việt Nam về công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô, xe máy"

Đặc biệt là khi Hiệp định thương mại Tự do ASEAN được áp dụng để tạo ra cộng đồng kinh tế chung. Khi thuế suất về 0% thì đó sẽ là cơ hội cho tất cả chúng ta chứ không phải chỉ riêng Indonesia. Việt Nam tuy là thành viên mới trong cuộc cạnh tranh nhưng cũng có những lợi thế nhất định về nguồn nhân lực như số lượng nhân công hay tay nghề lao động.

Ông Đoàn Duy Khương cũng cho rằng: "So với tất cả các nước trong ASEAN, thì Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh được với Indonesia vì họ có ngành công nghiệp ô tô lâu đời hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có điểm lạc quan trong cạnh tranh ngành ô tô khi số dân lên tới 93 triệu dân và là một thị trường quan trọng. Đồng thời, người Việt Nam cũng có những kỹ năng rất tốt và nếu được đào tạo thì vẫn có thể thích nghi và tham gia vào ngành sản xuất ô tô".

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, ở khu vực trung tâm, rõ ràng lợi thế là khi có cơ hội hợp tác thì chắc chắn chúng ta sẽ tham gia. Đồng thời, ông Khương cũng chỉ ra rằng: "Hướng phát triển cụ thể của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp ô tô là nên nghiên cứu xem chúng ta mạnh cái điểm nào, yếu điểm nào để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô chứ không phải quá đặt nặng vào việc thiết kế, sản xuất thành phẩm mới là ô tô "Made in Việt Nam".

Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc tham gia liên kết, sản xuất theo chuỗi như ngành công nghiệp phụ trợ, phụ tùng ô tô, gia công linh kiện và từng bước hướng tới việc làm chủ để sản xuất ra sản phẩm.

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/hop-tac-san-xuat-o-to-voi-indonesia-phai-lam-sao-de-doanh-nghiep-noi-khong-thiet-2830321.html