Hơn 500 ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch mới thành phố Đà Nẵng
Kết quả tổng hợp 1.800 phiếu lấy ý kiến cho thấy phần lớn người dân và các tổ chức đều thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Quy hoạch, với tỷ lệ từ 97% trở lên cho mỗi nội dung.
Thành phố Đà Nẵng vừa hoàn thành lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan tổ chức về dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết quả tổng hợp 1.800 phiếu lấy ý kiến cho thấy phần lớn người dân và các tổ chức đều thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Quy hoạch, với tỷ lệ từ 97% trở lên cho mỗi nội dung.
Bên cạnh đó, có hơn 500 ý kiến đề xuất, góp ý cho dự thảo, đồng thời đưa ra những ý kiến nhằm hiện thực hóa, tăng tính khả thi cho các nội dung dự thảo Quy hoạch.
Nhiều kiến nghị, đóng góp thiết thực
Theo bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Đà Nẵng, kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan tổ chức về dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cho thấy người dân và các tổ chức rất quan tâm đến Quy hoạch thành phố trong tương lai.
Những nội dung được cộng đồng quan tâm, góp ý nhiều nhất là quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; các ngành y tế, giáo dục và an sinh xã hội; cũng như phân bổ không gian, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
Cụ thể, về nội dung phương án phân bố không gian phát triển kinh tế-xã hội và các khu chức năng của thành phố trong thời kỳ quy hoạch đạt tỷ lệ thống nhất là 99,1%.
Bên cạnh đó, còn có một số góp ý, kiến nghị như: Không gian phát triển ngành du lịch là quá nhiều, chỉ nên tập trung một số không gian theo sản phẩm chủ lực; Cần có sự phân bố cụ thể về trung tâm thương mại ở các quận huyện, hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống; Không gian công nghiệp cần gắn với nhà ở cho công nhân và dịch vụ an sinh xã hội; Phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề hiện hữu, cần xem lại nội dung để thống nhất với điều chỉnh quy hoạch chung (Quyết định số 359); Về mục tiêu quy hoạch phát triển các khu chức năng, cần bổ sung thêm một số khu chức năng khác thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, thể dục thể thao...
Về mục tiêu phát triển của thành phố đến năm 2030, có 98,8% ý kiến thống nhất với các nội dung chính như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5-10%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 7.000-7.500 USD; Tốc độ tăng tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt 12,5-13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP; tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 2,9%/năm; Đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 1,56 triệu người...
Đồng thời, có một số ý kiến đóng góp như: Thu nhập bình quân đầu người nên phấn đấu trên 7.500 USD; mục tiêu về tốc độ tăng dân số 2,9% là quá cao; Nên kết nối các mục tiêu phát triển với thành phố thông minh, thành phố môi trường; Xem lại tính khả thi đối với chỉ tiêu Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 85,5%...
Bà Lê Thanh Tùng cho biết thành phố sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến góp ý của người dân, tổ chức để hoàn thiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách tốt nhất, và sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chuyên gia góp ý về quy hoạch thành phố
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng) cho rằng, Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện bản quy hoạch chuẩn để phát triển, dựa trên Nghị quyết 43-NQ/TW của Trung ương và kế thừa được Quyết định 359/QĐ-TTg vừa qua của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Dự thảo quy hoạch mới đã phần nào khắc phục được các hạn chế, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp trong quy hoạch cũ.
Tuy nhiên ông cũng góp ý các vấn đề như khi quy hoạch thì cần phải nhìn nhận, đặt vấn đề Đà Nẵng là một đô thị đã phát triển, một trung tâm vùng. Không nên quy hoạch gói gọn trong diện tích hiện tại của thành phố mà phải nhìn trong chuỗi đô thị miền Trung, đặc biệt là sự kết nối với các đô thị hiện hữu tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam.
Đồng thời, phải xác định quy mô dân số thật kỹ càng, cụ thể rồi mới quy hoạch cho phù hợp với quy mô đó. Dân số và đất đai là gốc để phục vụ quy hoạch. Nếu lúng túng trong việc xác định dân số, hoặc xác định không chính xác thì có thể gây thừa hoặc thiếu cơ sở hạ tầng, lãng phí trong quy hoạch.
Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tập trung vào phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin nhưng việc này không dễ, cần có thêm thời gian và tìm ra thế mạnh.
Từ trước tới nay, Đà Nẵng vốn là một thành phố dịch vụ, nên vẫn phải giữ du lịch-dịch vụ là trụ cột chính. Theo ông Bùi Quang Bình, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung phát triển du lịch đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các thị trường khách quốc tế tiềm năng...
Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, bản quy hoạch mới cần nỗ lực để giữ lại những giá trị văn hóa-lịch sử đáng quý trong quá trình phát triển của thành phố bên sông Hàn như các bảo tàng, đình làng, công trình văn hóa...
Đồng thời, thành phố khắc phục các hạn chế trong quy hoạch hiện tại như: một số dự án còn ảnh hưởng đến môi trường-nhất là môi trường ven biển và dưới đáy biển; ảnh hưởng đến bảo tồn di sản văn hóa; thậm chí ảnh hưởng đến quốc phòng an-ninh.
Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết một số quy hoạch “treo” hàng chục năm ở Đà Nẵng như: dự án di dời ga đường sắt ra ngoại thành, hay dự án Làng Đại học Đà Nẵng.../.