Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng: Trong cái khó thấy cơ hội

Sự tham gia của Viettel tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (MSPO) 2023 ở Ba Lan đã tạo bất ngờ cho các doanh nghiệp cùng tham dự, góp phần nâng cao hiểu biết của đối tác quốc tế về sự phát triển của công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam. Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) - Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, đây là bước tiến hết sức quan trọng và đáng tự hào, thúc đẩy quá trình thâm nhập kinh doanh của Viettel vào thị trường quốc tế.

Sản phẩm của Viettel có thể sánh với thế giới

Phóng viên (PV): MSPO là triển lãm tầm cỡ thế giới về CNQP, nơi các doanh nghiệp phô diễn những công nghệ tối tân nhất. Qua triển lãm trên, Viettel mà trực tiếp là VHT nhận thấy mình đang ở đâu trên bản đồ công nghệ quân sự thế giới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Viettel tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu gần 13 năm. Ngay từ những ngày đầu, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng tôi phải nghiên cứu những công nghệ mới nhất.

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà. Ảnh: THU HƯƠNG

Trong những năm vừa qua, các ngành nghiên cứu cho công nghệ quân sự như lĩnh vực radar, quang điện tử, mô hình mô phỏng, máy thông tin... chúng tôi đã tiếp cận được những công nghệ mới nhất trên thế giới và điều đó đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả. VHT đã đại diện cho Viettel tham dự MSPO 2023 tại Ba Lan vừa qua và từ đó thấy rằng công nghệ của VHT được đánh giá cao, có thể so sánh với sản phẩm từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trên thế giới.

PV: Công nghệ quân sự đòi hỏi bản sắc riêng, theo đồng chí, đâu là điểm khác biệt công nghệ quân sự ở VHT khi thể hiện tại MSPO?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Có nhiều điểm đặc sắc ở VHT. Thứ nhất, chúng tôi có một thế mạnh là đơn vị quân đội nên nhận được sự đặt đầu bài và song hành cùng nghiên cứu, phát triển từ khách hàng đặc biệt là Bộ Quốc phòng. Đây là khách hàng có yêu cầu rất cao đối với các sản phẩm của Viettel.

Đặc sắc thứ hai của VHT, theo triết lý của Viettel, là luôn sở hữu công nghệ lõi, khác với việc sao chép đơn thuần, Viettel làm có tư duy đột phá, điều này khác với nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Viettel đến nay đã trải qua quá trình học hỏi sáng tạo, đi song hành với thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin trên thế giới để từ đó sáng tạo, đưa sản phẩm của mình đi nhanh nhất.

Gian hàng của Viettel tại MSPO 2023 thu hút rất đông đối tác và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ quân sự đến tham quan. Ảnh: THU HƯƠNG

Nhu cầu để sản phẩm thực chiến hơn

PV: Từ cơ sở nào mà VHT quyết tâm đi ngay vào công nghệ quân sự hiện đại nhất, trong khi đây là ngành đặc thù và trình độ công nghệ của công nghiệp dân sự Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá xa các nước phát triển?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Đối với ngành công nghệ mà không đi vào cái mới nhất thì không thành công vì chẳng ai đợi mình cả. VHT cũng như doanh nghiệp của những nước có ngành sản xuất phát triển muộn hơn phải cạnh tranh quyết liệt với các nước phát triển trước, nên chúng tôi bắt buộc phải đi vào những cái mới nhất thì mới có cửa để tồn tại, để đi đường dài. Nếu như chúng tôi không đặt mình vào nhu cầu của thế giới, có nghĩa là sẽ không tồn tại được. Nếu không sản xuất được những trang bị, vũ khí ngang tầm với thế giới thì chẳng có khách hàng nào mua sản phẩm của chúng tôi. Qua những cuộc xung đột trên thế giới hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy nhu cầu trong phát triển sản phẩm công nghệ cao một cách thực chiến hơn. Từ đó, chúng tôi tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, đặt ra mục tiêu phải đáp ứng, đóng góp cho quân đội trong tình hình mới, cũng như xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài.

PV: Trong cách nhìn của xã hội, có thể cho rằng Viettel có sẵn một thị trường là phục vụ cho chính nền quân sự Việt Nam. Vậy tại sao cứ phải đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Tầm nhìn của lãnh đạo Viettel là phải cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm trên thế giới, như vậy mới khẳng định được giá trị. Quy trình nghiên cứu phát triển của Viettel đặt ra rằng, nghiên cứu ra sản phẩm thì mới đạt 40% yêu cầu; bán được trong thị trường nội địa là đạt 70% yêu cầu; bán được ra thị trường thế giới mới đạt 100% yêu cầu. Ngay trong giai đoạn nghiên cứu, nếu không đặt ra mục tiêu xuất khẩu thì có nghĩa là chúng tôi sẽ không hoàn thiện được sản phẩm tốt nhất.

Chuỗi cung ứng đứt gãy lại tạo ra cơ hội mới

PV: Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay có làm ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, sản xuất của VHT không, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, nhìn về góc độ kinh tế sẽ thấy có nhiều ảnh hưởng: Đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng, có rào cản trong một số loại vật tư linh kiện không được xuất sang Việt Nam, vì vậy, chúng tôi càng phải tăng tính tự chủ hơn. Tuy nhiên, khó khăn ấy cũng là cơ hội, vì khi đứt gãy chuỗi cung ứng thì không chỉ là đứt gãy riêng chúng ta mà các đơn vị muốn mua sắm trang bị, vũ khí cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này tạo cơ hội cho VHT tham gia vào các triển lãm hàng đầu thế giới để tiếp cận những đơn vị có nhu cầu.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết về mục tiêu phát triển dài hạn của VHT?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Tầm nhìn tập đoàn Viettel giao cho chúng tôi là đến năm 2030 phải đứng trong tốp 80 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNQP trên toàn thế giới. Lúc đó, sản phẩm của VHT sẽ cung cấp 50% cho thị trường nội địa và 50% cho thị trường quốc tế.

PV: Như vậy sắp tới, Viettel sẽ tiếp tục tham dự các triển lãm quốc phòng lớn trên thế giới?

Đồng chí Nguyễn Vũ Hà: Đúng vậy, việc tham dự các triển lãm quốc phòng sẽ trở thành hoạt động thường niên của Viettel. Gần nhất là chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia Triển lãm Quốc phòng An ninh châu Á tại Thái Lan vào tháng 11-2023. Đây được coi là sự kiện về quốc phòng lớn nhất khu vực châu Á hằng năm.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MSPO là một trong 3 triển lãm quốc phòng quốc tế thường niên lớn nhất châu Âu, thuộc tốp 10 sự kiện triển lãm quốc phòng lớn nhất thế giới. MSPO lần thứ 31 năm 2023 thu hút hơn 700 công ty, hơn 60 phái đoàn đến từ 36 quốc gia tham dự. Viettel tham dự MSPO 2023 là lần đầu tiên có một doanh nghiệp của Việt Nam tham dự và xúc tiến kinh doanh tại triển lãm quốc phòng uy tín này. Tại triển lãm, Viettel giới thiệu 60 sản phẩm, thể hiện năng lực nghiên cứu-sản xuất toàn trình trong các lĩnh vực: Thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, radar, quang điện tử, mô hình mô phỏng, UAV, Private Network cho ngành quân sự...

MAI PHƯƠNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hop-tac-quoc-te-ve-cong-nghiep-quoc-phong-trong-cai-kho-thay-co-hoi-745173