Hơn 60% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết

Sáng 18-11, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (NDTC) Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề: Chủ trương công tác cải cách tư pháp là chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm. Trong thời gian qua, quá trình xét xử, Tòa án nhân dân các cấp đã phát hiện nhiều vụ án có hiện tượng bỏ lọt tội phạm trong quá trình xét xử tại tòa.

Về vấn đề này, Chánh án Tòa an NDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình xét xử, Tòa án có quyền khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can khi có hiện tượng bỏ lọt tội phạm hoặc kiến nghị Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung. Điều này được luật cho phép nhưng với yêu cầu phải có đủ điều kiện để khởi tố. Nếu trong quá trình xét xử, Hội đồng Thẩm phán xét thấy có dấu hiệu rất rõ các tình tiết bỏ lọt tội phạm sẽ có quyết định khởi tố mà không cần đề nghị Viện Kiểm sát hay cơ qua điều tra. Tuy nhiên, năm 2017, Tòa án thực hiện 12 vụ khởi tố khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quá trình xét xử.

Cũng theo Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình, năm 2017, Hội đồng xét xử kiến nghị khởi tố bổ sung một số vụ án như trong vụ Hà Văn Thắm, kiến nghị khởi tố về những thất thoát, nhận hối lộ của Tập đoàn dầu khí, vụ Trịnh Xuân Thanh, đang tiến hành khởi tố bổ sung trong quá trình xét xử phúc thẩm… “Tuy chế định đã cho phép, nhưng số lượng vụ án xét xử phát hiện bỏ lọt tội phạm, khởi tố điều tra tại tòa còn khiêm tốn do sự thận trọng của các thẩm phán tại tòa. Trong thời gian tới, Tòa án NDTC sẽ tiếp tục duy trì phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, xử lý triệt để các hiện tượng bỏ lọt tội phạm qua xét xử, để thực hiện hết quyền năng của mình đã được chế định” – Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hùng, năm 2017, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án NDTC cần giải quyết là 18.567 đơn, mặc dù đã có nhiều nổ lực, nhưng Tòa án NDTC mới giải quyết hơn 7.097 đơn, đạt tỷ lệ 39%. Như vậy, còn lại 60,7% đơn chưa được xem xét, giải quyết. Trong đó, người có thẩm quyến kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 960 vụ, các kháng nghị đưa ra xem xét đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận, qua đây thể hiện công tác xét xử còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng đề nghị Chánh án Tòa án NDTC cho biết giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng trong công tác xét xử và những giải pháp đột phá để giải quyết hơn 10.000 đơn chờ giám đốc thẩm, tái thẩm cần giải quyết; trách nhiệm của Chánh án Tòa án NDTC như thế nào để giải quyết vấn đề này.

Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hiện nay, số đơn gửi đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhận được tăng trung bình mỗi năm 15%. Nhưng việc giải quyết đơn còn rất hạn chế. Dưới áp lực số lượng đơn tăng, cần phải tăng cường cán bộ thẩm phán cho Tòa án NDTC. Trước đây, Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý đơn, sẽ giảm áp lực cho Toàn án NDTC. Nhưng hiện nay, toàn bộ đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dồn về cho Tòa án NDTC, trong khi nhân lực không đủ để giải quyết.

Để khắc phục tình trạng này, Tòa án NDTC đã thực thực hiện các giải pháp, tăng 200 cán bộ thẩm phán từ các địa phương. Đồng thời, thực hiện xử lý đơn theo hình thức chéo đơn, ví dụ đơn của TP Hà Nội chuyển TP Hải Phòng xử lý, đơn của TP Hải Phòng chuyển Quảng Ninh xử lý... để tạo sự khách quan. Ngoài ra, đẩy mạnh việc thực hiện việc hòa giải tại tòa kể cả phúc thẩm và sơ thẩm, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử để người dân không gửi đơn lên giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phẩm chất đạt đức của thẩm phán…

Về vấn đề tranh tụng trong xét xử đạt tỷ lệ thấp, Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Các phiên tòa cần có tranh tụng và không được hạn chế thời gian tranh tụng. Tất cả các ý kiến luật sư đưa ra đều phải ghi nhận để xem xét, còn chất lượng tranh tụng do các chủ thể là luật sư và Viện kiểm sát quyết định. Thực tế, năm 2017 có hơn 57.000 vụ xét xử, chỉ có hơn 4.000 vụ có luật sư tranh tụng (bằng 7,5%). Các vụ án ở vùng sâu, vùng xa, miền núi gần như không có luật sư tranh luận. Trong thời gian tới, Tòa án NDTC sẽ nâng cao số lượng xét xử, có tranh tụng. Đặc biệt, tăng tỷ lệ các vụ án có luật sư ở vùng sâu, miền núi, những nơi đồng báo có dân trí thấp để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hon-60-don-de-nghi-giam-doc-tham-tai-tham-chua-duoc-giai-quyet/